Làn sóng giảm giá ô tô: Hãng xe và người tiêu dùng chơi trò kéo co

Chỉ còn hơn một tháng nữa là "cánh cửa" thời gian năm 2018 sẽ chính thức mở ra. Phía sau cánh cửa đầy lo lắng và cũng nhiều chờ đợi đó, có lẽ là không ít cơ hội và cả thách thức cho ngành ôtô Việt Nam.

Bộ ba chính sách mới

Mốc thời gian năm 2018 bắt đầu được nhắc đến với mật độ dày đặc trong năm 2017. Lý do là lộ trình giảm thuế suất thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước Đông Nam Á xuống mức 0% theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đã đến rất gần.

Nhìn về ATIGA, người tiêu dùng bắt đầu kìm nén nhu cầu mua sắm để quyết tâm chờ đợi cơ hội mua xe nhập khẩu giá thấp kể từ ngày 1/1/2018. Tâm lý này như một lực cản đã và đang khiến cho sức mua ôtô không thể tăng trưởng.

Đối phó với sự "lì lợm" về tâm lý tiêu dùng là trạng thái trái ngược của các hãng ôtô. Ngoại trừ các hãng xe hạng sang vốn không chịu nhiều ảnh hưởng từ ATIGA, hầu hết các hãng xe phổ thông đều tỏ ra sốt sắng trong mục tiêu kích cầu. Kết quả là một cơn bão giảm giá chưa từng có đã diễn ra và ngày càng mạnh về cuối năm.

Vấn đề ở chỗ, dù giá đã giảm rất nhiều và mặt bằng giá bán lẻ các loại ôtô phổ thông được nhận định là đã ngang bằng với khu vực, thị trường ôtô vẫn chưa thể thoát khỏi cảnh ảm đạm.

Trò kéo co mà các hãng xe với người tiêu dùng đang chơi với nhau, một mặt đang gây nên sự bất ổn trên thị trường và cho ngành công nghiệp ôtô trong nước, một mặt lại khiến nguồn thu ngân sách từ thuế sụt giảm.

Năm ngoái, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã dự báo thị trường ôtô năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 10%. Nhưng thực tế, cũng theo số liệu của VAMA, tổng sản lượng bán hàng ôtô cộng dồn trên toàn thị trường 10 tháng năm 2017 cũng chỉ đạt 220.121 chiếc, giảm 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khi trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa 14 đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đánh giá lộ trình cắt giảm thuế nhập khẩu ôtô đã, đang và sẽ ảnh hưởng rất lớn đến công ăn việc làm, kể cả thu ngân sách.

Bởi vậy, Nghị định 116 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu linh kiện và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô vừa được Chính phủ ban hành hồi tháng 10 được xem như một hàng rào kỹ thuật để "kiềm chế" viễn cảnh các loại xe nhập khẩu nguyên chiếc, nhất là ôtô từ các nước Đông Nam Á, ồ ạt vào Việt Nam kể từ năm 2018.

Giữa hai dòng chảy ngược xuôi của chính sách với với ôtô nhập khẩu, một dòng chảy thứ ba đối với ôtô sản xuất trong nước cũng giữ vai trò quan trọng, đặc biệt là khi đặt trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang nỗ lực thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô.


Các cam kết quốc tế với lộ trình cắt giảm thuế quan đang ngày càng mở rộng đường vào thị trường Việt Nam cho các loại ôtô nhập khẩu.

Các cam kết quốc tế với lộ trình cắt giảm thuế quan đang ngày càng mở rộng đường vào thị trường Việt Nam cho các loại ôtô nhập khẩu.

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 122 về biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Điểm mấu chốt ở nghị định này sau khi được Chính phủ ban hành là giảm thuế suất thuế nhập khẩu các loại linh kiện ôtô và trong nước chưa sản xuất được xuống còn 0%.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, "mục tiêu của giải pháp này là kích thích sản xuất trong nước, qua đó hỗ trợ cho thị trường ôtô trong nước tăng trưởng, duy trì được sản xuất và sức cạnh tranh. Đồng thời, chúng ta sẽ đảm bảo cơ cấu lại ngân sách trong việc cắt giảm thuế quan, thuế nhập khẩu và tăng thuế thu nội địa".

Có thể coi hai nghị định mới (một đã ban hành và một chuẩn bị ban hành) của Chính phủ như những giải pháp nhằm "khắc chế" dòng chảy ngày càng mạnh của thị trường ôtô nhập khẩu. Dòng chảy này mang lợi thế không nhỏ từ lộ trình cắt giảm thuế quan tại các cam kết quốc tế, bao gồm cả ATIGA, các hiệp định FTA của khối ASEAN hay WTO.

Khi cả ba con sông với những hình thái khác nhau cùng đổ về một bể thì bể được coi như thị trường ôtô và ngành công nghiệp ôtô được dự báo sẽ khó bề phẳng lặng.

Khó một đôi, thuận cả hai

Thuế suất 0% chắc chắn sẽ trở thành một lực đẩy mạnh mẽ cho cuộc du nhập ồ ạt của các loại ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia. Trên thực tế, không cần chờ đến năm 2018 khi thuế suất chính thức về 0%, tỷ lệ ôtô nhập khẩu từ các nước nội khối ASEAN cũng đã tăng trưởng rất mạnh.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, cộng dồn 10 tháng năm 2017, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 72.446 ôtô nguyên chiếc, đạt giá trị kim ngạch hơn 1,3 tỷ USD.

Đáng chú ý, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ hai nước nội khối ASEAN là Thái Lan và Indonesia trong cùng giai đoạn này đã đạt trên 45.000 chiếc, chiếm đến 62%; giá trị kim ngạch nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ Thái Lan và Indonesia trong 10 tháng cũng đạt hơn 815 triệu USD, chiếm 61%.

Rõ ràng, các cam kết quốc tế với lộ trình cắt giảm thuế quan đang ngày càng mở rộng đường vào thị trường Việt Nam cho các loại ôtô nhập khẩu. Tình thế này đương nhiên gây sức ép mạnh mẽ lên ngành công nghiệp ôtô trong nước. Vì vậy, có thể xem Nghị định 116 được Chính phủ ban hành mới đây như một giải pháp để cân bằng hơn giữa hai nhóm xe nhập khẩu (CBU) và lắp ráp trong nước (CKD).

Trong một loạt các hàng rào kỹ thuật được dựng lên từ Nghị định 116 thì hàng rào gây "khó chịu" nhất với các đơn vị nhập khẩu ôtô là quy định mỗi lô hàng nhập khẩu với cùng một loại xe đều phải thực hiện hoạt động kiểm định ngẫu nhiên trên một chiếc xe. Theo các doanh nghiệp nhập khẩu ôtô, quy định này sẽ khiến hoạt động kinh doanh bị chậm trễ hằng tháng trời, đồng thời cũng gây nên những tốn kém không nhỏ về tài chính và đẩy giá bán xe tăng lên.


Các hãng xe nỗ lực đầu tư sản xuất trong nước sẽ có cơ hội xuất khẩu ôtô ra thị trường Đông Nam Á với thuế suất 0%.

Các hãng xe nỗ lực đầu tư sản xuất trong nước sẽ có cơ hội xuất khẩu ôtô ra thị trường Đông Nam Á với thuế suất 0%.

Tuy vậy, Nghị định 116 cũng chỉ xem như một hàng rào kỹ thuật được dựng lên để làm chậm lại tốc độ tăng trưởng của ôtô nhập khẩu. Để trợ giúp ngành công nghiệp ôtô trong nước, dự kiến sắp tới Chính phủ sẽ ban hành tiếp một nghị định mới.

Trong đó, đáng chú ý là tại biểu thuế nhập khẩu ưu đãi kèm theo, thuế suất thuế nhập khẩu các loại linh kiện (và có thể là cả cụm linh kiện) ôtô mà trong nước chưa sản xuất được sẽ giảm về 0% trong vòng 5 năm.

Việc giảm thuế nhập khẩu linh kiện về 0% cùng thời điểm với thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc 0% từ các nước ASEAN, dù chỉ kéo dài trong 5 năm song theo các chuyên gia, cũng đủ để các nhà sản xuất ôtô trong nước kịp tăng trưởng để đối phó với ôtô nhập khẩu.

Đó rõ ràng là một thuận lợi không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất ôtô trong nước. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý nghị định mới sẽ không hoàn toàn "bảo hộ" ôtô CKD mà chỉ các hãng xe thực sự nỗ lực trong hoạt động sản xuất mới có thể được hưởng.

Bởi lẽ, theo đề xuất của Bộ Tài chính, để được hưởng thuế nhập khẩu linh kiện 0%, các hãng xe phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó có yêu cầu về các mức sản lượng tối thiểu và tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu của từng loại xe.

Giống như hiệp định ATIGA, khi con đường rộng mở cho các loại xe nhập khẩu Đông Nam Á thì đó cũng là cơ hội để một số hãng xe trong nước xuất khẩu ngược thị trường này cũng bằng thuế suất 0%.

Có thể thấy, cả ba chính sách điều chỉnh trực tiếp lên thị trường ôtô và ngành công nghiệp ôtô Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 đều mang theo cả những thuận lợi lẫn khó khăn. Khi đi vào hiệu lực, bộ ba chính sách này sẽ như một bộ lọc mà các hãng xe thực sự tâm huyết, thực sự đủ sức bật để vượt qua sẽ phát triển mạnh mẽ.

Theo Đức Thọ
VnEconomy