1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Năm kinh hoàng của nữ CEO H&M: Vừa gặp đại dịch lại dính "phốt" tẩy chay

(Dân trí) - Chỉ 14 tháng đảm nhận chức vụ song nữ CEO của H&M - bà Helena Helmersson - đã trải qua những thách thức mà ngay cả những CEO kỳ cựu cũng chưa từng đối mặt.

Năm kinh hoàng của nữ CEO HM: Vừa gặp đại dịch lại dính phốt tẩy chay - 1

CEO của H&M - bà Helena Helmersson (Ảnh: Hennes & Mauritz AB).

Những ngày qua có lẽ là chuỗi ngày không thể tồi tệ hơn đối với nữ CEO H&M khi bà phải đối mặt với sự giận dữ của chính phủ Trung Quốc sau những chỉ trích của H&M về vấn đề không dùng bông sản xuất ở Tân Cương.

Khi hãng bán lẻ thời trang Thụy Điển vẫn đang vật lộn để giải phóng lượng hàng tồn kho trong bối cảnh đại dịch khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa thì mới đây H&M lại bị người tiêu dùng Trung Quốc tẩy chay.

Tuần trước, các vị trí của cửa hàng H&M ở Trung Quốc đã bị gỡ khỏi ứng dụng bản đồ trực tuyến. Các trang thương mại điện tử lớn tại Trung Quốc cũng đồng loạt gỡ các sản phẩm của H&M, ẩn các chức năng tìm kiếm thương hiệu này. Khoảng 20 cửa hàng H&M tại nhiều tỉnh ở Trung Quốc cũng bị chủ cho thuê mặt bằng yêu cầu đóng cửa.

Làn sóng tẩy chay H&M ở Trung Quốc diễn ra nhanh và mạnh hơn so với các lần tẩy chay các thương hiệu nước ngoài trước đó. Trong khi đó, Trung Quốc lại là thị trường quan trọng, là động lực tăng trưởng lớn nhất của thương hiệu này. Trong quý trước, thị trường Trung Quốc chiếm 6% tổng doanh thu của hãng, lớn thứ 3 sau Mỹ và Đức.

Vì vậy, H&M đang tìm cách xoa dịu tình hình tại đây và cam kết nỗ lực vực dậy niềm tin với người tiêu dùng Trung Quốc.

Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức, số cửa hàng đóng cửa chỉ chiếm rất nhỏ trong 502 cửa hàng của H&M tại Trung Quốc. Theo Bloomberg, tình hình này sẽ sớm lắng xuống.

Bà Helmersson, năm nay 47 tuổi, là nữ CEO đầu tiên của hãng thời trang "ăn liền" Thụy Điển. Khi bà bắt đầu đảm nhiệm chức vụ CEO H&M cũng là lúc đại dịch ập đến khiến cho giá cổ phiếu của công ty lao dốc 50% chỉ trong 6 tuần đầu bà tại vị.

Ngoài việc phải đối phó với việc đóng cửa trên diện rộng do dịch Covid-19, bà còn phải đối mặt với vụ bê bối về phân biệt chủng tộc trong các tên gọi của thiết kế mũ mới của H&M.

Trước khi giữ chức CEO, bà Helmersson đã có 5 năm đảm nhiệm chức Giám đốc bền vững, sau đó là trưởng bộ phận sản xuất toàn cầu ở Hồng Kông. Bà đã đảm nhận chức COO của H&M trước khi trở thành nữ CEO của hãng bán lẻ thời trang lớn thứ 2 thế giới này.

Ngoài đại dịch, bà còn phải "kế thừa" lượng hàng tồn kho lớn nhất của H&M so với bất kỳ nhà sản xuất thời trang lớn nào. Đây cũng là vấn đề nan giải của H&M trong 5 năm qua. Bà đã khởi xướng một đợt cải tổ lớn nhất trong mạng lưới các cửa hàng của H&M, tuyên bố đóng cửa 300 cửa hàng, cắt giảm 16.000 nhân viên toàn thời gian.

Giữa tháng 4 năm ngoái khi các nước phong tỏa để chống dịch, 80% trong số 5.000 cửa hàng trên toàn cầu của H&M đã buộc phải đóng cửa tạm thời.

Mặc dù bà Helmersson nói rằng bà hài lòng với cách H&M thích nghi trong bối cảnh phong tỏa, lượng hàng tồn kho của gã khổng lồ Thụy Điển này vẫn không dễ giải quyết. Hiện H&M vẫn còn khoảng 4,2 tỷ USD hàng tồn kho, tương đương với 21,5% doanh thu trong 12 tháng tính đến hết quý 1/2021, tăng 20,4% so với 3 tháng trước và gấp đôi so với Inditex SA, chủ sở hữu của Zara.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm