Cần tạm dừng dự án alumin Nhân Cơ

Nhiều ý kiến nhận định với quãng đường trên dưới 200 km mà không có giải pháp căn cơ để giảm chi phí vận tải nhằm hạ giá thành thì dự án Nhân Cơ sẽ mắc kẹt ít nhất 15 năm

Ngày 9/5, Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã tổ chức hội thảo “Bauxite Tây Nguyên: Thực trạng, định hướng và kiến nghị”. Tại hội thảo, một số nhà khoa học, chuyên gia cho rằng cần tạm dừng dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk Nông) và khẩn trương đánh giá hiệu quả của dự án nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) để có quyết định tiếp tục thực hiện hay không, đồng thời là cơ sở để điều chỉnh quy hoạch.

 

Lỗ 5 năm vẫn có hiệu quả lâu dài?

 

Tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) công bố dự án tổ hợp bauxite - nhôm Lâm Đồng (gọi tắt là dự án Tân Rai) tính đến ngày 31-3, do hàng loạt chi phí tăng cao, tổng mức đầu tư điều chỉnh (trước thuế) tăng thêm 3.645,5 tỉ đồng, thành 14.642,2 tỉ đồng, tăng 33,15% so với mức được phê duyệt là 11.350 tỉ đồng (tỉ giá quy đổi là 16.935 VNĐ/USD); xấp xỉ 670,4 triệu USD. Tiến độ nhà máy tuyển quặng chậm hơn 1 năm rưỡi và Nhà máy alumin chậm 2 năm rưỡi.

 

Nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng.
Nhà máy Alumin Tân Rai - Lâm Đồng.

 

Theo Vinacomin, tính đến tháng 4, Nhà máy Tân Rai đã sản xuất được 28.600 tấn alumin, dự kiến trong tháng 5 sẽ chạy xác định chỉ tiêu cam kết để bàn giao đưa nhà máy vào sản xuất.

 

Về hiệu quả kinh tế, đại diện Vinacomin cho biết trung bình từ năm 2008 -2020, nhu cầu tiêu thụ nhôm trên thế giới sẽ tăng 2,82 triệu tấn/năm (tương đương 7,5%/năm). Với thực tế giá mỗi tấn ở năm 2013 khoảng 316 USD, đến năm 2020 khoảng 343 USD, giá alumin tăng trung bình 5,4%/năm thì trừ lạm phát cũng tăng khoảng 2,71%/năm nếu tính giá trong nước khoảng 1,21%.

 

Cụ thể, đối với Nhà máy Tân Rai, tính đến tháng 3, giá thành sản xuất alumin bình quân 6,5 triệu đồng/tấn (mức này cao hơn 1,7 triệu đồng so với thời điểm năm 2009); giá bán bình quân 7,9 triệu đồng/tấn, doanh thu 5 triệu đồng/tấn. Tính ra, lợi nhuận sau thuế đến nay khoảng 896.000 đồng/tấn, hụt hơn 314.000 đồng/tấn so với năm 2009.

 

Vinacomin dự tính lỗ kế hoạch khoảng 5 năm so với 3 năm khi phê duyệt, thu hồi vốn mất 11,8 năm so với 9 năm trước đó. Theo đó, dự án Tân Rai đạt hiệu quả kinh tế, tỉ suất chiết khấu là 6,86%.

 

Về dự án alumin Nhân Cơ đã thực hiện 72/73 hạng mục, khối lượng hoàn thành đạt 51%, dự kiến hoàn thành và có sản phẩm giữa năm 2014. Tổng giá trị thực hiện của toàn bộ dự án và một số dự án khác tính đến ngày 31-3 đạt khoảng 6.836 tỉ đồng.

 

Dự án được phê duyệt có tổng giá trị đầu tư trước thuế đã duyệt năm 2010 là 11.365 tỉ đồng (tỉ giá quy đổi 17.800 VNĐ/USD), được điều chỉnh ở tháng 3 là 14.889 tỉ đồng, chênh 3.523 tỉ đồng, tăng 31%. Tính toán chi phí vận chuyển tăng thêm hơn 250.000 đồng/tấn, lợi nhuận trước thuế đến tháng 3 là khoảng 1 triệu đồng/tấn so với 644.000 đồng/tấn năm 2010. Thu hồi vốn khoảng gần 13 năm, lâu hơn 2 năm so với phê duyệt. Dự kiến dự án chậm 1 năm rưỡi. Vinacomin khẳng định dự án Nhân Cơ đạt hiệu quả kinh tế.

 

Lo ngại về hiệu quả kinh tế là chính đáng

 

Về dự án bauxite Tây Nguyên, ông Nguyễn Mạnh Quân, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công Thương), thừa nhận dư luận xã hội và nhà khoa học hết sức lo ngại về hiệu quả kinh tế của 2 dự án bauxite là chính đáng. Tuy nhiên, vị vụ trưởng này chỉ xin nhận khuyết điểm là vừa qua “Vinacomin cung cấp các số liệu khác nhau dẫn đến nhìn nhận chưa đúng”.

 

Ông Quân quả quyết: “Dự kiến thời gian thu hồi vốn của Tân Rai là 12 năm, Nhân Cơ  là 13 năm là có hiệu quả kinh tế. Như vậy, đề xuất dừng dự án là không thực tế. Chưa kể ý nghĩa là dự án thí điểm để phát triển ngành công nghiệp nhôm sau này. Không vội vàng nhưng cũng không nên trầm trọng hóa  vấn đề”.

 

Theo ông Quân, Chính phủ đã chỉ đạo từ nay đến năm 2015 chỉ có 2 dự án này thử nghiệm, nghiên cứu và hoàn thiện. Đến năm 2020, trên kết quả thử nghiệm, nếu có hiệu quả và điều kiện vận tải, cơ sở hạ tầng cho phép thì sẽ nhân đôi công suất 2 dự án này lên. Sau năm 2020, nếu có đường sắt, kết quả thử nghiệm tốt thì sẽ đầu tư các dự án có quy mô lớn 2-3 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, về tuyến đường sắt vận chuyển alumin do kinh tế hết sức khó khăn nên có thể chọn hướng mời nhà đầu tư nước ngoài vào và dự kiến sau năm 2020 mới hiện thực.

 

Quá rủi ro và nguy hiểm

 

Ngược với sự tự tin của Vinacomin và Bộ Công Thương, TS Nguyễn Văn Ban, nguyên trưởng Ban Nhôm Titan - Tổng Công ty Khoáng sản Việt Nam (sau này sáp nhập Vinacomin), nói thẳng: “Tôi thấy sốc và lo lắng về giá bán alumin. Giá bán alumin thấp hơn giá thành thì rõ ràng là thua lỗ mà bộ trưởng Công Thương nói là nằm trong kế hoạch và mong có lãi là điều không tưởng”.

 

Theo TS Ban, giá bán alumin có lãi mà Vinacomin áp dụng theo mức giá 362 USD/tấn ở thời hoàng kim (2005-2008) là phi lý vì khủng hoảng kinh tế, giá khoáng sản đi xuống đã hơn 4 năm qua và vẫn ở mức trầm trọng, chưa biết đến khi nào chấm dứt, cho nên tính hiệu quả kinh tế rất mơ hồ.

 

“Với quãng đường trên dưới 200 km mà không có giải pháp căn cơ để giảm chi phí vận tải nhằm hạ giá thành thì dự án Nhân Cơ sẽ mắc kẹt ít nhất 15 năm nếu trong trường hợp có tiền ở đâu đó để làm dự án đường sắt, dự kiến hơn 3 tỉ USD” - TS Ban nói.

 

Cùng nghi ngại này, GS Nguyễn Quang Thái, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, cho rằng với giá bán 340 USD/tấn alumin là cầm chắc lỗ vài chục triệu USD/năm, chưa kể công suất khoảng 600.000 tấn/năm, quãng đường vận chuyển trên 200 km là phi kinh tế học. Chưa kể đồng USD mất giá mỗi năm 2%. Hay việc Vinacomin muốn giảm thuế, phí môi trường là đặt Nhà nước vào thế “hy sinh” cho tập đoàn.

 

TS Nguyễn Đức Quý, Chủ tịch Hội Tuyển khoáng Việt Nam, cảnh báo giá sản phẩm của ngành bauxite – nhôm ít thay đổi trong vòng 30 năm qua; chỉ tăng 1,2-1,3 lần trong khi các khoáng sản khác tăng 3-5 lần.

 

Đặc biệt, TS Ban cho rằng con số tổng mức đầu tư của Tân Rai và Nhân Cơ là chưa bao giờ rõ ràng, mỗi lúc một số, khi là 628 triệu USD, lúc là 740; hay 800 triệu USD do chính Ban Quản lý dự án Tân Rai cung cấp cho đoàn của VUSTA. Trượt giá trên 30% nếu tính 628 thì là trên 800 triệu USD, còn nếu lấy con số 800 triệu USD thì trên 1 tỉ USD. “Vì thế, nếu dự án phát sinh dẫn đến tỉ suất chiết khấu 9,41% thì chắc chắn các dự án không khả thi” - ông Ban nhìn nhận.

 

 Chia nhóm khảo sát đánh giá Tân Rai

 

ThS Phạm Quang Tú, Phó Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển (CODE), đề nghị để quyết định “số phận” của dự án bauxite Tây Nguyên thì phải đánh giá một cách đầy đủ tính hiệu quả của dự án Tân Rai ngay trong những tháng tới đây mà không nên đợi đến lúc dự án Nhân Cơ đi vào hoạt động dẫn đến cái giá phải trả sẽ rất lớn.

 

Ông Tú kiến nghị trong 3 đến 6 tháng tới, VUSTA cùng các nhà khoa học, chuyên gia, Bộ Công thương, Vinacomin chia thành nhiều nhóm đi khảo sát thực địa và sau đó tổ chức hội thảo để đưa ra đề xuất.  Bộ Công thương, Vinacomin phải minh bạch thông tin về dự án nếu không thì việc khảo sát là vô nghĩa. 

 

Theo Thế Dũng

NLĐ