Năm 2030, dân Phú Quốc, Vân Đồn sẽ có thu nhập lên đến 13.000 USD nhờ đặc khu

(Dân trí) - Trong Tờ trình gửi Chính phủ đề nghị xây dựng Luật đơn vị hành chính đặc biệt nhằm thể chế hoá chủ trương xây dựng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có đánh giá khá "sáng" về hiệu quả kinh tế.

Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT kỳ vọng từ năm 2020 trở đi 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc sẽ có tính lan toả, đóng góp tăng GDP địa phương (GRDP) hàng tỷ USD mỗi năm. Từ năm 2030, nhờ các đặc khu này, thu nhập trung bình của người dân 3 sinh sống đặc khu sẽ đạt từ 12.000 đến 13.000 USD/người/năm.

Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hoà) và Vân Đồn (Quảng Ninh) là 3 địa điểm được chọn làm đặc khu kinh tế với những cơ chế chính sách đặc biệt, đảm bảo phát triển nhanh nhất (ảnh minh hoạ)
Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hoà) và Vân Đồn (Quảng Ninh) là 3 địa điểm được chọn làm đặc khu kinh tế với những cơ chế chính sách đặc biệt, đảm bảo phát triển nhanh nhất (ảnh minh hoạ)

Theo lý giải của Bộ KH&ĐT, Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ giúp xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư và đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế.

Bộ KH&ĐT dẫn giải, trên thế giới nhiều quốc gia đã phát triển thành công nhiều mô hình như: “đặc khu kinh tế”, “đặc khu hành chính”, “thành phố tự do”, “thành phố công nghiệp – công nghệ cao thông minh”… với cơ chế, chính sách mở, thông thoáng và ưu đãi hơn từ năm 1942.

Các mô hình này đã trở thành khu vực phát triển có sức lan tỏa, tạo động lực cho cả nền kinh tế phát triển. Đặc biệt, mô hình này đang tiếp tục được các quốc gia hoàn thiện, phát triển với quy mô lớn hơn và có mức độ tự do, ưu đãi và cạnh tranh cao hơn trên nhiều lĩnh vực nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện, nhiều nước xây dựng mô hình này bằng cách đàm phán, thỏa thuận và giao cho nhà đầu tư chiến lược có năng lực để xây dựng cơ chế, chính sách, mục tiêu và định hướng phát triển đặc thù, có tính cạnh tranh quốc tế thay cho phương thức Nhà nước tự chủ động xây dựng. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ở nước ta là hết sức cần thiết và cấp bách.

Trong báo cáo tác động kinh tế, Bộ KH&ĐT khẳng định, việc xây dựng khung cơ chế, chính sách với các ưu đãi vượt trội cho mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ đóng góp cụ thể vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng các ngành dịch vụ, du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Về đánh giá tổng hợp hiệu quả kinh tế, Bộ KH&ĐT cho rằng: Sau giai đoạn 2020, các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ có đóng góp lớn về thu ngân sách, tăng trưởng GDP và thu nhập bình quân đầu người.

Cụ thể, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,9 tỷ USD từ thuế và phí và 2,1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 9,7 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2030, nâng mức đóng góp GRDP của Vân Đồn vào GRDP của tỉnh Quảng Ninh lên 5,2% vào năm 2020 và 7,7% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên 5.000 USD vào năm 2020 và 12.500 USD vào năm 2030.

Tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Bắc Vân Phong ước tính Nhà nước thu được khoảng 1,2 tỷ USD từ thuế và phí và 1 tỷ USD từ các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 10 tỷ USD trong giai đoạn 2017 -2030, nâng mức đóng góp GRDP của Bắc Vân Phong vào GRDP của tỉnh Khánh Hòa lên 3% vào năm 2020 và 6% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 4.000 USD vào năm 2020 và 9.500 USD vào năm 2030.

Tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Phú Quốc ước tính Nhà nước thu được khoảng 3,3 tỷ USD từ thuế và phí và các nguồn thu từ đất, các doanh nghiệp tạo giá trị gia tăng khoảng 19 tỷ USD trong giai đoạn 2017 -2030, nâng mức đóng góp GRDP của Phú Quốc vào GRDP của tỉnh Kiên Giang lên 22% vào năm 2020 và 27% vào năm 2030, nâng mức thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 5.300 USD vào năm 2020 và 13.000 USD vào năm 2030.

Như vậy, với mức tính toán của Bộ KH&ĐT, thu nhập bình quân/người của người dân 3 đặc khu trên sẽ gấp 6 lần GDP/người thực tế của người dân cả nước hiện nay (2.200 USD/người/năm). Mức thu nhập của người dân 3 đặc khu sẽ tương xứng khoảng 22,7 - 24,5 triệu đồng/người/tháng.

Mức thu nhập này gần bằng so với so với mức thu nhập kỳ vọng của người Việt Nam mà Ngân hàng Thế giới (WB) đưa ra trong Báo cáo: "Việt Nam 2035, Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ" là tối thiểu 18.000 USD/người/năm vào năm 2035.

Nguyễn Tuyền