Hai dự án bô-xít Tân Rai và Nhân Cơ "đều có rủi ro lớn"

(Dân trí) - Cho rằng do suy thoái kinh tế khiến giá alumin lao dốc, đồng thời do những bất cập trong yêu cầu mức giá đền bù và phí bảo vệ môi trường nên hai dự án bô-xít đối mặt rủi ro không hiệu quả, song Bộ Công thương vẫn lạc quan về dài hạn.

Phiên họp báo thường kỳ Bộ Công thương chiếu 4/3 trở nên “nóng” hơn và kéo dài hơn thường lệ trước những câu hỏi dồn dập liên quan tới hai dự án bauxite Tân Rai và Nhân Cơ đang được dư luận quan tâm sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng phát triển dự án cảng Kê Gà.

Đánh giá chung về 2 dự án này, đại diện Bộ chủ quản trả lời, ông Nguyễn Mạnh Quân - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng thẳng thắn: “Cả Tân Rai lẫn Nhân cơ đều có rủi ro lớn”.

Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Nguyễn Mạnh Quân (ảnh BD).
Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng Nguyễn Mạnh Quân (ảnh BD).

Rủi ro vì không được hưởng chính sách phù hợp

Ông Quân lần lượt dẫn ra các luận điểm cho thấy những mối nguy đối với Tân Rai (và cũng là đối với Nhân Cơ).

Thứ nhất, đó là rủi ro về giá. Kết quả của đợt điều tra hiệu quả kinh tế đối với dự án Tân Rai vào tháng 12/2012 cho thấy, giá bán lúc này vào khoảng 326,5 USD/tấn, sụt giảm mạnh tới 42 USD/tấn so với mức giá tại thời điểm đánh giá dự án vào tháng 9/2009 là 365 USD/tấn.

Sự sụt giảm này được lý giải do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế khiến ngành sản xuất nhôm bị chững lại. Không chỉ riêng bauxite mà một loạt khoáng sản khác cũng rớt giá “thê thảm” như sắt, đồng và thiếc. Đây được coi là nguyên nhân chính khiến hiệu quả kinh tế của Tân Rai hiện nay bị tác động nghiêm trọng.

Thứ hai, rủi ro về chính sách. Ông Quân cho biết, sau khi rà soát lại những chính sách hiện hành, cơ quan này đồng ý với Vinacomin rằng, đối với đặc thù của lĩnh vực sản xuất, kinh doanh bauxite, nhiều chính sách đang áp dụng phải được xem xét và điều chỉnh lại, giữa bối cảnh so dự kiến, tổng mức đầu tư đã gia tăng khoảng 30%.

Cụ thể, với cơ chế đền bù diện tích đất đai khai thác, mức áp dụng đang là 800 triệu đến 1 tỷ đồng mỗi hecta – là chính sách đền bù vĩnh viễn. Đây được cho là chính sách hợp lý với hoạt động khai thác những quặng kháng sản khác, thời gian chiếm dụng lên tới 30-40 năm, có khi phải chờ khai thác xong mỏ mới trả lại đất. Trong khi đó, khai thác quặng bauxite chỉ cần sau 2-3 năm là đã có thể phục hồi để trả về cho trồng trọt.

Dẫn kiến nghị của Vinacomin, vị lãnh đạo từ Bộ Công thương cho  biết, khoản đền bù chỉ nên bao gồm phần hoa màu bị mất, kèm theo đền bù sản lượng của khu vực trong thời gian chiếm dụng và hỗ trợ 1 phần cho người dân trong quá trình thu hồi đất, mức độ 250 triệu đồng/hecta là hợp lý.

Ngoài ra, bên cạnh khoản đầu tư rất lớn để bảo vệ môi trường tại khu vực khai thác, sản xuất thì Vinacomin “kêu” rằng, Tập đoàn còn phải chi trả mức phí môi trường lên tới 30.000 đồng/tấn.

Với trữ lượng bauxite của Việt Nam lớn thứ 3 thế giới, hơn nữa, sản phẩm này cũng không  phải là quặng có giá trị cao nên theo Vinacomin cũng như Bộ Công thương đánh giá, mức phí môi trường “đánh” vào doanh nghiệp như vậy là quá cao. Đề xuất, chỉ thu 5.000 đồng/tấn, tương đương với mức thu khai thác than.

Với việc điều chỉnh theo các đề xuất trên cùng với xu hướng giá thế giới về sản phẩm alumin hồi phục, ông Quân tự tin “dự án sẽ có hiệu quả về kinh tế”.

Dự kiến, quý II/2013 tới, sẽ đưa dự án Tân Rai chính thức đi vào sản xuất.

Hiện tại, theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công thương đã giao Vinacomin rà soát, tính toán lại hiệu quả kinh tế của dự án, từ đó có những biện pháp điều hành phù hợp và đề xuất về cơ chế chính sách để thực hiện.

 Đến 2020 không phát triển thêm dự án bauxite nào

Trước báo chí chiều nay, ông Nguyễn Mạnh Quân cũng dẫn lại ý kiến của phía chủ đầu tư – Tập đoàn Vinacomin cho rằng, khi tính hiệu quả của dự án cần phải xem giá bán lâu dài.

Theo ông Quân, một số tổ chức thế giới đã dự báo, khi kinh tế phục hồi, nhu cầu xây dựng cơ bản tăng lên thì giá alumin cũng sẽ tăng theo giá nhôm. Bình quân giai đoạn đến 2020, giá sẽ lên 450 USD/tấn, tức có cơ sở tin cậy để thấy tương lai Tân Rai có hiệu quả kinh tế.

Còn với trường hợp của Nhân Cơ, gần đây cũng đã có công ty được Chính phủ chấp thuận cho phép đầu tư nhà máy điện phân nhôm sử dụng toàn bộ sản phẩm alumin của nhà máy Nhân Cơ. Và như vậy sẽ tận dụng được sản phẩm tại chỗ.

“Như vậy, thời gian tới, nếu điều chỉnh được chính sách hợp lý, tiết giảm chi phí cộng với giá bán nhôm tăng thì hiệu quả kinh tế của Tân Rai và Nhân Cơ dù đang thử nghiệm song vẫn có cơ sở tin cậy” – ông Quân lạc quan.

Cũng theo vị lãnh đạo này, hiện chúng ta mới chỉ thấy hiệu quả kinh tế của chủ đầu tư chứ chưa thấy hiệu quả lan tỏa của toàn dự án này (Tân Rai): khoản thuế cho nhà nước, tạo công ăn việc làm và phát triển dịch vụ quanh vùng nhà máy.

 Ông Quân khẳng định, quan điểm xuyên suốt trong phát triển ngành bauxite sắp tới là thận trọng từ thử nghiệm đến quy mô lớn, quy mô công nghiệp, đảm bảo được hiệu quả tổng thể cả về kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng..

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo từ nay đến 2015 sẽ chỉ đưa vào nghiên cứu thử nghiệm và hoàn thiện 2 dự án này. Cho đến 2020 khi có kết quả thử nghiệm và có điều kiện về vận tải, cơ sở hạ tầng cho phép thì sẽ nhân đôi 2 dự án, chưa tính đến xây dựng dự án khác.

Sau 2020, nếu đã đầu tư được hệ thống đường sắt và hạ tầng đảm bảo, việc thử nghiệm kinh doanh có kết quả tốt mới tính đến đầu tư xây dựng dự án alumin khác có quy mô công nghiệp từ 2-3 triệu tấn/năm.

 Vinacomin tự chịu trách nhiệm

Lãnh đạo Bộ Công thương cho hay, theo quy định về đầu tư xây dựng cơ bản, 2 dự án bauxit không phải là các dự án quan trọng quốc gia, cũng không sử dụng ngân sách. Vì vậy, Chính phủ chỉ thông qua chủ đầu tư, còn việc xây dựng, thẩm định dự án, chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, do dự án bauxite có tính chất nhạy cảm và Vinacomin cũng là tập đoàn nhà nước nên Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương thành lập Hội đồng thẩm định kiểm tra lại hiệu quả dự án Nhân cơ (chứ không phải Tân Rai) để Thủ tướng xem xét có nên khởi công dự án Nhân Cơ hay không.

Bộ Công thương đã thành lập Hội đồng thẩm định với 40 người, ngoài đại diện các bộ ngành liên quan thì đã mời các chuyên gia đầu ngành về bauxite, mời các cơ quan phản biện như Viện kinh tế Bộ xây dựng chuyên kiểm tra về tổng mức đầu tư, hiệu quả kinh tế, thẩm tra cả dự án này để trình Hội đồng xem xét.

Kết quả thẩm đinh với dự án Nhân Cơ đã được trình lên Chính phủ. Tại thời điểm thẩm định thì dự án có hiệu quả. “Tuy vậy đến thời điểm hiện nay, dự án Nhân Cơ cũng như dự án Tân Rai có rủi ro lớn với những nguyên nhân đã đề cập” – ông Quân nói.

Ông cho biết, Vinacomin đã hoàn thiện tiếp việc thẩm tra hiệu quả tổng thể về kinh tế xã hội và Bộ Công thương sẽ trình lên Chính phủ. Chính phủ cũng sẽ cũng có những cuộc họp chuyên đề để đánh giá lại hiệu quả 2 dự án, từ đó có những quyết định và điều chỉnh thích hợp, giúp dự án hoạt động có hiệu quả.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm