Chủ tịch Quốc hội:

"Diễn biến không bình thường của giá vàng khi chênh lệch quá cao"

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, giá vàng diễn biến không bình thường khi chênh lệch quá cao giữa vàng trong nước và thế giới cũng như giữa các thương hiệu trong nước.

Chênh lệch giá vàng trong nước với thế giới và giữa doanh nghiệp trong nước

Sáng 9/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng có thêm khoảng 1 giờ để trả lời các đại biểu Quốc hội.

Phần chất vấn và trả lời chất vấn với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vào chiều 8/6 và sáng 9/6 có 57 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn. 32 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn. 5 đại biểu tranh luận. 25 đại biểu đã đăng ký hết thời gian đề nghị được trả lời bằng văn bản.

Kết luận phiên chất vấn nhóm nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đưa ra một số vấn đề cần lưu ý.

Cụ thể, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, qua chất vấn nhiều đại biểu Quốc hội vẫn còn băn khoăn, lo lắng trước những thách thức có thể ảnh hưởng tới lĩnh vực ngân hàng sắp tới, như tác động chính trị trên thế giới, áp lực lạm phát, việc điều hành chính sách tiền tệ ở trong nước.

Diễn biến không bình thường của giá vàng khi chênh lệch quá cao - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc tới chênh lệch về giá vàng hiện nay (Ảnh: Quốc Chính).

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, việc triển khai thực hiện Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ cho phục hồi và phát triển kinh tế xã hội thuộc trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước nhìn chung còn chậm, nhất là việc triển khai gói tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% trong thực tế.

Trong khi đó, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 của Quốc hội chưa đạt được mục tiêu áp lực nợ xấu gia tăng do khó khăn, tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Việc phê duyệt Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 còn chậm. Theo Chủ tịch Quốc hội, chiều qua (8/6) đề án này đã được ký.

Ngoài ra, việc đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng còn bất cập, nhìn chung chưa có tiêu chí, phương thức thống nhất, việc điều chỉnh trong năm cũng chưa linh hoạt, còn bị động. Việc phấn đấu tiết kiệm chi phí hoạt động và sử dụng các công cụ, chính sách tiền tệ để giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế còn rất nhiều thách thức.

"Tình trạng tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao trong lĩnh vực này còn diễn biến phức tạp; diễn biến không bình thường của giá vàng khi chênh lệch quá cao giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng như giữa các thương hiệu vàng trong nước", Chủ tịch Quốc hội nói.

Xóa bỏ việc điều hành theo hạn mức tín dụng một cách hành chính

Thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các bộ trưởng, trưởng ngành lưu ý một số giải pháp.

Trước hết, đó là tiếp tục phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế.

Đồng thời là tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 11 về chính sách tiền tệ, tài khóa hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Nghị định 31 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

"Phấn đấu tiết giảm chi phí và hạ lãi suất cho vay đối với nền kinh tế như Nghị quyết 43 của Quốc hội", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Ông cũng đề nghị tiếp tục ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo và có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng. Tăng cường năng lực, hiệu lực công tác thanh tra, giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, thanh tra chuyên đề đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

"Nghiên cứu hạn chế tiến tới xóa bỏ việc điều hành theo hạn mức tín dụng một cách hành chính như hiện nay", ông Huệ đề nghị.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, cần có kế hoạch và giải pháp mở rộng quy mô, tăng nhanh tỷ trọng các dịch vụ ngân hàng có giá trị gia tăng cao, phi tín dụng, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt.

Đồng thời là nghiên cứu, phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về mua bán trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. "Cần giám sát chặt để tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nhất là đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Song song với việc giám sát chặt chẽ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý ngành ngân hàng cần bảo đảm cung ứng vốn cho thị trường chứng khoán, bất động sản tiếp tục phát triển lành mạnh và bền vững…