Để “ông lớn" FDI có thể lên sàn: Vẫn là câu chuyện dài?
(Dân trí) - Nhiều doanh nghiệp FDI kỳ vọng sớm được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt nhưng vấp phải thực tế cơ chế và hành lang pháp lý cụ thể chưa có...
Theo quyết định thí điểm của Chính phủ, một số các công ty FDI trước đây khi chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp cổ phần đã thực hiện niêm yết trên các sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam không đón thêm được doanh nghiệp FDI nào.
Nhiều doanh nghiệp FDI kỳ vọng sớm được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt nhưng vấp phải thực tế cơ chế và hành lang pháp lý cụ thể chưa có.
Trả lời câu hỏi liên quan đến vấn đề này tại hội nghị phổ biến Luật chứng khoán (sửa đổi) vừa diễn ra, ông Phạm Hồng Sơn – Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo, Ủy ban trình lại Thủ tướng về đề án này, lấy ý kiến các bộ ngành về việc niêm yết này.
“Đây là một câu chuyện tương đối dài. Khi có kết quả chúng tôi sẽ báo cáo cụ thể", ông Phạm Anh Sơn cho biết.
Trước đó, hồi cuối tháng 5/2019, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã họp xin ý kiến của các cơ quan, đơn vị liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an), trên cơ sở đó Bộ Tài chính sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế niêm yết/đăng ký giao dịch đối với doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng sẽ có cơ chế phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện giám sát sau khi các doanh nghiệp FDI lên sàn.
Cạnh tranh vô cùng lớn từ các công ty chứng khoán “ngoại"
Trả lời câu hỏi về mức độ cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán Hàn Quốc hiện nay trên thị trường, ông Phạm Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, hiện nay có 6 công ty chứng khoán Hàn Quốc ở Việt Nam.
“Họ tăng vốn rất nhanh. Thực tế, vốn vay nước họ rất rẻ, lãi suất thậm chí bằng 0%”, ông Sơn cho biết, về cơ bản vốn ngoại vào là tốt, nâng cao mức độ cạnh tranh trên thị trường.
Trước áp lực cạnh tranh này, ông Sơn cho rằng, phía công ty nội cũng phải đổi mới lên, quản trị tốt hơn.
“Mở cửa hội nhập thì phải chấp nhận. Thời gian tới các công ty ngoại vào Việt Nam sẽ nhiều hơn", ông Sơn cho hay.
Trước những lo ngại về việc nhóm công ty chứng khoán ngoại này sẽ tạo một cuộc chạy đua về phí và lãi suất margin gây rối loạn cho thị trường, ông Sơn cho rằng: Cuộc đua này vốn phải là cuộc đua về vốn, vốn chỉ là một phần, cạnh tranh chủ yếu là phải về chất lượng.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán nhấn mạnh, việc Việt Nam mở cửa đón nhận dòng vốn này là bài toán có lợi cho cả hai bên. Với thị trường Việt Nam, sự xuất hiện của dòng vốn này đang giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, dọn dẹp lại các công ty chứng khoán không còn khả năng hoạt động.
Trong khi đó, với hoạt động cho vay margin, chạy đua cho vay margin có thể dẫn đến những kết cục không tốt đẹp khi vướng vào các cổ phiếu đầu cơ, bị thao túng giá.
Theo lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán, thêm các công ty chứng khoán ngoại sẽ giúp chất lượng cả thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên, quản trị doanh nghiệp của các công ty nội cũng sẽ tốt hơn.
Nguyễn Mạnh