Mỹ trừng phạt 103 công ty có liên hệ với quân đội Nga và Trung Quốc
(Dân trí) - Bộ Thương mại Mỹ vào hôm 22/12 đã công bố danh sách các công ty được cho là có liên hệ với các lực lượng quân đội Nga và Trung Quốc.
Trên trang web của Bộ Thương mại Mỹ, danh sách cuối cùng được công bố có tên 103 doanh nghiệp, bao gồm 58 doanh nghiệp từ Trung Quốc và 45 doanh nghiệp Trung Quốc, hầu hết là trong lĩnh vực công nghệ và hàng không.
Theo bản danh sách hôm 22/12, 7 đơn vị trực thuộc của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) vẫn nằm trong danh sách như dự kiến.
Tuy nhiên, Công ty Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC), hoặc các công ty con ở Hồng Kông của Arrow Electronics, cũng như TTI có trụ sở tại Texas (Mỹ) - từng nằm trong danh sách dự thảo - lại không bị liệt kê.
Một số doanh nghiệp nổi tiếng của Nga bị Washington áp lệnh trừng phạt gồm có Nhà máy Đóng tàu Admiralty (thuộc Tập đoàn Đóng tàu Thống nhất Liên Bang Nga), Tập đoàn Sản xuất Máy bay Thống nhất, Tập đoàn Irkut, Oboronprom, Rostec, Tập đoàn Trực thăng Nga, Công ty Sản xuất Máy bay dân dụng Sukhoi, Công ty Cổ phần Tupolev, Trung tâm Tên lửa Vũ trụ Tiến bộ, các viện nghiên cứu của Tập đoàn năng lượng hạt nhân nhà nước Rosatom…
Một điểm đáng chú ý hơn nữa, đó là danh sách này cũng bao gồm các cơ quan Chính phủ Nga, đặc biệt là Cục Tình báo Nước ngoài (SVR) và Bộ Quốc phòng Nga.
Theo Reuters, vào tháng trước, Bộ Thương mại Mỹ đã soạn thảo danh sách các công ty mà họ cho là có quan hệ mật thiết với quân đội Trung Quốc và Nga. Ngay sau đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng bản dự thảo trên là "sự đàn áp vô cớ của Mỹ đối với các công ty Trung Quốc".
Việc công bố danh sách diễn ra trong những tuần cuối cùng đương nhiệm của chính quyền Trump, trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trong năm qua, sau hàng loạt bất đồng liên quan đến nguồn gốc của đại dịch Covid-19, cũng như việc luật an ninh quốc gia được Trung Quốc áp dụng tại Hồng Kông và Biển Đông.
Theo thông cáo rạng sáng 22/12, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross khẳng định, việc công bố danh sách trên sẽ "giúp các nhà sản xuất Mỹ sàng lọc khách hàng tốt hơn", đồng thời "chống lại các nỗ lực của Trung Quốc và Nga nhằm lợi dụng công nghệ Mỹ phục vụ các chương trình quân sự bất hợp pháp của họ".
Phản ứng về động thái trên của Washington, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Wang Wenbin cho biết, Trung Quốc kêu gọi Mỹ dừng những hành động mà họ gọi là "sai lầm và đối xử bình đẳng" với tất cả các công ty trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh cùng ngày hôm đó.
Bộ Thương mại Trung Quốc sau đó tuyên bố sẽ kiên quyết phản đối việc đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách của Mỹ và sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Trước tình hình quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, Mỹ ngày càng bày tỏ lo ngại về "sự kết hợp quân sự - dân sự" của Trung Quốc và Nga, một chính sách nhằm xây dựng song song sức mạnh quân sự và phát triển công nghệ. Chính vì vậy, vào đầu năm ngoái, Bộ Thương mại đã mở rộng định nghĩa về các công ty có quan hệ quân sự.
Cụ thể, các công ty có quan hệ quân sự khi là những cá nhân hoặc tổ chức hỗ trợ hay đóng góp vào việc sản xuất hoặc bảo trì các mặt hàng quân sự, ngay cả khi hoạt động kinh doanh của họ chủ yếu là phi quân sự. Việc bị liệt kê vào danh sách "đen" này yêu cầu các công ty của Mỹ, đặc biệt là công nghệ và hàng không, phải có giấy phép để bán hàng cho các công ty nước ngoài, nhưng hầu hết chúng sẽ bị từ chối do nhiều lý do khác nhau.