PhotoStory

Những câu hỏi "chất" trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc

Thực hiện: Hoàng Dung

(Dân trí) - Trong phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng, Bộ trưởng Tài chính ngày 8/6 và 9/6, nhiều vấn đề "nóng" được đại biểu Quốc hội nêu ra. Một số câu hỏi được nhận xét là hay, khó.

"Liệu có sự bắt tay, thao túng về giá vàng miếng SJC trên thị trường?"

Tại phiên chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng chiều 8/6, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội) đã đặt câu hỏi về diễn biến không bình thường của giá vàng SJC, nhất là đầu năm nay khi mà chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới quá cao, có lúc trên 20 triệu đồng/lượng.

Đại biểu này cho rằng mức chênh lệch trên quá khác biệt giữa vàng miếng SJC với giá vàng trang sức SJC cùng hàm lượng hay giá vàng miếng SJC với giá vàng miếng đến từ thương hiệu khác. Theo bà Thủy, điều này gây tâm lý hoang mang, bất an cho người dân và làm giảm niềm tin vào giá trị đồng tiền Việt Nam, gia tăng lạm phát.

Những câu hỏi chất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc - 1

"Trước tình trạng trên, NHNN đã tiến hành thanh tra, kiểm tra yếu tố hình thành giá khi giá vàng miếng biến động hay chưa. Liệu có trường hợp bắt tay, thao túng giá vàng miếng SJC trên thị trường hay không và bao giờ NHNN sửa đổi Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng", đại biểu đặt câu hỏi.

Ngoài ra, đại biểu Thủy còn đặt ra câu hỏi việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao.

"Cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại còn dáng dấp quản lý theo kiểu bao cấp"

Đặt câu hỏi về "room tín dụng" của các ngân hàng, đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cho rằng, cơ chế cấp hạn mức tín dụng hàng năm cho các ngân hàng thương mại hiện nay còn dáng dấp của quản lý theo kiểu bao cấp, có lẽ nó không phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Việc cấp tín dụng hàng năm dẫn đến chuyện năm nào cũng phải cấp lại, khi cần thiết các ngân hàng lại phải đi xin để "nới room".

Những câu hỏi chất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc - 2

"Có ngân hàng khi đọc tên ra, ai cũng biết cá nhân nào đứng đằng sau"

Tại phiên chất vấn, đại biểu đoàn Đồng Nai Trịnh Xuân An cũng đánh giá cao vai trò của NHNN trong việc xử lý tình trạng sở hữu chéo. Về số lượng, không còn cặp sở hữu chéo nào nhưng ông An cho rằng, vẫn còn đâu đó bên trong sự lòng vòng, lắt léo nhiều quan hệ, nhóm lợi ích đan xen.

"Thực tế, ai cũng biết có những ngân hàng mà khi đọc tên thôi thì đứng đằng sau đó là những doanh nghiệp, cá nhân nào. Đề nghị Thống đốc đưa ra giải pháp để xử lý chặt chẽ vấn đề này", ông An chất vấn. 

"Có tổ chức tín dụng chưa báo cáo hết nợ xấu, không công khai con số thực do lo ngại mất thương hiệu"

Đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho rằng, nợ xấu là vấn đề liên tục và luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Nghị quyết số 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu.

Tuy nhiên, ngay cả khi Nghị quyết 42 còn hiệu lực thì việc xử lý nợ xấu có lúc vẫn còn khó khăn, đặc biệt là trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19. Ngoài ra, vị đại biểu này cũng nêu có tình trạng các tổ chức tín dụng chưa báo cáo hết nợ xấu, không công khai con số thực do lo ngại mất thương hiệu của tổ chức tín dụng.

Những câu hỏi chất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc - 3

"Việc xử lý các ngân hàng 0 đồng chưa đạt yêu cầu, giẫm chân tại chỗ"

Đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) nhận định, việc xử lý các ngân hàng 0 đồng trong thời gian qua chưa đạt yêu cầu đề ra, giẫm chân tại chỗ. Do đó, trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 8/6, đại biểu đã đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nguyễn Thị Hồng cho biết lý do của sự chậm trễ này và biện pháp để giải quyết căn bản vấn đề này, đảm bảo quyền, lợi ích của các khách hàng và an toàn hệ thống tín dụng quốc gia.

Những câu hỏi chất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc - 4

"Có doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng nhưng phát hành trái phiếu tới 7.200 tỷ đồng"

Nêu nhức nhối, bất cập về vấn đề phát hành trái phiếu, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TPHCM) lấy ví dụ có doanh nghiệp bất động sản phát hành với lãi suất cao là gần 13%; có doanh nghiệp có vốn chủ sở hữu 153 tỷ đồng nhưng phát hành tới 7.200 tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ phát hành trên vốn chủ sở hữu là 47 lần; có công ty phát hành 7700 tỷ đồng trái phiếu nhưng vốn chủ sở hữu chỉ có 270 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ là 28 lần.

Những câu hỏi chất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc - 5

"Có giải pháp nào để làm lành mạnh hóa thị trường thay vì các quy định siết chặt theo tinh thần là không quản được thì cấm?"

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) cho biết, thời gian qua, nhiều vụ việc sai phạm trên thị trường chứng khoán và phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

"Có phải một phần nguồn cơn trên chính là sự yếu kém, bất cập của các cơ quan chức năng. Bộ Tài chính có giải pháp nào để làm lành mạnh hóa thị trường thay vì các quy định siết chặt theo tinh thần là không quản được thì cấm, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thị trường?", ông Thông hỏi.

Những câu hỏi chất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc - 6

"Nơi nào chấp hành tốt thì bị thiệt thòi, nơi nào chưa chấp hành tốt thì vẫn bình thường"

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc mua sắm tài sản công còn những bất cập, mặc dù trong thời gian qua có định mức của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ, tuy nhiên vẫn còn không ít cơ quan, đơn vị mỗi nơi mỗi khác. Như ô tô, nơi nào chấp hành tốt thì bị thiệt thòi, nơi nào chưa chấp hành tốt thì vẫn bình thường. Câu hỏi đặt ra cho Bộ trưởng Tài chính là nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới là gì.

Những câu hỏi chất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc - 7

"Can thiệp vào giá xăng dầu quá nhiều sẽ không vận hành phù hợp với giá thị trường"

Đại biểu Nguyễn Văn Thân (đoàn Thái Bình) cho rằng, nền kinh tế Việt Nam là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. "Can thiệp vào giá xăng dầu quá nhiều thì tôi cho là nó không vận hành phù hợp với giá thị trường. Hãy để giá đó tự nhiên theo giá tăng, giảm của thế giới, có can thiệp thì chúng ta can thiệp phần nào", ông nói.

Theo ông, ở đây có rất nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, nếu chúng ta giảm cái này thì nó lại ảnh hưởng đến xuất khẩu và các cái khác. Do đó, sự can thiệp cũng cần đúng mức, chúng ta không cố gắng để làm sao giảm tối thiểu nhất và giá rẻ nhất so với các nước xung quanh.

Những câu hỏi chất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc - 8

"Bộ này chịu trách nhiệm chất lượng sách giáo khoa, bộ kia thẩm định giá"

Theo đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương)  quy định về Luật Giá và các văn bản hướng dẫn, giá sách giáo khoa do doanh nghiệp là các nhà xuất bản tự xây dựng, quyết định giá bán, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính đúng đắn, phù hợp của phương án giá sách giáo khoa và thực hiện kê khai với cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính trước khi đưa ra thị trường.

"Giá sách giáo khoa là do Bộ Tài chính chứ không phải từ phía Bộ Giáo dục quy định, nhưng thời gian qua, có vẻ như trong dư luận thì Bộ Giáo dục lại đang phải hứng chịu nhiều than phiền. Điều này xảy ra một thực tế, đó là Bộ này chịu trách nhiệm chất lượng sách giáo khoa, Bộ kia thẩm định giá, gây ra những vấn đề liên quan đến quản lý và trách nhiệm", đại biểu nêu quan điểm.

Những câu hỏi chất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc - 9

"Hiện tượng xe biếu tặng, đây thực chất là cách lách luật, trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước"

Đại biểu Trần Hồng Nguyên (đoàn Bình Thuận) nêu: "Trong thời gian qua, báo chí phản ánh về hiện tượng xe biếu tặng, đây thực chất là cách lách luật, trốn thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước" và Bộ Tài chính giải thích rõ thêm về vấn đề này.

Những câu hỏi chất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc - 10

"Với trang thiết bị phục vụ chống dịch nên đưa vào danh mục được miễn giảm thuế giống như vaccine"

Tranh luận về vấn đề xe biếu tặng, đại biểu Tô Thị Bích Châu (TPHCM) thông tin: "Vừa qua trong đại dịch tại TPHCM, chúng tôi nhận rất nhiều xe cấp cứu, xe cứu thương nhập từ nước ngoài. Lúc đó chúng tôi có xin với các bộ, ngành liên quan về việc miễn, giảm thuế đối với xe cấp cứu, tuy nhiên vẫn không được đồng ý. Một số doanh nghiệp khi chắt chiu kinh phí của mình để hỗ trợ cho phòng, chống dịch, nhất là xe cấp cứu, lý ra việc đó phải được miễn, giảm thuế".

Những câu hỏi chất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc - 11

Đại biểu này lấy ví dụ, một xe cấp cứu tặng cho Bệnh viện 115 khoảng 5 tỷ đồng. Xin miễn, giảm thuế nhưng không được, do đó doanh nghiệp phải đóng thêm hơn 600 triệu đồng để nhập xe đó về và tặng cho bệnh viện.

Vì vậy, đại biểu đề nghị trong chính sách sắp tới, nhất là những trường hợp khẩn cấp với những trang thiết bị mà phục vụ chống dịch cho người dân, đề nghị Bộ Tài chính đưa vào trong những danh mục được miễn, giảm thuế giống như vaccine, giống như thuốc chữa bệnh trong tình huống dịch tại TPHCM và trên cả nước Việt Nam.

"Nhập khẩu hàng hóa cũng là nhập khẩu lạm phát"

Những câu hỏi chất trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính, Thống đốc - 12

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, lạm phát ở trên thế giới đang tăng rất nhanh, chúng ta thì nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư đầu vào rất lớn, tương đương với giá trị GDP của cả nước. Điều đó có nghĩa nhập khẩu hàng hóa cũng là nhập khẩu lạm phát. Giá xăng dầu chúng ta tăng rất cao, mà giá xăng dầu lại là giá đẩy để tăng giá các hàng hóa khác. Thêm vào đó, chúng ta lại giải ngân gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, cũng đồng nghĩa với việc chúng ta tăng thêm một lượng cung tiền vào nền kinh tế, sẽ tăng thêm áp lực của lạm phát.

Đại biểu này đặt ra câu hỏi với Bộ Tài chính là có giải pháp gì để kiểm soát lạm phát trong thời gian tới để thực hiện mục tiêu về lạm phát mà Quốc hội đặt ra.

Nội dung: Hoàng Dung
Thiết kế: Ngọc Diệp