Ngân hàng SVB của Mỹ sụp đổ, là vụ phá sản nhà băng lớn nhất từ 2008

Nhật Linh

(Dân trí) - Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ đã sụp đổ trong ngày 10/3, trở thành vụ phá sản ngân hàng lớn thứ nhất kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn một thập kỷ trước.

Sự sụp đổ của SVB, một ngân hàng chủ chốt trong cộng đồng đầu tư mạo hiểm và công nghệ, khiến các công ty và giới nhà giàu lo ngay ngáy, không rõ điều gì sẽ xảy ra với tiền gửi của họ.

Theo thông cáo báo chí từ các cơ quan quản lý Mỹ, ngày 10/3, Cục Bảo vệ Tài chính và Đổi mới California đã tuyên bố đóng cửa SVB và chỉ định Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) tiếp quản. Các khoản tiền gửi được bảo hiểm tại SVB sẽ được chuyển sang Ngân hàng Bảo hiểm Tiền gửi Quốc gia Santa Clara do FDIC vừa thành lập.

Ngân hàng SVB của Mỹ sụp đổ, là vụ phá sản nhà băng lớn nhất từ 2008 - 1

Ngân hàng SVB đã bị đóng cửa vào ngày 10/3 sau khi thất bại trong việc huy động vốn (Ảnh: Getty).

FDIC cho biết, những người gửi tiền được bảo hiểm tại SVB sẽ được quyền truy cập vào tài khoản tiền gửi của họ muộn nhất là vào sáng 13/3. Trụ sở chính và các chi nhánh của SVB cũng sẽ mở cửa trở lại vào thời điểm đó, dưới sự kiểm soát của cơ quan quản lý.

FDIC sẽ chi trả ở mức tiêu chuẩn lên tới 250.000 USD cho mỗi khoản tiền gửi tại mỗi ngân hàng.

Những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ nhận giấy chứng nhận quyền nhận tiền đối với số dư của họ, FDIC cho biết. Cơ quan quản lý sẽ trả tạm ứng trước cho những người gửi tiền không được bảo hiểm trong tuần tới. Các khoản thanh toán bổ sung sẽ được chi trả khi cơ quan quản lý thanh lý được tài sản của SVB.

Những người gửi tiền trên 250.000 USD có lấy lại được toàn bộ số tiền hay không sẽ được xác định tùy thuộc vào số tiền mà cơ quan quản lý nhận được khi bán tài sản ở SVB.

Theo FDIC, tính đến cuối tháng 12/2022, SVB có khoảng 209 tỷ USD tài sản và 175,4 tỷ USD tiền gửi. Nhưng 89% trong số 175,4 tỷ USD này không được bảo hiểm và số phận của chúng vẫn chưa được định đoạt, theo FDIC. 

Đối với các khoản tiền gửi có bảo hiểm, FDIC cũng chưa rõ có bao nhiêu khoản tiền gửi vượt quá giới hạn được bảo hiểm.

Theo Reuters, các công ty như nhà sản xuất trò chơi điện tử Roblox Corp và nhà sản xuất thiết bị phát trực tuyến Roku Inc cho biết họ có hàng trăm triệu USD tiền gửi tại đây. Trong đó, Roku cho biết tiền gửi của họ ở SVB phần lớn đều không được bảo hiểm.

SVB là một ngân hàng lớn trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng truyền thống, SVB còn tài trợ cho các dự án công nghệ. Vì vậy, ngân hàng này được coi là xương sống của ngành đầu tư mạo hiểm ở Mỹ.

Do đó, việc đóng cửa SVB không chỉ ảnh hưởng đến tiền gửi của khách hàng mà còn ảnh hưởng đến các cơ sở tín dụng và các hình thức tài trợ khác. Vì vậy, FDIC khuyến cáo những khách hàng vay tiền của SVB vẫn nên tiếp tục thanh toán các khoản vay cho ngân hàng như bình thường.

SVB đóng cửa là vụ sụp đổ ngân hàng lớn nhất tại Mỹ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Vụ phá sản ngân hàng ở Mỹ gần đây nhất với quy mô tương tự là ngân hàng Washington Mutual vào năm 2008, với 307 tỷ USD tài sản và 188 tỷ USD tiền gửi.

Cổ phiếu của công ty mẹ SVB Financia Group đã giảm 60% trong phiên ngày 9/3 và tiếp tục giảm thêm 60% trong phiên giao dịch đầu ngày 10/3, trước khi bị tạm ngừng giao dịch.

Theo CNBC, Reuters