TPHCM:

Huyền Như khóc xin lại nhà cho mẹ già, con thơ

(Dân trí) - Ngày cuối cùng của thời hạn kháng cáo, Huyền Như - chủ mưu vụ lừa đảo gần 4.000 tỷ đồng đã có đơn kháng cáo phần dân sự đối với bản án hình sự mà TAND TPHCM đã tuyên để xin nhận lại một căn nhà cho mẹ già, con thơ có nơi trú ngụ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Chiều 14/2, Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Quyền Trưởng Phòng Giao dịch Điện Biên Phủ, Chi nhánh TPHCM của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank) đã có đơn kháng cáo gửi đến tòa án. Nội dung đơn kháng cáo của bị cáo vừa bị TAND TPHCM tuyên án chung thân không đề cập đến phần hình sự, xin giảm án phạt tù mà chỉ xin HĐXX cấp phúc thẩm xem xét cho lại bị cáo Như một căn nhà đã bị kê biên trong quá trình điều tra vụ án.

Lý do Huyền Như xin lại một căn nhà là để cho mẹ già của mình và đứa con thơ sinh trong trại giam có nơi trú ngụ, nương tựa vào nhau và mưu sinh.

Trước đó, trong phiên xét xử sơ thẩm, siêu lừa Huyền Như cho biết, ngay khi vụ việc bị phát hiện, Huyền Như đã tự nguyện giao nộp 8 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả. Cô đã hối hận rất nhiều về những gì mình đã gây ra cho gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

Huyền Như an phận với án tù chung thân?
Huyền Như an phận với án tù chung thân?

Nguyên cán bộ ngân hàng VietinBank này đã bật khóc khi kể về gia cảnh mẹ già, con thơ của mình. Trong phần tự bào chữa, Huyền Như cũng đã cho rằng, khi cô bị bắt, khởi tố, cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh tịch thu, kê biên đối với tất cả các động sản, bất động sản mà Huyền Như đứng tên. Chính vì vậy, mẹ của Huyền Như, một cán bộ cách mạng lão thành ở tuổi “thất thập cổ lai hi” đã phải sống trong cảnh thiếu thốn mọi bề. Con của Huyền Như chào đời khi mẹ mình đang bị tạm giam đến nay vẫn chưa làm giấy khai sinh.

“Hiện tại bị cáo không có tài sản gì để nuôi con nhỏ dưới 36 tháng. Thực sự, bây giờ hoàn cảnh của bị cáo rất khó khăn. Kính mong VKS và HĐXX xem xét giúp đỡ, tạo điều kiện về kinh tế để bị cáo nuôi con trong trại giam”, Huyền Như khóc nức nở khi nói về gia cảnh của mình tại phiên tòa sơ thẩm.
 
Tuy nhiên, lời thỉnh cầu của Huyền Như không được tòa chấp nhận. Bản án sơ thẩm đã tuyên Huỳnh Thị Huyền Như mức án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 6 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt là tù chung thân. Ngoài ra, HĐXX còn tuyên buộc Huyền Như cùng các đồng phạm bồi thường gần 4.000 tỷ đồng cho các cá nhân, đơn vị.
Các bị cáo khác đồng loạt nộp đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Các bị cáo khác đồng loạt nộp đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Tính đến chiều 14/2, 21 bị cáo liên quan trong vụ án này đều đã có đơn kháng cáo đề nghị cấp phúc thẩm xem xét giảm nhẹ hình phạt. Hai bị cáo không kháng cáo vì mức án nhẹ, bằng thời hạn tạm giam nên được tại ngoại ngay khi bản án sơ thẩm tuyên. Ngoài ra, các nguyên đơn dân sự, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như Ngân hàng TMCP Á Châu – ACB, Ngân hàng Nam Việt – Navibank, Công ty An Lộc, Chứng khoán Phương Đông… cũng đã có đơn kháng cáo phần dân sự trong bản án hình sự sơ thẩm mà TAND TPHCM đã tuyên ngày 27/1 vừa qua.

Huyền Như từng bị tòa sơ thẩm bác bỏ yêu cầu xin lại căn nhà cho mẹ già, con thơ trú ngụ
Huyền Như từng bị tòa sơ thẩm bác bỏ yêu cầu xin lại căn nhà cho mẹ già, con thơ trú ngụ

Song song với việc kháng cáo của các đương sự, VKSND TPHCM cũng đã ký quyết định kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm tăng án đối với Võ Anh Tuấn (nguyên Phó Giám đốc VietinBank chi nhánh Nhà Bè) và Đào Thị Tuyết Dung (SN 1969, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Dung Vân). Hai bị cáo này bị tòa sơ thẩm tuyên mức án lần lượt là 20 và 12 năm tù. Theo VKS, mức án mà cấp sơ thẩm đã tuyên phạt đối với 2 bị cáo trên chưa phù hợp với tính chất, mức độ phạm tội của các bị cáo.

Công Quang

 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước