Mù mờ hiệu quả 2 dự án bauxite

Các chuyên gia cho rằng các dự án bauxite ở Tây Nguyên không có hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn và liên tục lỗ.

Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) - Bộ Công Thương lần đầu tiên công bố dự thảo Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng bauxite giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030 (Dự thảo quy hoạch) để sắp tới trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tuy nhiên, những số liệu, kế hoạch cũng như mục tiêu của bản dự thảo này đã vấp phải phản ứng từ không ít nhà khoa và giới chuyên môn.

Các chuyên gia cho rằng dự án Tân Rai không có hiệu quả
Các chuyên gia cho rằng dự án Tân Rai không có hiệu quả

Nhiều hạn chế

Theo VIMLUKI, mục tiêu của Dự thảo quy hoạch đặt ra đến năm 2015 đối với vùng Đắk Nông, Nhà máy Nhân Cơ đạt công suất 650.000 tấn/năm; giai đoạn 2016-2020, mở rộng lên 1,3 triệu tấn/năm; 2021-2030, mở rộng mỏ, nâng công suất chế biến alumin lên 3-4 triệu tấn/năm. Đối với vùng Bảo Lộc - Di Linh (Lâm Đồng), Nhà máy Alumin Tân Rai công suất 650.000 tấn/năm và hydroxit nhôm công suất 600.000 tấn/năm.

Tuy nhiên, Dự thảo quy hoạch của VIMLUKI thừa nhận những hạn chế trong khai thác chế biến bauxite như chất lượng bauxite thuộc loại trung bình, phải qua khâu tuyển rửa để nâng cao chất lượng quặng tinh; các vùng mỏ quy mô lớn đều nằm xa cảng biển, cung độ vận tải lớn. Đặc biệt, đây là ngành công nghiệp ảnh hưởng nhiều đến môi trường.

Nhìn nhận về Dự thảo quy hoạch, TS Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng Ban Nhôm Titan - Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (sau này sáp nhập Vinacomin), cho rằng: “VIMLUKI đã bảo vệ Vinacomin khi tiến hành lập quy hoạch nên đã bỏ qua tính khách quan bắt buộc trong nghiên cứu khoa học, dẫn đến sự hoang tưởng về giá trị của bauxite Việt Nam”. Ông Ban cho biết khai thác bauxite ở Việt Nam chi phí đền bù rất lớn do lẫn với cây trồng, đất canh tác; quặng nguyên khai rất xấu, phải tuyển rửa với mức tiêu hao 50%.

Tốn kém, dễ gây thất thoát

Cũng theo TS Nguyễn Văn Ban, chỉ nhìn vào thiết kế kỹ thuật, tổng mức thu sản phẩm của Tân Rai là 85% do Chalieco (nhà thầu Trung Quốc) đưa ra thấp hơn 2% so với Pechiney (Pháp), nếu mức chênh lệch này là thật thì sẽ thất thoát 5 triệu USD/năm. Đáng ngại hơn, Chalieco không hoàn toàn là chuyển giao công nghệ vì chỉ sau 2 năm là nhà thầu coi như không còn trách nhiệm với nhà máy, trong khi Pechiney còn bảo hành 10 năm.

“Chưa hết, mức tiêu hao nhiên liệu do nhà thầu Trung Quốc cũng cao hơn 31%. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ bùn đỏ ướt là rất khó hiểu, không phải do Vinacomin hay phía nhà thầu Trung Quốc tư vấn” - ông Ban nói.

TS Nguyễn Thành Sơn, Giám đốc Ban Quản lý Các dự án than đồng bằng sông Hồng (Vinacomin), đưa ra cam kết đáng giật mình của nhà thầu Trung Quốc đối với Nhà máy Tân Rai là hệ số tiêu hao nước. Chỉ tính ở 2 khâu tuyển bauxite và sản xuất alumin, để sản xuất 1 tấn alumin đòi hỏi 18 m3 nước.

Với công nghệ của Tân Rai theo cam kết của nhà thầu vào mùa khô thì cần ít nhất 1.399,5 m3/giờ (chưa kể nước tiêu hao cho các nhu cầu khác). Vì thế, vượt xa tính toán, nhất là trong điều kiện khan hiếm nước ở Tây Nguyên, dẫn đến việc sản xuất alumin không thể bảo đảm, đặc biệt là mùa khô.

Phương pháp dự báo sai

VIMLUKI trích dẫn phân tích của MetalBulletin Research với dự báo nhu cầu sử dụng alumin thế giới mỗi năm tăng 3%-4%. Do vậy, năm 2020 sẽ xảy ra thiếu hụt alumin trên toàn thế giới. Dự kiến, thị trường xuất khẩu của alumin Việt Nam đến năm 2020 có 5 kịch bản nhưng VIMLUKI chọn kịch bản tối thiểu là tăng trưởng 20% khối lượng cần nhập khẩu của 2 thị trường chính là Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Trung Đông với 0,85-1,7 triệu tấn/năm…

VIMLUKI tin tưởng đến năm 2020, thị trường nhôm kim loại thế giới sẽ tăng rất mạnh với mức 70 triệu tấn/năm (hiện là 40 triệu tấn/năm); giá alumin của MetalBulletin Research dao động từ 300-640 USD/tấn, giá trung bình khoảng 450/tấn; giá nhôm kim loại là 2.800-3.000 USD/tấn.

TS Nguyễn Thành Sơn cho rằng để đánh giá hiệu quả kinh tế của dự án bauxite ở Tây Nguyên, cần dựa trên số liệu đáng tin cậy của thị trường kim loại London (LME). Căn cứ trên số liệu dự báo của LME, giá nhôm bình quân năm 2013 (tính đến ngày 3-5) là 1.861 USD/tấn và trong tương lai cả dự án (50 năm) sẽ tăng liên liên tục (nhưng thấp hơn dự báo của Vinacomin): Năm 2023 đạt 2.577,7 USD/tấn; năm 2033 đạt 2.952 USD/tấn; năm 2043 đạt 3.326 USD/tấn; năm 2050 đạt 3.700 USD/tấn; năm 2063 đạt 4.075 USD/tấn.

Theo ông Sơn, dựa vào những cơ sở trên thì dự án Tân Rai hoàn toàn không có hiệu quả kinh tế, không có khả năng thu hồi vốn và liên tục lỗ.

Mở rộng ra nhiều địa phương

Dự thảo quy hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2015 hoàn thành thăm dò các mỏ bauxite ở Tây Nguyên và Bình Phước (mỏ Thống Nhất và Thọ Sơn). Đối với quy hoạch vùng khai thác, chế biến bauxite quy mô nhỏ sẽ tiến hành ở Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Vân Hòa - Phú Yên.

Theo đó, giai đoạn sau năm 2020 sẽ đầu tư tổ hợp mỏ - tuyển Bù Đăng và nhà máy alumin công suất khoảng 1,2-2 triệu tấn/năm; xem xét đặt tại Bình Phước hoặc ven biển. Cũng giai đoạn này, quy hoạch đặt mục tiêu đầu tư tổ hợp mỏ - tuyển Kon Hà Nừng và nhà máy alumin công suất 600.000 tấn/năm, xem xét đặt tại Gia Lai hoặc ven biển...

Theo Thế Dũng
NLĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm