Sẽ thiệt hại nếu tiếp tục làm bauxite

Mặc dù Vinacomin khẳng định: Các dự án khai thác bauxite Tân Rai và Nhân Cơ là hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, nhưng các chuyên gia lại cho rằng, lập luận này là thiếu thuyết phục.

Mặc dù tại cuộc họp báo về vấn đề bauxite diễn ra tại Hà Nội hôm qua (16.5), Tập đoànThan và Khoáng sản VN (Vinacomin) khẳng định: Các dự án khai thác bauxite Tân Rai và Nhân Cơ là hiệu quả cả về kinh tế và xã hội, nhưng các chuyên gia lại cho rằng, lập luận này là thiếu thuyết phục.

Không thực tế...

Trước đông đảo báo giới, Vinacomin một lần nữa khẳng định: Tập đoàn này đã thuê tư vấn tính toán và thẩm tra lại tổng mức đầu tư và hiệu quả kinh tế Dự án Tổ hợp bauxite nhôm Lâm Đồng và Dự án Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ. Kết quả cho thấy cả 2 dự án này đều có hiệu quả kinh tế. Thời gian hoàn vốn của bauxite nhôm Lâm Đồng là 12 năm và Nhân Cơ là 13 năm, với số tiền nộp ngân sách bình quân mỗi dự án là 460 tỷ đồng/năm và 398 tỷ đồng/năm.

Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) đang trong quá trình xây dựng.
Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đăk Nông) đang trong quá trình xây dựng.

Tuy nhiên, tại cuộc họp báo này, ông Nguyễn Tiến Chỉnh- Trưởng ban Khoa học công nghệ và Chiến lược (Vinacomin) cho biết, hiệu quả dù đang thấp hơn so với mong đợi ở thời điểm này, những năm đầu chắc chắn dự án sẽ "lỗ" (3-5 năm đầu sẽ lỗ) do phải khấu hao, trả lãi vay, nhưng sau đó sẽ không lỗ nữa. Lý do là Vinacomin dự báo xu thế giá sản phẩm alumin tăng trên thế giới thì dự án sẽ có hiệu quả.

Về việc 2 dự án bauxite sau khi tính lại bị "đội" lên 7.000 tỷ đồng vốn đầu tư và giảm thu ngân sách 700 tỷ đồng/năm , ông Chỉnh nói: Trước giá cả khác, điều kiện kinh tế khác nên ra một con số khác, nay tính lại ra con số khác, tất cả chỉ là tính trong dự án.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A cho rằng, nói như vậy là "quá dở". "Chẳng nhẽ sản xuất bauxite ra Nhà nước và người dân chẳng được hưởng quyền lợi gì. "Các tập đoàn cứ việc "múc" tài nguyên đi bán mà chẳng thu được gì?"

Trao đổi với phóng viên NTNN về việc lỗ, lãi của 2 dự án nói trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, khai thác bauxite của VN như hiện nay là không hiệu quả. "Các tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực này đã rất đầy đủ rằng, giá thành khai thác bauxite của ta quá cao, chi phí vận chuyển quá lớn nên không thể có lãi".

Theo ông Doanh, để đầu tư được đường sắt vận chuyển bauxite làm giảm giá thành sẽ phải mất 15 năm nữa, vậy với 2 dự án chỉ khấu hao theo kế hoạch 12-13 năm chắc chắn sẽ không đem lại hiệu quả".

Ông Doanh cũng cho rằng, chi phí đầu tư cũng chưa được Vinacomin tính toán đầy đủ. Hiện thuế xuất khẩu sản phẩm của dự án là 0% mà cộng với phí thì tập đoàn này đã lỗ nặng, trong khi đó Vinacomin nói chưa đưa yếu tố lạm phát vào giá sẽ càng không đầy đủ để tính đến hiệu quả của dự án.

"Chưa nói đến việc công nghệ của 2 dự án là lạc hậu, tôi thấy các lập luận của tập đoàn này về hiệu quả kinh tế thôi đã chưa có sức thuyết phục, thiếu thực tế. Rồi lịch sử, thời gian sẽ chứng minh các lập luận ngày hôm nay của họ có thực tế không"- ông Doanh nói.

Không dám dừng bauxite

Hiện tại, một loạt các vấn đề chưa mang lại kết quả như mong muốn cho 2 dự án khai thác bauxite này là chi phí đầu tư sản xuất alumin tăng cao khiến giá thành cao hơn giá bán, công nghệ khai thác lạc hậu... Mỗi tấn alumin được bán trên thị trường quốc tế hiện là 326,5 USD/tấn, trong khi phí sản xuất của Vinacomin là 362 USD/tấn. Như vậy, càng sản xuất nhiều, càng bán được nhiều thì Vinacomin càng lỗ.

Ông Nguyễn Quang Thái - Phó Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế Việt Nam - cho rằng, với giá bán như thế, mỗi năm Vinacomin lỗ hàng chục triệu USD. Nguyên nhân chính khiến chi phí sản xuất alumin tăng cao là việc vận chuyển bằng đường bộ như hiện nay đang khiến Vinacomin "còng lưng" trả phí vận chuyển nguyên nhiên liệu vào nhà máy và từ nhà máy ra các cảng nước sâu.

Khoảng cách trên dưới 200km đường vận chuyển bauxite như hiện nay mang lại rất nhiều rủi ro, hệ lụy và tốn kém. Theo TS Nguyễn Văn Ban - nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan (TKV), nếu vận chuyển bằng đường bộ, mỗi năm Dự án Tân Rai tốn 24,6 triệu USD, Dự án Nhân Cơ khi đi vào hoạt động cũng tốn 38 triệu USD tiền vận chuyển. Việc vận chuyển chủ yếu bằng ôtô, trong khi giá xăng dầu liên tục thay đổi càng làm dự án rủi ro.

Tại cuộc họp này, Vinacomin cũng cho biết, tập đoàn đã tính toán, cân nhắc việc dừng Dự án Nhân Cơ khi vấn đề được đặt ra. Tuy nhiên, sau khi tính toán, cân nhắc các thành tố về kinh tế, xã hội và thị trường, rồi thuê tư vấn tính toán lại hiệu quả của dự án, tập đoàn nhận thấy có đầy đủ lý do để tiếp tục thực hiện dự án, tuy nhiên, thời gian để thu hồi vốn có thể kéo dài hơn trước đây (thời gian thu hồi vốn sẽ là 13 năm trong phương án tính toán trọn đời dự án là 30 năm, trong khi dự án có thể kéo dài đến 50 năm). Như vậy, dự án vẫn đạt được hiệu quả về kinh tế.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A nói thẳng: "Nếu chúng ta tiếp tục làm bauxite là dại dột". Theo ông Quang A, giá của các hàng hóa như sắt, thép, nhôm phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế là đúng, nhưng nó "nhảy múa" liên tục, nên Vinacomin khó mà dựa vào đó để khẳng định tính hiệu quả của dự án một cách phiến diện.

Ông Quang A đặt câu hỏi: Tại sao tập đoàn này không công bố tất cả các chi phí xã hội buộc phải có khi nói đến hiệu quả dự án. Vinacomin có thể không phải bỏ tiền đầu tư làm đường giao thông, cảng biển... nhưng chi phí chuyên chở không thể bỏ qua việc tập đoàn này phải đóng góp một phần cho đầu tư đường sá... Cái lo ngại nữa là ai mua sản phẩm? Tập đoàn này công bố Nhật Bản và Trung Quốc mua chỉ là "ngụy trang" mà thôi, vì "đây mới chỉ là hợp đồng nguyên tắc, nếu chỉ bán trong nước như hiện nay thì rõ ràng sẽ không phải là hiệu quả"- ông Quang A nhấn mạnh.

Theo Mai Hương
Dân Việt