Diễn đàn VBF:
“Ông lớn” FDI sợ không khí nguy hại, ô nhiễm “thổi bay" 5% GDP Việt Nam
(Dân trí) - Ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) cho biết, theo ước tính khoảng 5% GDP Việt Nam sẽ bị mất do ô nhiễm không khí, hậu quả của giá trị đầu tư suy giảm từ các công ty nước ngoài.
Doanh nghiệp ngoại lo ngại ô nhiễm
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên năm 2019 (VBF) diễn ra sáng nay (10/1), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bất chấp những biến động với nhiều khó khăn, thách thức của năm 2019, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực quan trọng.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì trên 7% năm thứ hai liên tiếp, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu khu vực và thế giới; kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; xếp hạng năng lực cạnh tranh quốc gia tăng 10 bậc...
Khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
Bộ trưởng Dũng khẳng định, thời gian tới Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
“Chúng tôi mong muốn lắng nghe những đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh và bền vững, thu hút và sử dụng có hiệu quả hơn dòng vốn đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng nhấn mạnh tại Diễn đàn.
Thảo luận tại VBF năm nay, ông Nobufumi Miura - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) đã đề cập đến một vấn đề rất “nóng” ở Việt Nam hiện nay, đó là tình trạng ô nhiễm không khí.
Theo ông Nobufumi Miura, ở Việt Nam, môi trường suy thoái do ô nhiễm không khí và xử lý nước thải công nghiệp là vấn đề đáng lo ngại. Ô nhiễm môi trường có thể dẫn đến những mối nguy hại về sức khỏe cho người dân Việt nam.
Cũng theo đại diện JCCI, vấn đề này cũng có thể ảnh hưởng đến mối quan tâm của các doanh nghiệp nước ngoài. Một ví dụ dễ thấy là sự suy giảm các dự án đầu tư từ các công ty nước ngoài.
Vì vậy, theo Chủ tịch JCCI, để cải thiện môi trường, việc tăng cường các quy định của chính phủ và đặt trọng tâm vào vấn đề cải thiện môi trường là vô cùng cấp thiết.
Không khí nguy hại "thổi bay" GDP
Phát biểu trước Diễn đàn, Chủ tịch JCCI dẫn chứng, tính đến tháng 9 năm 2019, thành phố Hà Nội đã cho thấy “Chỉ số chất lượng không khí” (AQI) ở mức nguy hại nhất, theo sau là TP.HCM ở mức cao thứ ba.
“Ở khu vực đô thị, khí thải từ xe máy và ô tô gây ô nhiễm không khí, trong khi khu vực nông thôn lại phải chịu những hệ quả của tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch”, Chủ tịch JCCI nói.
Đáng lưu ý, theo vị này, ước tính cho thấy thiệt hại do ô nhiễm không khí gây ra tại Việt Nam ở mức 5% GDP, đây là một vấn đề kinh tế xã hội nghiêm trọng.
Không chỉ ô nhiễm không khí, Chủ tịch JCCI cho biết, ô nhiễm nước cũng là một vấn đề nghiêm trọng, với hệ thống thoát nước từ các khu công nghiệp và hộ gia đình làm nồng độ chất ô nhiễm tại hầu hết hệ thống sông ngòi trong đô thị tăng cao hơn nhiều lần so với tiêu chuẩn quốc gia.
Do vậy, đại diện JCCI đã kiến nghị Chính phủ Việt Nam đặt ra những quy định rõ ràng và được chuẩn hóa, ví dụ như "ưu tiên sức khỏe hơn phát triển công nghiệp". Ngoài ra, vị này cho biết các công ty của Nhật Bản sẵn sàng sử dụng những kinh nghiệm trong quá khứ để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam cũng như các bí quyết để cải thiện môi trường.
Trong khi đó theo bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) kiến nghị một số vấn đề để phát triển một thống pháp lý thuận lợi hơn tại Việt Nam.
Trong đó, bà này cho rằng sự thay đổi trong chính sách thuế, bao gồm việc áp dụng hiệu lực hồi tố, là một trong các quan ngại lớn nhất của doanh nghiệp thành viên AmCham.
Một yếu tố khác cản trở sự phát triển của Việt Nam theo đại diện AmCham, là cơ sở hạ tầng giao thông. Đại diện Amcham cho biết, các thành viên của Hội chờ đón một hướng tiếp cận cân bằng hơn đối với việc phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để hỗ trợ tăng trưởng đầu tư và kinh tế xuyên suốt đất nước.
"Cảng và sân bay nên có nhiều thuận lợi cho khu vực dân cư nhưng chúng không nên quá gần đến mức góp phần gây tắc nghẽn giao thông", đại diện AmCham kiến nghị.
Nguyễn Mạnh