1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Kết quả những "nước cờ" của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Mộc An

(Dân trí) - Phần lớn các công ty con thuộc Tập đoàn Masan ghi nhận sụt giảm doanh thu do biến động vĩ mô và tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng.

Công ty cổ phần tập đoàn Masan (mã chứng khoán: MSN) vừa công bố tài liệu họp cổ đông thường niên năm 2023.

Năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất của Masan đạt 76.189 tỷ đồng, giảm 14% so với năm trước đó, thấp hơn mục tiêu đề ra là 90.000-100.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp lý giải nguyên nhân là chuyển giao mảng thức ăn chăn nuôi của Công ty cổ phần Masan MEATlife (mã: MML) từ 1/12/2021, hiệu ứng tích trữ hàng tiêu dùng trong giai đoạn Covid-19 năm 2021 và tâm lý thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng năm 2022.

Lợi nhuận thuần phân bổ cho cổ đông ghi nhận ở mức 3.567 tỷ đồng, giảm 58,3% so với 8.563 tỷ đồng năm 2021, chủ yếu do thu nhập một lần từ việc ngừng hoạt động mảng thức ăn chăn nuôi vào quý IV/2021 và giảm lợi nhuận sau thuế tại Masan MEATlife, Masan High-Tech Materials năm 2022.

Tập đoàn này lên kế hoạch năm 2023 đạt doanh thu 90.000-100.000 tỷ đồng, tăng trưởng 18-31% so với thực hiện trong năm 2022, còn lợi nhuận kế hoạch trong khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp do ông Nguyễn Đăng Quang làm Chủ tịch HĐQT cũng thông tin chi tiết về kết quả kinh doanh của các công ty con.

Cụ thể, The CrownX - "chiếc vương miện tỷ USD" ghi nhận doanh thu thuần đạt 56.221 tỷ đồng, giảm 3,1% so với cùng kỳ do biến động vĩ mô khó khăn và tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân.

Trong đó, doanh thu chuỗi bán lẻ Wincommerce (đơn vị đang vận hành WinMart+/WinMart) là 29.369 tỷ đồng, giảm 5% so với năm 2021. Lý do của sự sụt giảm này là năm 2021 có mức nền cao khi người dân tích trữ hàng hóa. Còn sang năm 2022, người dân có tâm lý thắt chặt chi tiêu.

Dù vậy, biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 20% của năm 2021 lên 23,2% vào năm 2022. Năm 2023, công ty đặt mục tiêu mở rộng thêm 800-2.000 điểm bán minimart.

Công ty cổ phần Masan Consumer (mã: MCH) năm 2022 đạt 28.103 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 2,3% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EDITDA) đạt 6.561 tỷ đồng, giảm 5,9% so với năm trước đó. Về khả năng sinh lời, tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty con đạt 39,9%, giảm nhẹ so với năm 2021 do áp lực lạm phát.

Ngành hàng gia vị và thực phẩm tiện dụng, ngành cà phê đều giảm, ngành hàng đồ uống tăng nhẹ. Ngược lại, ngành thịt chế biến tăng.

Kết quả những nước cờ của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang  - 1

Chuỗi bán lẻ Wincommerce ghi nhận doanh thu 29.369 tỷ đồng, giảm 5% (Ảnh: WCM).

Năm 2022, Phúc Long Heritage đạt doanh thu 1.579 tỷ đồng, EBITDA đạt 195 tỷ đồng, số cửa hàng tăng gần gấp đôi kể từ khi Masan đầu tư vào. 23 cửa hàng flagship (những cửa hàng được đánh giá lớn, hiện đại nhất trong chuỗi cửa hàng bán lẻ - PV) được mở mới trong quý IV/2022. 

Masan MEATlife đạt doanh thu thuần 4.785 tỷ đồng, giảm 74,7% so với mức 18.891 tỷ đồng năm 2021, chủ yếu do tác động của việc tách mảng thức ăn chăn nuôi. Biên lợi nhuận gộp đạt 7,2%, thấp hơn mức 12,2% của năm 2021. 

Mảng thịt heo tích hợp mang lại biên lợi nhuận gộp 9%, bằng một nửa so với mức 18,5% của năm 2021. Mảng thịt gà đạt biên lợi nhuận 4,6% so với mức lỗ 12,6% của năm trước đó.

Với Masan High-Tech Materials, các yếu tố bất khả kháng trên phạm vi toàn cầu tác động đáng kể để kết quả tài chính của công ty. Doanh nghiệp này ghi nhận lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông chỉ đạt 69 tỷ đồng, so với mức 196 tỷ đồng của năm 2021.