Vinacomin thừa nhận "không dám dừng" dự án bauxite Nhân Cơ

Dân trí) - Vinacomin cho biết đã tính đến trường hợp dừng Nhân Cơ song “không dám dừng” vì hệ quả để lại rất lớn khi đã “ngồi trên một đống tiền đầu tư”. Tập đoàn này cam kết "chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước" về tính hiệu quả của cả 2 dự án bauxite.

Ông Nguyễn Tiến Chỉnh - phát ngôn viên của Vinacomin trả lời báo chí sáng 16/5

Ông Nguyễn Tiến Chỉnh - phát ngôn viên của Vinacomin trả lời báo chí sáng 16/5 (Ảnh: Bích Diệp).

Ngồi trên đống tiền đầu tư
 
Cuộc họp báo về hai dự án bauxite ở Tây Nguyên là Tân Rai và Nhân Cơ do Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) tổ chức họp tổ chức sáng nay (16/5) đông hơn thường lệ.

Hội trường tập đoàn chật kín phóng viên với liên tiếp các câu hỏi, chủ yếu tập trung quanh tính hiệu quả của hai dự án (đặc biệt là dự án Nhân Cơ) cũng như đặt vấn đề liệu có nên dừng Nhân Cơ trước khi quá muộn.

Ông Nguyễn Tiến Chỉnh, người phát ngôn của Vinacomin về các dự án bauxite cho rằng, việc có nên dừng dự án hay không là một câu hỏi rất lớn mà không thể một câu trả lời mà bao quát hết được. 

Tuy nhiên, theo ông Chỉnh, “với đề xuất dừng dự án thì các anh cũng phải đánh giá giúp chúng tôi: Nếu chúng tôi dừng thì chúng tôi lợi cái gì, thiệt hại cái gì? Sẽ phải giải quyết hậu quả ra sao? Ngồi trên một đống tiền đầu tư rồi, giờ chúng tôi như lửa đốt, các anh phải thông cảm với chúng tôi ở chỗ đó”. 

Đại diện Vinacomin cũng cho biết, trên góc độ là một doanh nghiệp, một chủ đầu tư, “chúng tôi bỏ tiền ra rồi, nay công trình ngổn ngang ở đó, hợp đồng EPC đã ký, thiết bị, công trình đã nằm sẵn đề thực hiện theo tiến độ, bây giờ bảo dừng, hủy hợp đồng thì giải quyết làm sao?”.

Phóng viên đặt câu hỏi, liệu Vinacomin có cho rằng, nên dừng sớm dự án để giảm thiểu thiệt hại hay không, trước khi tổng mức đầu tư quá lớn thì sẽ không còn kịp.

Về những “cân đo đong đếm” thiệt - hơn này, ông Chỉnh nói: “Việc dừng dự án Tập đoàn cũng đã xem xét, tính toán: nếu dừng thì thiệt hại sẽ thế nào, tiếp tục sẽ ra sao. Nhưng phải thú thật là chúng tôi không dám dừng. Không dám bởi thiệt hại mà chúng tôi phải gánh vác là rất lớn.”

Ông Chỉnh cũng khẳng định, quan điểm của Vinacomin, tiếp tục dự án vẫn tốt hơn. Tuy nhiên, câu chuyện “dừng hay không nên dừng” vẫn sẽ được đưa ra phân tích tại những hội thảo chuyên môn và sẽ được bàn sâu hơn.

Công trường xây dựng nhà máy sản xuất alumina Nhân Cơ. Lắp đặt các bồn kết tinh.
Công trường xây dựng nhà máy sản xuất alumina Nhân Cơ. Lắp đặt các bồn kết tinh. (Ảnh: Vinacomin).

“Chúng tôi chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước”

Dự án Nhân Cơ xây dựng tại tỉnh Đăk Nông có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm.

Tính đến tháng 4/2013, tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án và một số dự án khác liên quan đạt khoảng 6.836 tỷ đồng. Trong đó, giải ngân gói thầu EPC Nhà máy Alumin đạt khoảng 4.606 tỷ đồng.

Gói thầu EPC nhà máy Alumin Nhân Cơ đã triển khai thực hiện 72/73 hạng mục (còn hạng mục trồng cây xanh chưa thực hiện); khối lượng hoàn thành đạt khoảng 51%. 

Nếu Tân Rai chậm tiến độ 1 năm rưỡi đối với nhà máy tuyển quặng và chậm 2 năm rưỡi đối với nhà máy alumin thì Nhân Cơ dự kiến chậm tiến độ 1 năm rưỡi và sẽ có sản phẩm vào giữa năm 2014.

Tại cuộc hội thảo ngày 9/5 do Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức, một số chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra khuyến cáo cần tạm dừng dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ và khẩn trương đánh giá hiệu quả dự án nhà máy Tân Rai để có quyết định có nên tiếp tục hay không, qua đó điều chỉnh quy hoạch.

Theo đó, Nhân Cơ gặp một vấn đề rất lớn là quãng đường vận chuyển lên tới 260 km. Các chuyên gia lo ngại, nếu không có giải pháp căn cơ để giảm chi phí vận tải nhằm hạ giá thành thì dự án sẽ mắc kẹt ít nhất 15 năm trong trường hợp có hơn 3 tỷ USD làm đường sắt.

Đáp lại mối quan ngại này, đại diện Vinacomin cho biết, đối với cả hai dự án, Tập đoàn đều không đầu tư mua phương tiện vận tải mà thuê đơn vị bên ngoài. Chi phí đều đã được tính toán đầy đủ trong đánh giá hiệu quả dự án.

“Chúng tôi cũng muốn nghe những giải trình, những đề xuất có lợi, và xem xét. Còn đối với tư cách là một doanh nghiệp, nhà đầu tư, Vinacomin có trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước nếu dự án không hiệu quả. Chúng tôi khẳng định với thiết kế và với các tính toán của mình, dự án này là khả thi”, ông Chỉnh quả quyết.
 
Bất ngờ được ưu đãi thuế 0%

Về thuế xuất khẩu đối với alumin, ông Chỉnh cho hay, giữa bối cảnh kinh tế khó khăn, Nhà nước đã thông qua đề xuất của Tập đoàn, cho phép giảm thuế xuống còn 0%. Đây là mức ưu đãi lớn so với khung thuế suất thuế xuất khẩu do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định từ 15-40%.

Hồi tháng 9/2011, Bộ Tài chính từng cho biết không đồng tình với việc xem xét giảm thuế xuất khẩu đối với alumin xuống mức 5%.

Như vậy, với phát biểu khá bất ngờ của ông Chỉnh lần này, có thể thấy, Vinacomin đã được ưu đãi “hơn mong đợi” so với trước đây.

Tuy nhiên, đại diện ngành than cũng cho biết, ưu đãi này chỉ được áp dụng trong bối cảnh kinh tế suy thoái, khi phục hồi tăng trưởng trở lại, đương nhiên mức thuế sẽ được điều chỉnh tăng.“Tôi nghĩ rằng, trách nhiệm của Vinacomin là phải đóng thuế cho nhà nước, đó là nghĩa vụ”.

Theo tính toán, thời gian hoàn vốn của Tổ hợp nhôm Lâm Đồng là 12 năm, còn Nhân Cơ là 13 năm. Hàng năm, 2 dự án nộp ngân sách bình quân khoảng 850 tỷ đồng.
 
Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm