1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

11 công ty Trung Quốc có gì mà khiến Mỹ phải trừng phạt?

Hương Vũ

(Dân trí) - Những cái tên mới được thêm vào "danh sách đen" của Mỹ đều là các công ty lớn nhưng không nhiều người biết đến.

11 công ty Trung Quốc có gì mà khiến Mỹ phải trừng phạt? - 1
Mỹ “giáng đòn” trừng phạt thêm 11 công ty Trung Quốc. Ảnh: Associated Press.

11 công ty Trung Quốc bị liệt vào "danh sách đen" của Mỹ vì cáo buộc vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, bao gồm đối tác của Google, một nhà sản xuất quần áo thuộc sở hữu của gã khổng lồ bán lẻ Costco (Mỹ) và một nhà cung cấp màn hình cảm ứng cho công ty con của Apple.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết, Bắc Kinh đang tiếp tục có những động thái đáng chỉ trích liên quan đến việc cưỡng bức lao động và đẩy mạnh các kế hoạch phân tích cũng như thu thập DNA để đàn áp người dân.

Bắc Kinh tiếp tục kiên quyết phản đối các biện pháp trừng phạt bằng cách can thiệp vào công việc nội bộ và nỗ lực đàn áp các công ty Trung Quốc của Mỹ, đồng thời thúc giục nước này sửa chữa sai lầm của mình.

Trong số những cái tên mới nhất được liệt vào danh sách đen của Mỹ, có một số công ty lớn nhưng không mấy người biết đến. Những công ty này đã thu về ít nhất 11,7 tỷ NDT (1,68 tỷ USD) doanh thu và 420 triệu NDT lợi nhuận trong năm 2019.

Khoảng 48 tổ chức an ninh công cộng Trung Quốc và các công ty, bao gồm 11 cái tên gần đây nhất, đã bị đưa vào “danh sách thực thể” của Bộ Thương mại Mỹ kể từ tháng 10/2019, tức nhóm này sẽ bị giới hạn mua hàng của Mỹ cũng như một số mặt hàng hạn chế khác được sản xuất ở nước ngoài với công nghệ Mỹ. Các doanh nghiệp Mỹ có thể nộp đơn xin phép giao dịch với những công ty này nhưng phải trải qua quá trình xem xét nghiêm ngặt và phải chứng minh được giao dịch không gây tổn hại tới an ninh quốc gia Mỹ.

Trong số các công ty này có Hikvision - công ty giám sát video, Công ty phần mềm nhận dạng khuôn mặt Megvii Technology và nhà sản xuất thiết bị giám sát Zhejiang Dahua Technology.

Changji Esquel Textile (CJE) là một công ty dệt may được ra mắt vào năm 2009 thuộc Tập đoàn Esquel có trụ sở tại Hong Kong. CJE chuyên sản xuất quần áo cho Ralph Lauren, Tommy Hilfiger và Hugo Boss. Công ty này đã gửi thư cho Bộ trưởng Thương mại Mỹ để kháng cáo quyết định bị đưa vào danh sách trừng phạt vì thuê những lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương.

“Esquel hiện không sử dụng và sẽ không bao giờ sử dụng lao động bị cưỡng bức. Chúng tôi kiên quyết phản đối điều này. Thật đáng ghê tởm và hoàn toàn trái ngược với các nguyên tắc và điều lệ kinh doanh của Esquel”, CEO của Esquel, John Cheh viết trong thư.

Hai công ty con của hãng phân tích di truyền Trung Quốc - BGI Group, Xinjiang Silk Road BGI và Beijing Liuhe BGI - cũng bị đưa vào danh sách đen lần này. Lý do được Bộ Thương mại Mỹ đưa ra là cả hai đều có liên quan đến việc tiến hành phân tích di truyền được sử dụng để tiếp tục đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các nhóm thiểu số Hồi giáo khác ở Tân Cương.

“Phương châm kinh doanh cốt lõi của Beijing LiuHe là cung cấp dịch vụ sắp xếp chuỗi DNA thế hệ đầu tiên cho nghiên cứu khoa học. Xinjiang Silk Road BGI được thành lập vào tháng 11/2016 nhưng vẫn chưa thực hiện bất kỳ hoạt động kinh doanh nào”, đại diện BGI giải thích.

Tập đoàn KTK niêm yết ở Thượng Hải chuyên cung cấp các sản phẩm được sử dụng trong vận tải đường sắt là cái tên tiếp theo chịu chung số phận.

“KTK là một công ty hoạt động hợp pháp. Việc tuân thủ luật lệ của công ty đã vượt qua quy trình kiểm toán và đạt được chứng nhận của các tổ chức quốc tế chuyên nghiệp bên thứ ba. Công ty không có dự án đầu tư nào ở Mỹ, chỉ nhập khẩu một lượng nhỏ phụ kiện thay thế từ nước này mỗi năm và không phụ thuộc vào công nghệ Mỹ”, phía công ty tuyên bố.

Họ cũng cho biết thêm, số lượng nhỏ hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ mỗi năm sẽ không có tác động gì lớn đến hoạt động của công ty. Năm 2019, lượng xuất khẩu sang Mỹ chiếm chưa tới 0,5% tổng doanh thu của KTK.

KTK có quan hệ đối tác chiến lược với Tập đoàn Xây dựng Đường sắt Trung Quốc, Bombardier, Alstom, Siemens và các công ty quốc tế khác. Năm 2019, công ty báo cáo mức doanh thu đạt 3,75 tỷ NDT, tăng 16,3% so với năm trước đó và lợi nhuận ròng là 395,6 triệu NDT, giảm 10,5%.

Tanyuan Technology chủ yếu sản xuất các tấm than chì làm mát có độ dẫn nhiệt cao để sử dụng trong các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh và máy tính bảng, được dùng cho các sản phẩm của Samsung, Huawei và Oppo.

“Các sản phẩm của công ty không được xuất khẩu trực tiếp sang Mỹ và cũng không nhập khẩu công nghệ cốt lõi, mua thiết bị chính hoặc nguyên liệu thô quan trọng từ các công ty Mỹ. Hoạt động sản xuất của công ty hoàn toàn bình thường. Việc bị đưa vào danh sách thực thể sẽ không có tác động lớn đến hoạt động hàng ngày của công ty”, đại diện Tanyuan đưa ra tuyên bố hôm 21/7.

Công ty sản phẩm dành cho tóc Hetian Haolin Hair Accessories cũng nằm trong danh sách đen lần này. Hôm 1/5, Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) cho biết họ đang tạm dừng nhập khẩu các sản phẩm của công ty, vì thu được bằng chứng về việc cưỡng bức lao động.

Ngày 1/7, CBP đã thu giữ một lô hàng gần 13 tấn sản phẩm và phụ kiện trị giá hơn 800.000 USD bị nghi ngờ làm từ tóc người có nguồn gốc từ các trại tập trung ở Tân Cương. Công ty bán lẻ khổng lồ Costco của Mỹ cũng đã ngừng bán số quần áo trẻ em do công ty này sản xuất.