Doanh nghiệp FDI đối thoại với chính quyền TPHCM: "Rất tiếc, rất lo..."

(Dân trí) - TPHCM như một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư đã phần nào bị mờ nhạt trong những năm gần đây do tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng. Bên cạnh đó, việc thiếu sự minh bạch trong các thủ tục, gây ra sự chậm trễ và không chắc chắn khiến doanh nghiệp nước ngoài e dè khi đầu tư vào Việt Nam.

Đó là 2 ý kiến của đại diện Văn phòng Kinh tế và Thương mại Tây Ban Nha tại TPHCM và Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Úc tại Việt Nam trong Hội nghị "Gặp gỡ giữa Lãnh đạo Thành phố và Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài năm 2019” khiến người nghe không khỏi giật mình, băn khoăn, suy ngẫm, nhìn lại...

Doanh nghiep FDI 2.JPG
Doanh nghiệp FDI đối thoại với chính quyền TPHCM

Ông Carlos Dominguez Agulleiro, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Thương mại Tây Ban Nha tại TPHCM cho biết, Tây Ban Nha đã hỗ trợ ngay từ đầu các dự án lớn để TPHCM thành một đô thị quốc tế.

Từ khi Tây Ban Nha hỗ trợ tài chính cho việc phát triển tuyến Metro số 5, đến hỗ trợ kỹ thuật cho các tuyến khác, các doanh nghiệp Tây Ban Nha đã tham gia vào các lĩnh vực như: xử lý nước, năng lượng (truyền thống và tái tạo), vận tải đường bộ, đường sắt, sân bay. Năm 2017, Tây Ban Nha và Việt Nam đã ký Nghị định thư tài chính lần thứ 5 và thành lập một ủy ban song phương cho việc hợp tác kinh tế.

Ông Carlos Dominguez Agulleiro cho biết, hằng năm, tỷ lệ các doanh nghiệp Tây Ban Nha quyết định đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Đã có thời điểm chi phí lao động thấp là động lực của sự phát triển công nghiệp. Hiện nay, yếu tố thu hút các công ty Tây Ban Nha là tỷ lệ tăng trưởng hiệu quả, nền tảng kinh tế vĩ mô mạnh, ổn định và một chính sách hợp tác toàn cầu rõ ràng.

Tuy nhiên, theo ông Carlos Dominguez Agulleiro, vẫn có những cản trở làm chậm sự tăng trưởng và ảnh hưởng đến các khoản đầu tư và dự án tiềm năng.

"Mặc dù có những cải tiến lớn đạt được về thủ tục hành chính nhưng rất tiếc là vẫn thiếu sự minh bạch trong các thủ tục, gây ra sự chậm trễ và không chắc chắn cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư", ông Carlos Dominguez Agulleiro nói.

Sự chậm trễ hiện nay của các dự án metro, cũng như các dự án quan trọng khác như sân bay, có những ảnh hưởng đối với các đối tượng liên quan đến sự phát triển của dự án. Việc thiếu cơ sở hạ tầng phù hợp làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các nước khác vì nó làm tăng chi phí sản xuất.

Ông Carlos Dominguez Agulleiro nhận thấy chính quyền TPHCM vẫn còn nhiều việc phải làm, đó là sức nặng trên vai của những người có trách nhiệm.

FDI 1.JPG
Bà Amanda Rasmussen lo lắng việc thường xuyên thay đổi hiệu lực của luật pháp và quy định tại Việt Nam, bao gồm chính sách thuế và thuế suất, sẽ tạo ra các mối đe dọa cho nhà đầu tư nước ngoài.

Đồng quan điểm trên, ông Matthew Lourey, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Úc tại Việt Nam (AusCham) cho biết, ông rất lo vì TPHCM như một điểm đến hấp dẫn cho nhà đầu tư đã phần nào bị mờ nhạt trong những năm gần đây do vấn đề giao thông.

"Các nhà đầu tư đang thất vọng về tình trạng tắc nghẽn giao thông ngày càng tăng và tiến độ chậm trễ của dự án tàu điện ngầm", ông Matthew Lourey nói.

Ông Matthew Lourey cho rằng, nếu không giải quyết được những vấn đề này thì xu hướng hay mong muốn đặt cơ sở tại TPHCM của các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm năng sẽ bị giảm đi.

Không những lo về vấn đề giao thông, ông Matthew Lourey còn cho biết, những thay đổi gần đây đối với quy định nhân viên nước ngoài phải đóng bảo hiểm xã hội vẫn gây lo ngại về việc làm thế nào các cá nhân nước ngoài sẽ có thể hưởng lợi thực tế từ những đóng góp của họ.

"Vấn đề này vẫn chưa được giải quyết kể từ khi những thay đổi về bảo hiểm có hiệu lực từ ngày 1/12/2018. AusCham mong muốn được làm việc với UBND TPHCM, các sở ngành để giải quyết các vấn đề nêu ra và tiếp tục thúc đẩy các hoạt động đầu tư, kinh doanh của Úc với TPHCM và Việt Nam", ông Matthew Lourey nói.

Bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cho rằng thì lo lắng việc thường xuyên thay đổi hiệu lực của luật pháp và quy định tại Việt Nam, bao gồm chính sách thuế và thuế suất, sẽ tạo ra các mối đe dọa cho nhà đầu tư nước ngoài.

"Những thay đổi này cũng ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh và đầu tư, ngay cả đối với các dự án đã được cấp phép đầu tư. Amcham kiến nghị Chính phủ quan tâm hướng dẫn việc bảo vệ đầu tư để ngăn chặn tác động tiêu cực và hồi tố ràng buộc của các luật và quy định mới được ban hành đối với các dự án hiện hữu", bà Amanda Rasmussen nói.

Mặc dù rất tiếc, rất lo với những hạn chế đã được thẳng thắng chỉ rõ, song đại diện các doanh nghiệp FDI vẫn tin tưởng đầu tư vào TPHCM, sẵn sàng hợp tác đẩy nhanh quá trình xây dựng Thành phố thông minh và sáng tạo.

FDI 2.JPG
Doanh nghiệp FDI vẫn tin tưởng đầu tư vào TPHCM, sẵn sàng hợp tác đẩy nhanh quá trình xây dựng Thành phố thông minh và sáng tạo.

Ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Ý tại Việt Nam (ICham) nhận định, năm 2019, sức hấp dẫn của đầu tư FDI của Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh, đặc biệt là về chất lượng, vì nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong ngành sản xuất công nghệ cao và công nghiệp dịch vụ, bao gồm các thương hiệu lớn, đang chọn Việt Nam làm điểm đến.

"Các doanh nghiệp Ý đang xem xét ngày càng nhiều việc đầu tư hoặc dời các cơ sở hiện tại của họ từ các nước châu Á khác sang Việt Nam, chủ yếu ở khu vực TPHCM. Điều này đạt được nhờ vào sự cải cách của chính quyền Thành phố trong nhiều ngành nghề như chế biến thực phẩm, may mặc, dược phẩm, cơ sở hạ tầng và đặc biệt vào văn hóa và du lịch, đây cũng là những lĩnh vực thế mạnh của Ý", ông Michele D’Ercole nói.

Ông Tomaso Andreaatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam khẳng định rất nhiều doanh nghiệp châu Âu đã lựa chọn TPHCM, chứng tỏ rằng Thành phố có một môi trường đầu tư và thương mại thu hút các doanh nghiệp nước ngoài.

"EuroCham sẵn sàng phối hợp, hỗ trợ các cơ quan chức năng liên lạc với phía châu Âu cũng như các nhà đầu tư thông qua các Hiệp hội Doanh nghiệp và đối tác để tận dụng toàn bộ lợi thế của Hiệp định EVFTA sắp được phê duyệt", ông Tomaso Andreaatta khẳng định.

Công Quang

banner_chan-bai.gif