Bitcoin tụt ngưỡng 20.000 USD, hơn 70 tỷ USD vốn hóa bị quét trong 24 giờ

Nhật Linh

(Dân trí) - Đồng tiền điện tử nổi tiếng nhất thế giới bitcoin vừa chính thức mất mốc 20.000 USD trong phiên giao dịch hôm nay (10/3). Hơn 70 tỷ USD vốn hóa thị trường tiền điện tử bị quét sạch chỉ trong 24 giờ.

Theo dữ liệu của CoinDesk, chiều nay (10/3), bitcoin đã giảm gần 8% xuống còn 19.900,28 USD. Đồng ether cũng giảm hơn 8% xuống còn 1.400,63 USD.

Việc tiền điện tử mất mốc 20.000 USD xuống thấp nhất trong gần 2 tháng diễn ra trong bối cảnh thị trường chứng khoán Mỹ bán tháo và thêm một công ty cho vay tiền điện tử bị sụp đổ.

Bitcoin tụt ngưỡng 20.000 USD, hơn 70 tỷ USD vốn hóa bị quét trong 24 giờ - 1

Tiền điện tử bị bán tháo khiến hơn 70 tỷ USD vốn hóa thị trường bị thổi bay (Ảnh: Getty).

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Mỹ mới đây, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã cảnh báo lãi suất có thể cao hơn so với dự đoán. Việc Fed tăng lãi suất trong năm qua đã ảnh hưởng nặng nề đến các tài sản chịu rủi ro như chứng khoán và đặc biệt là tiền điện tử.

"Có rất ít lý do để mua vào bitcoin lúc này vì thị trường đang bị bão hòa với những diễn biến tiêu cực, không chỉ riêng với ngành công nghiệp tiền điện tử mà còn với cả thị trường tài chính nói chung", Yuya Hasegawa, nhà phân tích tại Bitbank - công ty tiền điện Nhật Bản, nói với CNBC qua email.

Ngoài ra, sự sụp đổ của Silvergate Capital, một công ty cho vay lớn trong ngành công nghiệp tiền điện tử, cũng là một yếu tố gây nên tình trạng bán tháo trên thị trường tiền điện tử.

Hôm 8/3, Silvergate cho biết đã quyết định ngừng hoạt động và tự nguyện thanh lý ngân hàng của họ.

Cùng ngày, ngân hàng điện tử Silicon Valley Bank (SVB) có trụ sở ở Mỹ cũng nối gót Silvergate thông báo đã bán hết số cổ phần nắm giữ trị giá 21 tỷ USD với mức lỗ 1,8 tỷ USD. SVB là một ngân hàng lớn trong không gian khởi nghiệp công nghệ. Ngoài việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng truyền thống, SVB còn tài trợ cho các dự án công nghệ. Vì vậy, ngân hàng này được coi là xương sống của ngành đầu tư mạo hiểm ở Mỹ

Việc bán tài sản diễn ra khi SVB vật lộn với môi trường tài trợ công nghệ suy yếu hơn do các quỹ đầu tư mạo hiểm vẫn thận trọng trong bối cảnh kinh tế vĩ mô yếu hơn và lãi suất tăng.

Cả Silvergate và SVB đều đổ tiền đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn đã bị mất giá khi Fed tăng lãi suất. Các ngân hàng này đã buộc phải bán những trái phiếu này với giá lỗ để củng cố nguồn vốn của họ.

"Nhìn chung, tâm lý dường như đã trở nên khá tiêu cực do tình hình vĩ mô toàn cầu và lãi suất tăng", Vijay Ayyar, phó chủ tịch phát triển công ty tại sàn giao dịch tiền điện tử Luno, nói với CNBC.

Theo CNBC