Mercedes-Benz Việt Nam ra sao khi TPHCM đề xuất thuê đất không qua đấu giá?

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Công ty Mercedes-Benz Việt Nam là liên doanh giữa Samco - doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước và Mercedes-Benz AG Group.

Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM có văn bản kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cho Công ty Mercedes-Benz Việt Nam được thuê đất tại quận Gò Vấp thêm 5 năm mà không cần thông qua thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Khu đất thuê tại số 693 đường Quang Trung, phường 8, quận Gò Vấp, TPHCM), có diện tích 105.000m2.

Công ty TNHH Mercedes-Benz Việt Nam là liên doanh giữa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV) và nhà đầu tư nước ngoài (Mercedes-Benz AG Group - pháp nhân được thành lập tại Cộng hòa Liên bang Đức).

Trong đó, doanh nghiệp Việt góp vốn bằng quyền sử dụng 105.000m2 đất nêu trên trong 25 năm 3 tháng. Thời hạn hoạt động của dự án là 30 năm, hết hạn vào ngày 14/4/2025. Công ty đề nghị tiếp tục gia hạn thời gian thuê đất (trả tiền thuê đất hàng năm) trong thời gian 5 năm.

Mercedes-Benz Việt Nam ra sao khi TPHCM đề xuất thuê đất không qua đấu giá? - 1

Bên trong nhà máy lắp ráp xe của Mercedes-Benz Việt Nam (Ảnh: Mercedes-Benz Việt Nam).

Theo báo cáo của TPHCM, Mercedes-Benz Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao, sử dụng nhiều lao động, đóng góp lớn cho ngân sách. Giai đoạn 2017-2021, bình quân mỗi năm, công ty nộp ngân sách hơn 5.500 tỷ đồng. Công ty này đang giải quyết việc làm cho khoảng 800 người lao động.

Theo giới thiệu trên website của Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV (Samco) - cổ đông Nhà nước tham gia góp vốn trong liên doanh, Mercedes-Benz Việt Nam có công suất 4.000 xe/năm. Công ty này bán và sản xuất ra thị trường Việt Nam các loại xe du lịch 5 chỗ, xe mini-bus 16 chỗ, xe bus nội thành và xe bus du lịch.

Trên báo cáo tài chính quý II năm nay, Samco ghi nhận sở hữu 30% vốn tại Mercedes-Benz Việt Nam. Giá trị khoản đầu tư này tại ngày 30/6 là hơn 928 tỷ đồng, giảm khoảng 30 tỷ đồng so với đầu năm.

Về phía Samco, doanh nghiệp được thành lập từ năm 2004, vốn điều lệ hiện tại đạt gần 1.797 tỷ đồng. Công ty hoạt động đa ngành trong mảng thương mại và sản xuất, trong đó ngành chính là sản xuất các sản phẩm cơ khí giao thông, vận tải và cung cấp dịch vụ về giao thông, vận tải. Samco đã được Chính phủ quy hoạch là một trong 4 tổng công ty đảm nhiệm vai trò nòng cốt phát triển ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam.

Samco có 9 công ty con, trong đó quản lý và khai thác Công ty TNHH MTV Bến xe Miền Đông, Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây. Ngoài ra, doanh nghiệp còn có các công ty con trong lĩnh vực vận tải biển, cảng biển như Công ty cổ phần Vận tải biển Sài Gòn, Công ty cổ phần Bến bãi Vận tải Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé...

Năm 2023, Samco đạt doanh thu gần 4.078 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 35 tỷ đồng, giảm lần lượt 29% và 94% so với năm trước. Nguyên nhân giảm sút đến từ phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết sụt giảm. Năm 2023, công ty ghi nhận lỗ gần 29 tỷ đồng từ công ty liên doanh, liên kết trong khi năm trước lãi gần 513 tỷ đồng.

Nửa đầu năm nay, công ty ghi nhận doanh thu gần 1.853 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 56 tỷ đồng. Phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết là hơn 29 tỷ đồng.