1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Phúc Long sau gần 2 năm được Masan rót vốn

Thảo Thu

(Dân trí) - Theo mục tiêu, doanh thu Phúc Long năm nay tăng trưởng 58-90%. Tuy nhiên, chỉ tiêu này quý đầu năm chỉ tăng 6,2%. Chuỗi này cũng cho thấy tốc độ chậm lại trong việc mở mới ki-ốt và cửa hàng flagship.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan Group - mã chứng khoán: MSN) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý I/2023, trong đó hé lộ một số thông tin về kết quả của Phúc Long - chuỗi trà sữa được tập đoàn lần đầu rót vốn vào tháng 5/2021.

Quý đầu năm nay, chuỗi trà sữa Phúc Long đạt mức tăng trưởng doanh thu 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận doanh nghiệp lại giảm do doanh thu/cửa hàng cửa hàng đại diện thương hiệu (flagship) thấp và ki-ốt hoạt động kém hiệu quả. 

Masan lần đầu rót vốn vào Phúc Long thông qua công ty con The SHERPA. Tập đoàn chi 346 tỷ đồng, tương đương 15 triệu USD, để nắm 20% cổ phần, với định giá lần đầu là 75 triệu USD. Sau đó, Masan tiếp tục chi 6.453 tỷ đồng vào chuỗi đồ uống này, mua thêm 65% cổ phần, đưa định giá khoảng 10.640 tỷ đồng (gần 450 triệu USD).

Ông Danny Le - CEO Masan- cho rằng để xây dựng chuỗi cà phê, trà nội địa từ đầu có thể mất 5-7 năm mà chưa chắc đã thành công. Do vậy, đơn vị này mua 85% vốn Phúc Long - thương hiệu mạnh giống Starbucks để đưa ra thế giới.

Để đạt mục tiêu, ban đầu, định hướng phát triển của chuỗi này là tập trung vào mô hình ki-ốt. Cách thức triển khai là đưa các ki-ốt Phúc Long quy mô nhỏ vào trong các cửa hàng WinMart, với mục tiêu tạo ra một mô hình tích hợp WinMart+ (nhu yếu phẩm), Phúc Long (trà, cà phê), dược phẩm, Techcombank (ngân hàng) và điểm giao dịch Reddi (viễn thông di động) tại một địa điểm.

Năm ngoái, Phúc Long đặt mục tiêu sẽ đạt mức 1.000 ki-ốt trà sữa. Tuy nhiên, việc thử nghiệm mô hình này không đáp ứng được kỳ vọng ban đầu. 6 tháng cuối năm ngoái, 150 ki-ốt đóng cửa.

Quý đầu năm nay, mô hình ki-ốt tiếp tục hoạt động kém hiệu quả. Quý II năm nay, doanh nghiệp cho biết bằng việc thử nghiệm mô hình mới, đóng cửa các địa điểm hoạt động kém hiệu quả, Phúc Long sẽ hạn chế thua lỗ từ các ki-ốt.

Mô hình ki-ốt không hiệu quả nên từ cuối năm ngoái, Phúc Long cho thấy việc tập trung vào các cửa hàng flagship khi mở thêm 23 cửa hàng, nâng tổng số lên 111 cửa hàng.

Quý đầu năm nay, riêng các cửa hàng flagship ghi nhận doanh thu tăng trưởng 11,8%, đạt 311 tỷ đồng, song biên lợi nhuận gộp (EBITDA) lại giảm do doanh thu trên mỗi cửa hàng giảm.

Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, đầu năm nay, ngành bán lẻ F&B bị ảnh hưởng tiêu cực bởi môi trường vĩ mô đầy thách thức khiến ban lãnh đạo đã thận trọng trong việc mở các cửa hàng flagship mới. Trong quý I/2023, chỉ có 3 cửa hàng flagship mới.

Quý II tới, đơn vị dự kiến mở mới 10 cửa hàng flagship đồng thời cải thiện năng suất kinh doanh các cửa hàng. Tốc độ mở mới cửa hàng giảm do tiêu dùng thắt chặt.

Thậm chí, bà Chae Rhan Chun - Thành viên HĐQT của Masan - thông tin trong phiên họp thường niên của tập đoàn là năm nay sẽ có quy trình chuẩn hóa để đưa chuỗi Phúc Long ra toàn cầu. Kế hoạch được xây dựng trên cả kênh online và offline.

Năm nay, trong kế hoạch doanh thu 100.000 tỷ đồng, Masan dự kiến Phúc Long mang lại 2.500-3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 58-90% so với cùng kỳ nhờ mở khoảng 90 cửa hàng và trở thành chuỗi thức uống đứng thứ 2 thị trường về số lượng điểm bán.