Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự hỗ trợ được gì?

(Dân trí) - Những người làm Luật tiếp cận, đi theo nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó phân tích và đánh giá sự mong đợi, cái thiếu và yếu của doanh nghiệp để hỗ trợ, chứ không lấy tiền đưa cho từng doanh nghiệp.

Đó là khẳng định của ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong cuộc Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa” diễn ra sáng nay (6/6) tại Hà Nội.


Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Đi vào một số lợi ích cụ thể của Luật, ông Đông cho biết: “Nếu xảy ra tranh chấp pháp lý, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) không thể có cơ hội để giành được phần thắng trước các DN lớn, khi ra trước tòa án hay trọng tài. Vì thế việc hỗ trợ pháp lý trong tố tụng, tư vấn rất quan trọng và những nội dung đó đã được thể hiện trong dự thảo luật hỗ trợ DNNVV.”

“Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp (DN) lớn có tiềm lực tài chính, họ có thể thuê tư vấn đánh giá khảo sát thị trường quốc tế, nhưng với các DN vừa và nhỏ thì Nhà nước phải làm.”, ông Đông cho biết thêm.

Thứ trưởng nêu ví dụ: “Như quả vải thiều lục ngạn, người nông dân trồng rất nhiều nhưng họ không xác định được nhu cầu của thị trường là như thế nào. Nhà nước sẽ có nhiệm vụ khảo sát thị trường ở các nước trên thế giới, xem nước nào cũng trồng vải và nước nào có sản phẩm cạnh tranh đúng mùa vụ với mình, câu chuyện cũng sẽ tương tự với các sản phẩm khác.”

Bên cạnh đó, Dự thảo lần này đã nhận diện và giới hạn được các biện pháp hỗ trợ DNNVV ở 7 biện pháp hỗ trợ chung (tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực) và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu (chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết).

Tại buổi tọa đàm, một nội dung rất quan trọng gây nhiều tranh cãi trong dự thảo Luật đưa ra là về hỗ trợ tín dụng, được ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DNNVV chia sẻ: “Về lý thuyết, dường như hiện nay luật mới chỉ điều chỉnh DN phù hợp với ngân hàng, mà chưa điều chỉnh ngân hàng phù hợp với DN.”

“Hiện nay các chuẩn của ngân hàng đưa ra rất cao và chặt chẽ. Nếu đưa ra một quy định mới với các ngân hàng về tỷ lệ bắt buộc cho tổng mức dư nợ tín dụng của khu vực DNNVV sẽ rất khó. Bởi, ngân hàng cũng là DN, vì thế khó khăn này sẽ buộc các ngân hàng phải tính toán”, ông Nam nói.

Khó khăn là vậy, nhưng ông Nam cho rằng: “Tuy ngân hàng cũng là doanh nghiệp, nhưng cũng đang được hưởng đặc quyền rất lớn từ chính sách. Do vậy, ngân hàng cũng nên có trách nhiệm hơn với cộng đồng DN.”

Cùng trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Đặng Huy Đông khẳng định: “Chính sách chỉ khuyến khích các ngân hàng cố gắng đạt tối thiểu 30% dư nợ tín dụng trong hệ thống của mình, chứ không hề ép buộc như một số người nói.”

“Các ngân hàng là nhóm DN đặc thù, quyền của họ là được huy động vốn của xã hội. Với tỉ lệ 97% số DN là DNNVV thì ngoài việc đóng thuế, các DNNVV còn là nơi tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, góp phần ổn định trật tự xã hội, vậy nên, không có lý do gì để không hỗ trợ khối DN này”, ông Đông nói.

Về mục tiêu đến năm 2020 có 1 triệu DN hoạt động hiệu quả đã được Chính phủ đặt ra, ông Nguyễn Văn Phúc, chuyên gia kinh tế - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội thống kê: “Nếu chỉ đơn thuần chạy theo số lượng thì mục tiêu nói trên là khả thi, tuy nhiên điều quan trọng là tỉ lệ DN hoạt động ổn định sau thành lập.”

“Trong 5 tháng đầu năm đã có 50.500 DN được thành lập mới, ước tính đến cuối năm sẽ có hơn 100.000 DN được thành lập mới. Nhưng tính riêng 4 tháng đầu năm 2017, số DN “giã từ” thị trường là 27.400, tăng 9% so với cùng kỳ 2016”, ông Phúc nói.

Tuy nhiên, các khách mời cho rằng, việc giải thể hay thành lập mới là chuyện hết sức bình thường, giống như quy luật tự nhiên có sống có chết. Chỉ cần hiệu số của các DN thành lập mới với các DN giải thể càng ngày càng lớn thì vẫn chứng tỏ thị trường có sức hút.

Thế Hưng