1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

TPHCM:

Nhìn lại "đại án" chấn động của siêu lừa Huyền Như

(Dân trí) - Một vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền khoảng 4.900 tỷ đồng được thực hiện bởi Huỳnh Thị Huyền Như - Nguyên phó phòng quản lý rủi ro Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - chi nhánh TP.HCM đã làm chấn động giới ngân hàng Việt Nam.

Đây cũng là vụ án được xếp vào “10 đại án” tham nhũng và sẽ được đưa ra xét xử vì mức độ nghiêm trọng và hành vi phạm tội được thực hiện nhiều lần, trong thời gian dài tại Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - chi nhánh TP.HCM (Vietinbank TPHCM), một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Dư luận không khỏi đặt câu hỏi, vì sao Huỳnh Thị Huyền Như, một người giữ chức vụ, quyền hạn không lớn lại có thể thực hiện được những hành vi phạm tội như vậy. Đặc biệt hơn khi nhiều đối tượng bị Như lừa đảo lại chính là các ngân hàng, doanh nghiệp.

Theo thông tin từ cơ quan tố tụng, Huỳnh Thị Huyền Như (35 tuổi, thường trú ở phường 22, quận Bình Thạnh), chồng của Như là Phó giám đốc một chi nhánh của ngân hàng Vietinbank. Trước khi bị bắt (ngày 6/10/2011), Huỳnh Thị Huyền Như là phó phòng quản lý rủi ro Vietinbank TPHCM. Đồng thời, bà Như cũng là thành viên HĐQT Công ty CP chứng khoán Phương Đông (ORS), được bầu ngày 18/5/2011. Ngay khi bà Như bị bắt, ORS đã công bố quyết định đình chỉ tư cách thành viên HĐQT đối với bà này.

“Siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như sắp được đưa ra xét xử trong vụ “đại án” chấn động giới ngân hàng
“Siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như sắp được đưa ra xét xử trong vụ “đại án” chấn động giới ngân hàng

Năm 2007,  bà Như đã vay trên 200 tỉ đồng của nhiều ngân hàng, tổ chức, cá nhân với lãi suất cao và lao vào kinh doanh bất động sản tại TP.HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Lạt, Quảng Nam, Đà Nẵng…Hai năm sau, khi bất động sản “đóng băng” chuyện làm ăn của Huỳnh Thị Huyền Như bắt đầu sóng gió. Đất nền không bán được, các ngân hàng siết chặt việc cho vay tín dụng trong khi các khoản tiền gốc, tiền lãi đổ dồn về khiến bà Như không thể xoay sở.

Cùng thời điểm từ cuối năm 2010, đầu 2011, sau khi được bổ nhiệm quyền trưởng phòng giao dịch Vietinbank - chi nhánh Điện Biên Phủ, bằng những thủ đoạn hết sức tinh vi, táo bạo, Như lần lượt làm giả 8 con dấu doanh nghiệp và 2 con dấu chức danh là: Ngân hàng Công thương - Chi nhánh Nhà Bè; Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tư Phú Vinh; Công ty trách nhiệm hữu hạn Thịnh Phát; Công ty cổ phần đầu tư Hưng Yên; Công ty Đức Minh Quang; Công ty An Lộc; Công ty Bảo hiểm toàn cầu; Công ty Chứng khoán Sài Gòn Beja; hai con dấu chức danh là Võ Tuấn Anh - Phó giám đốc chi nhánh Ngân hàng Công thương Nhà Bè và Nguyễn Tuấn Anh - Giám đốc Ngân hàng Công thương Nhà Bè.

Do nắm được nghiệp vụ ngân hàng và có chức vụ là quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ - Vietinbank TP.HCM, có thẩm quyền phê duyệt lệnh chuyển tiền của chủ tài khoản từ ngân hàng đi các đơn vị, doanh nghiệp với hạn mức 50 tỷ đồng/lệnh nên Như đã thực hiện hành vi giả danh này. Số tiền bà Như chiếm đoạt hơn 3.900 tỉ đồng, gồm Ngân hàng TMCP Á Châu bị chiếm đoạt hơn 700 tỉ đồng, Ngân hàng TMCP Nam Việt 200 tỉ đồng, Ngân hàng Quốc tế VIB - chi nhánh TP.HCM 180 tỉ đồng... Trong đó, Như dùng hơn 925 tỉ đồng để trả nợ gốc, nợ lãi trong và ngoài hợp đồng cho các khoản vay.

Viện KSND tối cao đã nêu rõ một số ngân hàng đã thông qua các cá nhân và công ty tư nhân để gửi tiền vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và TP.HCM nhằm hưởng lãi suất chênh lệch và bị Như lừa đảo chiếm đoạt hàng nghìn tỉ đồng. Điển hình là Ngân hàng TMCP Nam Việt (Navibank) thông qua 14 nhân viên để gửi 1.543 tỉ đồng với lãi suất lên đến 22%/năm và bị Như chiếm đoạt 200 tỉ đồng; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) thông qua 19 nhân viên gửi gần 719 tỉ đồng vào Vietinbank lãi suất lên đến 18,5%/năm theo thỏa thuận và bị Như lừa đảo, chiếm đoạt toàn bộ.

Chỉ trong thời gian hơn 1 năm (từ tháng 3/2010 đến tháng 9/2011), Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm đoạt hơn 4.900 tỷ đồng của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp, cá nhân, hiện chưa thu hồi được 3.900 tỷ đồng, trong đó có đến hơn 3.400 tỷ đồng được thực hiện tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam.

Huỳnh Thị Huyền Như đã bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với một loạt thủ đoạn như: Làm giả hợp đồng ủy thác đầu tư, giả chữ ký của Giám đốc Vietinbank - Chi nhánh Nhà Bè, làm giả hồ sơ mở tài khoản của khách hàng, giả lệnh chi, giả chữ ký chủ tài khoản, giả chữ ký của khách hàng trong việc lập và cầm cố thẻ tiết kiệm để vay tiền,…

Mặc dù chiếm đoạt số tiền “khủng” nhưng mức hình phạt cao nhất đối với tội lừa đảo của Huỳnh Thị Huyền Như cũng chỉ là tù chung thân theo quy định của Bộ luật Hình sự hiện hành. Đến thời điểm này thì Huyền Như đã không bị truy tố tội tham ô, mặc dù Viện KSND tối cao đã 2 lần trả lại hồ sơ để yêu cầu điều tra làm rõ tội phạm này.

Dự kiến, vào ngày 6/1 tới đây, TAND TPHCM sẽ mở phiên sơ thẩm xét xử vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” do Huỳnh Thị Huyền Như cùng đồng phạm thực hiện.

Trung Kiên

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm