Công ty dệt may giảm 4.000 nhân viên ra sao khi rẽ hướng làm bất động sản?

Khổng Chiêm

(Dân trí) - Garmex Sài Gòn gặp khó khăn với ngành dệt may nên chuyển hướng, tăng vốn đầu tư vào công ty bất động sản và thanh lý nhiều tài sản khác nhau.

Tăng vốn đầu tư cho công ty bất động sản

Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn (mã chứng khoán: GMC) - doanh nghiệp may mặc nổi tiếng tại TPHCM với hơn 20 năm hoạt động - đã cắt giảm khoảng 4.000 nhân viên trong 2 năm 2022-2023. Tính đến 31/3, doanh nghiệp này còn 34 nhân viên.

Theo tài liệu cuộc họp đại hội cổ đông sắp tới, Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty cho biết gặp nhiều khó khăn do không có đơn hàng nên tạm ngừng sản xuất, kinh doanh chính từ tháng 5/2023 đến nay để giảm thiểu thiệt hại. Từ đó, công ty chọn đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh, bao gồm mảng bất động sản.

Garmex Sài Gòn đã đầu tư góp vốn vào Công ty cổ phần Phú Mỹ, sở hữu tỷ lệ 32,47% vốn tại ngày 31/12/2023. Tổng số vốn góp tương đương hơn 23,9 tỷ đồng, tăng hơn 19 tỷ đồng trong năm 2023.

Công ty Phú Mỹ đang thực hiện 2 dự án là Khu nhà ở thương mại Phú Mỹ và Khu nhà ở thương mại Tân Mỹ. Dự án nhà ở thương mại Phú Mỹ đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng nên Garmex Sài Gòn kỳ vọng có thể sớm tạo nguồn thu.

Riêng với dự án Tân Mỹ, Garmex Sài Gòn dẫn báo cáo của Công ty Phú Mỹ cho biết, dự án này sắp hết thời hạn được cấp phép xây dựng (đến tháng 9/2024). Để tránh ảnh hưởng đến lợi ích của Garmex Sài Gòn tại công ty Phú Mỹ do dự án bị ngừng triển khai, ngày 14/4, Ban kiểm soát đã gửi ý kiến, kiến nghị lên HĐQT Garmex Sài Gòn có biện pháp quyết liệt để thúc đẩy công ty Phú Mỹ tháo gỡ các nút thắt, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án.

HĐQT định hướng ngành may vẫn là ngành nghề kinh doanh chính của Garmex. Tuy nhiên, tình hình ngành may vẫn khó khăn về đơn hàng, các điều kiện về xanh hóa ngành may vẫn chưa chuyển đổi kịp. Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu đầu tư các ngành mới theo xu thế để phát triển công ty trong trung và dài hạn.

Năm nay, theo kế hoạch HĐQT trình cổ đông, Garmex đặt mục tiêu doanh thu gần 50,5 tỷ đồng. Thu nhập khác 156 tỷ đồng, giúp đem về lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng.

Trong khi đó, năm 2023, công ty chỉ đạt doanh thu hơn 8 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế âm hơn 44,5 tỷ đồng. Năm thứ 2 liên tiếp, doanh nghiệp đã thua lỗ dù trước đó có nhiều giai đoạn phát triển rực rỡ.

Thanh lý tài sản bất động sản nhưng không thành

Để khắc phục khó khăn của ngành dệt may, Garmex Sài Gòn đã sớm lên phương án bán tài sản. Từ năm 2023, công ty đã bán thanh lý một số máy móc thiết bị hư hỏng theo hình thức chào giá cạnh tranh. Ngoài ra, công ty cũng đấu giá thêm ô tô, xe tải, máy thêu, máy giặt, máy sấy công nghiệp.

Công ty dệt may giảm 4.000 nhân viên ra sao khi rẽ hướng làm bất động sản? - 1

Thửa đất 2,6ha tại cụm công nghiệp Hà Lam, Quảng Nam của Garmex Sài Gòn được bán đấu giá không thành công (Ảnh: Minh Pháp).

Đối với tài sản là bất động sản, Garmex Sài Gòn cũng lên kế hoạch chuyển nhượng. Hồi đầu năm nay, công ty có kế hoạch chuyển nhượng thửa đất hơn 5ha tại xã Hắc Dịch, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thửa đất 2,6ha tại cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.

Tuy nhiên, việc chuyển nhượng không được thuận lợi như kế hoạch. Đối với khu đất 2,6ha đã kể trên, công ty dự kiến bán với giá khởi điểm 156 tỷ đồng nhưng bất thành. Vì vậy, tài sản lại được tiếp tục đem ra đấu giá lần 2 giá khởi điểm giữ nguyên so với lần đầu. Thời gian tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá chậm nhất đến 17h ngày 18/6.