Ô tô Việt: Không quá khó, không phải cứ nhiều tiền là được

Chỉ khi nào người Việt Nam làm chủ được công nghệ ô tô và có sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình, có sức cạnh tranh thì giá xe mới rẻ và người tiêu dùng Việt Nam mới được hưởng lợi. Giấc mơ ô tô Việt bao giờ trở thành hiện thực?

Để sản xuất ô tô, cần làm gì?

Theo ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), khó nhất với DN Việt Nam khi làm ô tô là nguồn tài chính.

Để vay được nguồn vốn lớn với lãi suất thấp và thời hạn dài là rất khó khăn. Thời gian dài qua Vinaxuki đã không thể tiếp cận được với nguồn vốn, phải đi vay thương mại chịu lãi suất có lúc lên tới gần 20%. Nếu giải quyết được nguồn vốn, thì việc sản xuất ra những chiếc ô tô thương hiệu Việt cũng không phải là việc quá khó khăn.


Có thể bỏ ra vài trăm triệu USD là nhập được một dây chuyền sản xuất khung xe (ảnh minh họa)

Có thể bỏ ra vài trăm triệu USD là nhập được một dây chuyền sản xuất khung xe (ảnh minh họa)

Theo ông Huyên, với tiềm lực tài chính mạnh có thể thuê các trung tâm thiết kế hàng đầu thế giới, thiết kế các mẫu xe cho riêng mình, có điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ các tập đoàn ô tô lớn về làm việc. Khi đã có thiết kế, cần phải chế tạo khuôn mẫu. Sau đó, tiến tới sản xuất khung xe.

Không chỉ DN Việt Nam mà với bất cứ nhà sản xuất ô tô nào, ban đầu cần phải làm được chiếc khung xe hoàn chỉnh. Có được khung xe rồi thì lắp động cơ điện sẽ thành ô tô chạy điện và lắp động cơ đốt trong sẽ thành xe chạy xăng hay dầu.

Hiện nay, có thể bỏ ra vài trăm triệu USD để nhập một dây chuyền sản xuất khung xe từ thép tấm, tự động hoàn toàn, do robot làm việc, với độ chính xác và năng suất cao, chỉ cần khoảng vài chục công nhân điều khiển. Một số DN ô tô Việt Nam đang đầu tư cho dây chuyền hiện đại như vậy.

Có được khung xe, cộng với mua một số linh kiện trong nước và đầu tư dây chuyền lắp ráp, sơn, kiểm định,... có thể đạt tỷ lệ nội địa hóa khoảng 50%. Còn muốn đạt tỷ lệ nội địa hóa tới 60% thì phải chế tạo động cơ. Tuy nhiên, thời đại của ô tô chạy điện đến nhanh hơn dự báo, vì vậy cần hướng tới phát triển động cơ điện.

Đơn giản làm trước, phức tạp làm sau, việc cho ra đời những chiếc xe thương hiệu Việt Nam không phải quá khó trong thời buổi hiện nay, ông Huyên khẳng định.

Nhưng rất vất vả

Theo ông Nguyễn Minh Đồng, cựu chuyên gia thiết kế máy ô tô của hãng Volkswagen, thuận lợi hiện nay là công nghệ ô tô từ thiết kế đến khung xe, phần mềm, động cơ,... đều có thể mua được. Nếu tiềm lực tài chính mạnh, hoàn toàn có thể mua được công nghệ hiện đại hay thu hút nhân tài từ các tập đoàn ô tô hàng đầu thế giới về làm thuê cho mình.

Vấn đề quan trọng với DN muốn tạo ra sản phẩm ô tô thương hiệu Việt , phải có được thiết kế toàn xe. Mỗi chiếc ô tô có hàng chục nghìn linh kiện, không đơn giản cứ mua linh kiện về lắp vào là chạy tốt. Nó đòi hỏi có tiêu chuẩn chung và sự tương thích. Các bộ phận phải hoạt động nhịp nhàng, ăn khớp với nhau mới đem lại hiệu suất như mong muốn. Vì vậy, cần nhất phải có sự hợp tác với một đối tác chiến lược để nhận chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thiết kế, cũng như giúp lựa chọn nhà cung cấp linh kiện phù hợp.


Bao giờ Việt Nam sẽ có ô tô thương hiệu Việt (ảnh minh họa)?

Bao giờ Việt Nam sẽ có ô tô thương hiệu Việt (ảnh minh họa)?

Vấn đề nữa là sau khi nhận chuyển giao công nghệ, phải biết dựa vào đó để phát triển sản phẩm, phát triển công nghệ mới độc lập, theo định hướng, tầm nhìn của riêng mình, ông Đồng nói.

Ý kiến từ một số kỹ sư ô tô cho biết, DN Việt làm ô tô sẽ gặp khó bởi thương hiệu yếu. Vì vậy, để tạo niềm tin về chất lượng sản phẩm, cần sử dụng những nhà cung cấp linh kiện tốt. Chẳng hạn như động cơ, nên chọn của các hãng tên tuổi mà người Việt đều biết và có tín nhiệm cao, qua đó làm chất liệu marketing cho sản phẩm.

Theo ông Huyên, làm ô tô thương hiệu Việt trong hoàn cảnh hiện nay rất vất vả. Thương hiệu mới lạ, nhưng sản phẩm đòi hỏi phải có chất lượng tốt và giá cạnh tranh mới thành công. Vì vậy, cần có sự ủng hộ của Nhà nước và người tiêu dùng. Cần phải tạo ra thị trường cho xe thương hiệu Việt.

Trong khu vực, chỉ nên học Thái Lan về phát triển công nghiệp hỗ trợ, bởi nước này không có thương hiệu ô tô riêng. Muốn có thương hiệu ô tô riêng lại phải học Hàn Quốc. Nếu người Hàn Quốc không sử dụng ô tô thương hiệu Hàn thì các DN như Hyundai hay Kia khó có sự phát triển như ngày nay.

Việc Vingroup mới đây khởi công nhà máy sản xuất ô tô, hướng tới tỷ lệ nội địa hóa 60%, được kỳ vọng là chiếc xe thương hiệu Việt đầu tiên. Mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, tập đoàn này vẫn khẳng định 2 năm nữa sẽ ra mắt Vinfast, với giá bán cạnh tranh, phù hợp với thu nhập của người người Việt Nam.

Tuy nhiên, có một nguyên tắc đối với một quốc gia hay tập đoàn muốn làm ô tô là chỉ khi nào người Việt Nam làm chủ công nghệ ô tô và có sản phẩm mang thương hiệu của riêng mình, có sức cạnh tranh thì giá xe mới rẻ và người tiêu dùng Việt Nam mới được hưởng lợi, ông Huyên nhấn mạnh.

Theo Trần Thủy
VietnamNet