Thừa Thiên Huế:

Chuyên gia “hiến kế” để khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô phát triển

(Dân trí) - Làm thế nào để kinh tế tại đây tăng cao, khảo sát, nghiên cứu tìm ra những vấn đề giải pháp, kế hoạch phát triển khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, đó là nội dung của hội thảo “Phát triển khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô” vào chiều qua (14/4) tại thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.

Tham dự chủ trì gồm có ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo văn phòng tỉnh ủy, lãnh đạo UBND huyện Phú Lộc, lãnh đạo khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (huyện Phú Lộc), đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần cảng Chân Mây, đại diện cho nhóm doanh nghiệp Logistic. Đồng tham dự hội thảo còn có TS. Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nhà nghiên cứu tại trường quản lý nhà nước Harvard Kennedy, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng, giảng viên môn Tiếp thị địa phương, là thủ lĩnh của nhóm Thứ Sáu, nhóm chuyên gia kinh tế đã tham gia một cách hiệu quả vào công cuộc đổi mới kinh tế của đất nước… cũng tới để tìm giải pháp cho việc phát triển khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Tiềm năng, khó khăn và những dự án lớn

Được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với ban quản lý khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô mời chuyên gia Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tổ chức hội thảo kết hợp đi khảo sát thực tế. Qua đây, các chuyên gia sẽ thu thập dữ liệu, nắm bắt tình hình phục vụ cho quá trình nghiên cứu. Dự kiến đến tháng 10/2016 sẽ hình thành được chuyên đề nghiên cứu đưa ra các nhóm giải pháp nhằm phát triển khu kinh tế khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, với vai trò là một khu kinh tế quan trọng cho phát triển kinh tế của tỉnh và khu vực.

Trong hội thảo, ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa ra những tiềm năng mà khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có được như: nằm trên hành lang kinh tế Đông Tây, có hệ thống giao thông tốt, gần với hai sân bay Phú Bài và sân bay Đà Nẵng, nằm giữa hai khu đô thị lớn là TP Huế và Đà Nẵng, có vịnh Lăng Cô đã được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới, có cảng nước sâu Chân Mây có thể đón hàng ngàn lượt khách du lịch và tàu chở hàng hóa.

Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Huế)
Khu kinh tế Chân Mây Lăng Cô (huyện Phú Lộc, Huế)

Năm 2016, tại thị trấn Lăng Cô nói riêng và huyện Phú Lộc nói chung có 34 dự án đầu tư trong đó có 10 dự án đầu tư FDI và 24 dự án đầu tư trong nước. Tuy nhiên ngoài những thuận lợi và tiềm năng thì còn có cả những khó khăn luôn thường trực. Vì đặc thù của Huế sẽ làm chậm tiến độ trong công tác phát triển khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô như: bất lợi về thời tiết thì mưa nhiều, bão lũ, xâm thực; khó khăn về địa lý trải dài, không tập trung dân cư, thị trường nhỏ và cơ sở hạ tầng còn chưa được đầu tư, có nhiều đầm phá từ đó giảm lợi thế đô thị ven biển. Ngoài ra còn xa các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn, khó có thể phát triển công nghiệp và sự đầu tư của doanh nghiệp lớn vào địa phương.

Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia kinh tế về tham dự
Hội thảo thu hút đông đảo các chuyên gia kinh tế về tham dự

Du lịch được coi là hàng đầu nhưng chưa được khai thác đúng tầm

Đó là ý kiến của hầu hết các chuyên gia tại hội thảo. Tại đây, nguyên nhân được đưa ra là vì do chọn du lịch làm hàng đầu nhưng khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô không có khu đô thị hỗ trợ, còn các khu đô thị khác thì quá xa, vì vậy du khách về đây hầu như cảm thấy buồn, chỉ lưu trú vài ngày rồi đi.

Còn nếu muốn kinh tế phát triển thì cần có thêm khu công nghiệp, nhưng khu công nghiệp có trước thì sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường còn nếu khu đô thị có trước thì nguồn thu và nguồn đầu tư cho du lịch lại không có. Vì vậy, tại đây rất cần những nhà đầu tư lớn.

Theo ý kiến của chuyên gia Phan Chánh Dưỡng thì ngành du lịch tại khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô vô cùng quan trọng, nhưng không khai thác đúng tầm, cụ thể như việc mới chỉ thu nguồn thu tài chính chứ chưa thu nguồn thu trí tuệ. “Tài chính không phải là quyết định nhất mà là không gian và thời gian mới quyết định. Các nhà đầu tư nếu chưa đủ tầm để thực hiện các dự án thì chỉ phá hỏng, nên cứ để vùng đất này như vậy còn hơn”, chuyên gia Phan Chánh Dưỡng vạch ra kế hoạch trong hội thảo.

Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng “hiến kế” để khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô phát triển
Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng “hiến kế” để khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô phát triển

Cũng trong hội thảo, việc đưa các ngành công nghiệp nặng tham gia vào việc phát triển kinh tế cũng được cân nhắc, trong đó Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đề xuất dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện ở phía bắc Huế, cách thị trấn Lăng Cô 65km để lấy nguồn lực kinh tế đầu tư cho du lịch. Nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc có thêm nhà máy nhiệt điện sẽ làm ảnh hưởng tới môi trường và mục tiêu du lịch xanh, sạch, đẹp mà khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã đề ra trước đó.

TS Vũ Thành Tự Anh cho rằng việc có thêm nhà máy nhiệt điện nhằm tăng kinh phí đầu tư cho du lịch là hoàn toàn phù hợp, bởi lẽ đây là một dự án lớn, sẽ làm tăng nguồn kinh phí đầu tư cho du lịch, còn việc ảnh hưởng tới môi trường thì hoàn toàn sẽ được giải quyết nhờ công nghệ và địa lý cách xa trung tâm 65km. Nếu dự án này được thực hiện thì khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô sẽ phát triển tăng vọt về mọi mặt.

Hội thảo do sự chủ trì của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm
Hội thảo do sự chủ trì của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cùng các chuyên gia kinh tế giàu kinh nghiệm

Phạm Công – Đại Dương

Chuyên gia “hiến kế” để khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô phát triển - 5