Doanh nghiệp nhỏ có chỗ "bấu víu" khi không tiếp cận được vốn ngân hàng

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, thông qua bảo lãnh tín dụng, các DNNVV, nhất là các DN siêu nhỏ có nhu cầu vay vốn, có khả năng phát triển nhưng không đủ điều kiện về tài sản bảo đảm có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết từ ngân hàng thương mại.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV (Ảnh: VGP)
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV (Ảnh: VGP)

Bảo lãnh tín dụng: Nghiệp vụ ngân hàng rất quan trọng

Thông tin từ Văn phòng Chính phủ cho biết, ngày 13/12, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho hoạt động bảo lãnh tín dụng (BLTD) cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV).

Đánh giá về vai trò của BLTD, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, đây là nghiệp vụ ngân hàng rất quan trọng trong bối cảnh ngân sách Nhà nước khó khăn, chưa có nguồn lực hỗ trợ nhiều được cho cộng đồng DNNVV. Thông qua BLTD, các DNNVV, nhất là các DN siêu nhỏ có nhu cầu vay vốn, có khả năng phát triển nhưng không đủ điều kiện về tài sản bảo đảm có thể tiếp cận được nguồn vốn cần thiết từ ngân hàng thương mại.

Do đó, cần phải có quyết sách để thực hiện hiệu quả cơ chế BLTD cho DNNVV nhằm thực hiện tốt Nghị quyết số 35 của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, chỉ đạo Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) đánh giá tình hình thực hiện Quyết định số 03/2011/QĐ-TTg về quy chế bảo lãnh cho DNNVV vay vốn ngân hàng thương mại, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện các cơ chế, chức năng về BLTD, nhất là việc xử lý những tồn đọng trong BLTD tại VDB.

Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương đánh giá việc thực hiện Quyết định số 58/2013/QĐ-TTg về quy chế thành lập, tổ chức, hoạt động của quỹ BLTD cho DNNVV tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chủ trì với các bộ khác dự thảo Nghị định quy chế BLTD cho DNNVV song song với tiến trình sửa đổi, bổ sung dự án Luật DNNVV đang được Quốc hội cho ý kiến, vì BLTD cũng là một nội dung quan trọng trong dự thảo Luật.

Không hỗ trợ các doanh nghiệp "chiến bại"

Về mô hình hoạt động của quỹ BLTD, Phó Thủ tướng đề nghị tiếp tục bám sát các quy định tại Quyết định số 58. Tuy nhiên, nguồn hình thành quỹ bước đầu lấy từ ngân sách Nhà nước và cấp bổ sung, từ tiền lãi gửi, tiền phí bảo lãnh thu được, chênh lệch thu chi, vốn tài trợ hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, bao gồm cả ODA phục vụ phát triển DNNVV.

Theo Phó Thủ tướng, quỹ này sẽ hướng tới BLTD cho DNNVV, siêu nhỏ không đủ sức tiếp cận nguồn lực từ ngân hàng, nhất là các quy định về tài sản thế chấp, tài sản bảo đảm, nhưng lại có phương án kinh doanh tốt.

Đồng thời, Phó Thủ tướng giao các bộ đặt ra tiêu chí xác định đối tượng rõ ràng để có thể “hỗ trợ các DN chiến thắng, chứ không hỗ trợ các DN chiến bại”.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng Nghị định về cơ chế tổ chức, điều hành, cơ chế BLTD theo hướng bảo lãnh toàn bộ nhu cầu vay, không đặt vấn đề phải có tài sản bảo đảm như yêu cầu vay vốn tại NHTM, không hủy ngang bảo lãnh và có mức thu phí bảo lãnh phù hợp.

Các cơ quan liên quan phối hợp nghiên cứu xác định mối quan hệ 3 bên quỹ BLTD, ngân hàng thương mại và DNNVV theo nguyên tắc thị trường, các quy định của luật pháp, nhưng vẫn đảm bảo thủ tục thuận lợi cho DNNVV và quy định trách nhiệm cuối cùng cho quỹ BLTD.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu dự thảo Nghị định nhấn mạnh việc thực hiện đồng bộ các giải pháp chia sẻ rủi ro cho BLTD là trích lập dự phòng rủi ro, bảo đảm có sự tham gia của bảo hiểm vào hoạt động này.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm