Doanh nghiệp “chê tơi tả” dự Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa
(Dân trí) - Các doanh nghiệp cho rằng, với dự thảo hiện tại, những biện pháp hỗ trợ DNNVV thực chất mới chỉ dừng lại ở việc nêu tên biện pháp là chủ yếu, thiếu hoàn toàn các nguyên tắc về tiêu chí, điều kiện hay mô hình vận hành.
Tổng hợp ý kiến của các doanh nghiệp (DN) góp ý cho dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, giữa bối cảnh 97-98% các DN Việt Nam là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa thì đây là một đạo luật đặc biệt quan trọng đối với tương lai của các DNNVV cũng như triển vọng chung của nền kinh tế.
Tuy nhiên, qua rà soát dự thảo (phiên bản gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội tháng 3/2017) cho thấy, các nội dung của dự thảo hầu như chưa đáp ứng được các yêu cầu cốt lõi trên, gây quan ngại sâu sắc cho cộng đồng DN về tính hiệu quả và khả thi của dự luật này nếu được thông qua.
Giới kinh doanh đánh giá, so với các dự thảo trước đây, dự thảo lần này đã thành công trong việc nhận diện và giới hạn các biện pháp hỗ trợ DNNVV ở 7 biện pháp hỗ trợ chung (tín dụng, thuế, mặt bằng, công nghệ, thị trường, thông tin, nhân lực) và 3 nhóm biện pháp hỗ trợ mục tiêu (chuyển đổi hộ kinh doanh, khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi liên kết).
Tuy nhiên, vấn đề là ở chỗ ngoài việc nhận diện này ra, dự thảo dường như chưa có các quy định cụ thể về các nguyên tắc, đối tượng, cách thức, điều kiện thực hiện các biện pháp này. Một số trường hợp có quy định về biện pháp hỗ trợ thì hoặc là chỉ dẫn chiếu tới pháp luật khác hiện đang có hiệu lực, không có gì mới, cũng không có gì ưu tiên cho DNNVV, hoặc là quá chung chung, hoặc là không khả thi.
Lý ví dụ, khi đề cập đến quỹ bảo lãnh tín dụng, dự thảo nêu tổ chức này là “tổ chức tài chính” có “chức năng bảo lãnh tín dụng” mà không có quy định nào về tính chất pháp lý của tổ chức này: Có phải tổ chức tài chính nằm trong phạm vi áp dụng của Luật các tổ chức tín dụng không? Nếu không thì nằm ở đâu? Nếu có thì tổ chức này là tư nhân hay Nhà nước? Nếu kinh doanh thì việc bảo lãnh thua lỗ ai chịu trách nhiệm? Tiền dùng để bảo lãnh cho DNNVV lấy từ đâu? DNNVV nào sẽ được hưởng bảo lãnh?...
Quy định về "biện pháp hỗ trợ thuế" nêu tại dự thảo, song một loạt các vẫn đề cốt lõi về cơ chế hỗ trợ thì lại chưa được đề cập: Mức thuế suất thấp hơn là thấp hơn bao nhiêu? Một mức thấp hơn hay nhiều mức thấp hơn khác nhau? Đối tượng được hưởng phải đáp ứng các điều kiện nào hay cứ là DNNVV là được hưởng?...
Hơn nữa, VCCI cũng dẫn ý kiến phía DN lưu ý rằng, hỗ trợ thuế mang lại lợi ích vật chất trực tiếp cho DNNVV nhưng cũng đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn thu ngân sách Nhà nước (đặc biệt khi số lượng các DNNVV chiếm tới 97-98% tổng số DN có đăng ký). Do đó, theo VCCI, Quốc hội có thẩm quyền quyết định mức thuế thu nhập DN, vì vậy Quốc hội cần quyết định về mức ưu đãi này, đồng thời cũng cần lường trước các hệ quả và giải pháp xử lý vấn đề thiếu hụt ngân sách từ biện pháp này.
Tương tự với các quy định về biện pháp hỗ trợ nguồn nhân lực, khi mà dự thảo đề cập rất nhiều hình thức hỗ trợ đào tạo và không có giới hạn về đối tượng DNNVV được phép tiếp cận hỗ trợ, dự kiến chi phí hỗ trợ này sẽ là rất lớn, bản thân các DN cũng đặt câu hỏi: Vậy nguồn lực để Nhà nước thực hiện các hỗ trợ này đã được tính đến chưa?
Như vậy, theo đánh giá của cộng đồng DN nói chung, với dự thảo hiện tại, các biện pháp hỗ trợ DNNVV được cộng đồng DN trông chờ thực chất mới chỉ dừng lại ở việc nêu tên biện pháp là chủ yếu, thiếu hoàn toàn các nguyên tắc về tiêu chí, điều kiện hay mô hình vận hành.
Điều này không chỉ khiến luật thành luật khung, luật ống, mà theo VCCI, còn khiến Chính phủ không có định hướng, căn cứ cụ thể để ban hành các văn bản hướng dẫn. Kỳ vọng của DNNVV về các biện pháp hỗ trợ hiệu quả, khả thi từ luật này có lẽ càng khó hiện thực.
Bích Diệp