Thuế nhập linh kiện ô tô về 0%, năm 2018 xe lắp ráp sẽ giảm giá sâu?
(Dân trí) - Chính phủ vừa ban hành Nghị định 125/2017 về sửa đổi thuế đối với một số mặt hàng, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện ô tô xuống 0% trong vòng 5 năm (2018 - 2022) đối với dòng xe có dung tích xi lanh 2.000 cc (xe 2.0L).
Theo quy định, sẽ có 30 loại linh kiện, bộ và cụm linh kiện ô tô dung tích dưới 2.000 cc, mã số hải quan từ 98.49.10 đến mã 98.49.40 sẽ được bỏ thuế suất thuế nhập khẩu linh kiện.
Nghị định 125 cũng nêu rõ, thuế suất thuế nhập khẩu 0% chỉ áp dụng đối với linh kiện xe du lịch 9 chỗ ngồi trở xuống có dung tích xi lanh dưới 2.000cc trở xuống, còn đối với xe chở người từ 9 chỗ trở xuống loại dung tích xi lanh từ 2.500cc xuống 2.000cc áp thuế theo nhóm 87.03, nhóm thuế theo quy định của WTO và MFN (tối đa 70%, tối thiểu 14%).
Để được hưởng thuế suất nhập linh kiện 0% doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng các quy định về sản lượng chung tối thiểu và sản lượng riêng từng loại xe. Trong đó, Nghị định 125 đã cụ thể hóa chính sách thuế nhập khẩu linh kiện mà Bộ Tài chính tháng 8/2017 gửi Chính phủ.
Cụ thể, tại dự thảo công văn Chính sách thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô giai đoạn 2018-2020 Bộ Tài chính gửi Chính phủ tháng 8/2017: DN muốn được hưởng mức thuế 0% - 7% phải có sản lượng chung cho toàn xe dung tích 2.000 cc và sản lượng riêng tối thiểu cho từng mẫu xe.
Tiêu chí xác định là: Xe có dung tích từ 2.000 cc trở xuống, tiêu hao nhiên liệu dưới 7 lít/100 km; tiêu chuẩn khí thải mức Euro 4 (giai đoạn 2018-2021) và năm 2022 là tiêu chuẩn khí thải mức Euro 5.
Cụ thể, sản lượng chung tối thiểu năm 2018 là 34.000 chiếc; năm 2019, phải đạt 40.000 xe, năm 2020 là 46.000 chiếc, năm 2021 là 53.000 chiếc và năm 2022 là 61.000 chiếc/năm. Tổng giai đoạn 2018 - 2022 là hơn 234.000 chiếc.
Còn đối với sản lượng riêng của từng loại xe, Bộ Tài chính quy định cả sản lượng và tỷ lệ nội địa hóa bắt buộc.
Năm 2018, phải đạt 20.000 chiếc, tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 20%; năm 2019, sản lượng riêng là 23.000 chiếc, tỷ lệ nội địa hóa 25%; năm 2020, sản lượng riêng 27.000 chiếc và tỷ lệ nội địa hóa 30%; năm 2021, sản lượng riêng 31.000 chiếc, tỷ lệ nội địa hóa 35%; năm 2022, sản lượng 36.000 chiếc và tỷ lệ nội địa hóa 40%. Tổng sản lượng tối thiểu và tỷ lệ nội địa hóa của giai đoạn 2018 - 2022 là 137.000 chiếc và 40%.
Như vậy, sản lượng tăng lần lượt từ 3.000 chiếc, lên 4.000 chiếc và 5.000 chiếc sau 5 năm, trong khi đó tỷ lệ nội địa hóa yêu cầu mỗi năm tăng thêm 5%, từ 20% năm 2018 đạt mức 40% trong năm cuối của chương trình ưu đãi thuế.
Theo công văn của Bộ Tài chính, trường hợp sau 05 năm người khai hải quan không đạt được đủ tổng sản lượng chung, tổng sản lượng riêng và nội địa hóa 40% của mẫu xe cam kết tính đến ngày 31/12/2022, hải quan sẽ thu đủ số thuế nhập khẩu cho các tờ khai hàng hóa nhập khẩu đã được tính thuế theo mức thuế suất MFN của nhóm 98.48 trong thời gian 05 năm 2018-2022...
Với chính sách trên, trong thời gian tới, các loại xe dung tích nhỏ sẽ được ưu tiên về giá nhập linh kiện, giá có thể rẻ đi, trong khi đó các loại xe có dung tích lớn sẽ không được giảm giá nhập linh kiện, điều này đồng nghĩa phân khúc ô tô mà Chính phủ đang muốn ưu tiên là phân khúc xe xi lanh cỡ nhỏ, nhưng tuân thủ quy định về tiêu chuẩn khí thải Euro 4 và 5, điều này phù hợp với trình độ phát triển của thị trường xe hơi Việt Nam cũng như tạo điều kiện nội địa hóa linh kiện.
Như vậy, có thể nói chính sách giảm thuế nhập khẩu hiện đi kèm với việc nội địa hóa khiến chính sách không cào bằng. Tuy nhiên, cũng có nhiều lo ngại về việc DN đủ lượng xe cung ứng nhưng không đạt tỷ lệ nội địa hóa 40%, bởi nhiều loại xe tiêu thụ trong nước hiện mới chỉ dừng lại tỷ lệ nội địa hóa từ 10 - 15%, trong đó chủ yếu là dây diện, bộ phận ghế ngồi.
Nguyễn Tuyền