Chính phủ Mỹ sẽ không giải cứu SVB, chỉ bảo vệ người gửi tiền

Nhật Linh

(Dân trí) - Ngày 12/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết chính phủ Mỹ sẽ không giải cứu ngân hàng SVB mà chỉ bảo vệ người gửi tiền tại đây.

Sau khi cơ quan quản lý đóng cửa Silicon Valley Bank (SVB) và phong tỏa các khoản tiền gửi tại ngân hàng này vào ngày 10/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết bà đang nỗ lực để giải quyết tình hình một cách kịp thời, song cho biết chính phủ Mỹ vẫn chưa bàn về việc cứu trợ ngân hàng này.

Chính phủ Mỹ sẽ không giải cứu SVB, chỉ bảo vệ người gửi tiền - 1

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết chính phủ Mỹ sẽ không cứu trợ ngân hàng mà chỉ bảo vệ quyền lợi cho người gửi tiền (Ảnh: AP).

"Tôi phải nói rõ là trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, có những nhà đầu tư và chủ ngân hàng lớn đã được giải cứu, sau đó các cuộc cải tổ đã được thực hiện. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa sẽ lặp lại một lần nữa", bà Yellen nói với CBS.

"Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm đến người gửi tiền và đang tập trung để giải quyết nhu cầu của họ", bà nhấn mạnh.

Sự sụp đổ của SVB bắt đầu diễn ra từ ngày 8/3 khi các nhà đầu tư kinh ngạc trước thông tin ngân hàng này cần huy động 2,25 tỷ USD để củng cố bảng cân đối tài chính. Những lời trấn an từ vị giám đốc điều hành của SVB đã không thể ngăn được cơn rút tiền ồ ạt. Tính đến cuối ngày 10/3, người gửi tiền đã rút hơn 42 tỷ USD ra khỏi ngân hàng này, trở thành vụ phá ngân hàng lớn thứ 2 trong lịch sử nước Mỹ.

Ngay sau đó, Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cho biết họ sẽ chi trả bảo hiểm tới 250.000 USD cho mỗi khoản tiền gửi và bắt đầu tiến hành việc này ngay sáng nay (13/3). Tuy nhiên, phần lớn khách hàng gửi tiền tại SVB là doanh nghiệp, và số tiền gửi của họ lớn hơn nhiều so với số tiền được bảo hiểm. Điều này dấy lên lo ngại làm thế nào để người gửi tiền lấy lại được số tiền còn lại sau khi được bảo hiểm chi trả 250.000 USD.

Bà Yellen cho biết cơ quan quản lý đang xem xét đưa ra nhiều lựa chọn, bao gồm cả việc mua lại SVB.

Cựu Chủ tịch FDIC Sheila Bair cho rằng việc tìm người mua lại SVB là lựa chọn tốt nhất lúc này và phải làm ngay.

Thượng nghị sĩ Mỹ Mark Warner cũng cho rằng tốt nhất là tìm được người mua lại SVB trước khi thị trường châu Á mở cửa phiên đầu tuần.

"Các cổ đông của ngân hàng sẽ mất tiền, chắc chắn là như vậy, nhưng người gửi tiền có thể được quan tâm", ông nói với đài ABC.

Trong một diễn biến mới, Signature Bank, một ngân hàng chuyên cho các công ty tiền điện tử vay có trụ ở New York, cũng vừa bị cơ quan quản lý đóng cửa do lo ngại rủi ro hệ thống. Chính phủ Mỹ cho biết, người gửi tiền ở cả SVB và Signature Bank sẽ được tiếp cận khoản tiền gửi của họ trong sáng nay.

Cùng với động thái của FDIC, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng cho biết họ đang đưa ra một chương trình cấp vốn mới nhằm bảo vệ các tổ chức bị ảnh hưởng do sự sụp đổ của SVB.

Tuy nhiên, tuyên bố chung của các cơ quan quản lý đều cho biết sẽ không có gói cứu trợ nào và các cổ đông, những người gửi tiền không được bảo hiểm sẽ không được bảo vệ và sẽ mất hết số tiền đầu tư của họ.

Tuyên bố chung của Chủ tịch Fed Jerome Powell, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Chủ tịch FDIC Martin Gruenberg là họ đang thực hiện các hành động quyết đoán để bảo vệ nền kinh tế Mỹ bằng cách củng cố niềm tin cho hệ thống ngân hàng.

Hậu quả từ vụ sụp đổ của SVB có thể khiến các công ty khởi nghiệp không thể trả lương cho nhân viên vào những ngày tới. Các nhà đầu tư mạo hiểm có thể gặp khó khăn trong việc huy động vốn và lĩnh vực này có thể phải đối mặt với tình trạng bất ổn hơn.

Song đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng rủi ro lan truyền từ sự sụp đổ của SVB vẫn thấp. "Nhìn chung, hệ thống ngân hàng vẫn ổn định và có khả năng chống chịu các cú sốc lớn", Jens Hagendorff, Giáo sư tài chính tại trường King's College London, nói và cho rằng SVB chỉ là trường hợp cá biệt, do họ có nguồn tiền gửi không ổn định.

Theo CNBC