1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Hoàn cảnh của Habeco và Sabeco, 2 "đại gia" ngành bia, trước dịch bệnh

Việt Đức

(Dân trí) - Cả Sabeco và Habeco cùng chứng kiến lợi nhuận thụt lùi trong quý II dưới tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, những ngày khó khăn nhất có thể vẫn còn ở phía trước.

Sabeco sụt giảm lợi nhuận, mạnh tay chi tiền cho quảng cáo

Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán: SAB) công bố doanh thu thuần quý II đạt 7.226 tỷ đồng, không thay đổi so với cùng kỳ 2020. Doanh số của Sabeco bắt đầu bị ảnh hưởng vì tình hình dịch Covid-19 khi chỉ tương đương mức của quý II/2020, giai đoạn thấp điểm của ngành bia khi cả nước cách ly xã hội. 

Công ty vẫn duy trì hiệu quả trong việc kiểm soát chi phí nguyên liệu đầu vào, thể hiện qua việc biên lợi nhuận gộp cải thiện so với quý gần nhất tăng lên 31%. 

Tuy nhiên, chi phí bán hàng của Sabeco tăng vọt 39% lên 1.101 tỷ đồng. Đây cũng là khoản lớn nhất, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp. 

Hậu quả là lợi nhuận sau thuế của Sabeco giảm 12% còn 1.071 tỷ đồng. Lãnh đạo doanh nghiệp lý giải ngắn gọn sự bùng phát làn sóng thứ 4 của dịch bệnh Covid-19 khiến lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ 2020. 

Hoàn cảnh của Habeco và Sabeco, 2 đại gia ngành bia, trước dịch bệnh - 1

Biểu đồ: Việt Đức.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Sabeco đạt 13.088 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, Sabeco còn tăng nguồn thu từ hoạt động tài chính gần 30% lên 634 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tổng chi phí hoạt động của đại gia ngành bia tăng mạnh. Trong đó, khoản chi lớn nhất dành cho hoạt động quảng cáo và khuyến mãi tăng hơn 60% lên 1.246 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày, Sabeco bỏ ra gần 7 tỷ đồng cho quảng cáo, khuyến mãi. Chi phí nhân viên bán hàng cũng tăng 35% lên 424 tỷ đồng. 

Sau khi hạch toán mọi chi phí và thuế, lợi nhuận ròng của Sabeco 6 tháng đầu năm đạt 2.057 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ năm trước.

Năm nay, Sabeco đặt mục tiêu doanh thu thuần 33.491 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.289 tỷ đồng. So với kế hoạch trên, doanh nghiệp chưa hoàn thành đến 40% chỉ tiêu.  

Lợi nhuận Habeco cũng thụt lùi

Kết quả kinh doanh của Tổng công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco, mã chứng khoán: BHN) cũng trong hoàn cảnh tương tự khi lợi nhuận đi xuống trong quý II.

Quý vừa qua, Habeco đạt doanh thu thuần 1.936 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp của công ty là 512 tỷ đồng, với biên lãi gộp duy trì ở mức 26%, không thay đổi đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Doanh số sụt giảm nhưng chi phí bán hàng của Habeco lại tăng 15% lên 249 tỷ đồng. Trong khi đó, chủ sở hữu thương hiệu Bia Hà Nội lại tiết giảm hơn 20% chi phí quản lý doanh nghiệp còn 86 tỷ đồng. 

Tuy nhiên, nỗ lực trên không đủ giúp Habeco thoát khỏi đà suy giảm lợi nhuận. Lãi ròng quý II của công ty chỉ đạt 182 tỷ đồng, thấp hơn 26% so với cùng kỳ 2020. 

Trong văn bản giải trình về việc lợi nhuận sụt giảm, CEO Habeco cũng trình bày lý do dịch Covid-19 bùng phát từ cuối tháng 4 ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. 

Hoàn cảnh của Habeco và Sabeco, 2 đại gia ngành bia, trước dịch bệnh - 2

Biểu đồ: Việt Đức.

Tuy nhiên, cũng như Sabeco, nhờ tăng trưởng quý I cao dựa trên nền so sánh thấp, doanh số và lợi nhuận của Habeco sau 6 tháng vẫn tăng trưởng. Trong nửa đầu năm nay, Habeco đạt doanh thu 3.312 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ 2020. Lợi nhuận ròng đạt 229 tỷ đồng, tăng gần 60% so với nửa đầu năm 2020.

Trong cơ cấu chi phí của Habeco, hoạt động quảng cáo, khuyến mãi, hỗ trợ cũng chiếm tỷ trọng lớn nhất và tăng mạnh nhất 25% lên 190 tỷ đồng. Tuy nhiên, so về mức độ bạo chi cho quảng cáo, khuyến mãi, Habeco kém xa Sabeco với mức bình quân chỉ 1 tỷ đồng/ngày.

Tuy nhiên, khác với Sabeco, Habeco chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm nay vỏn vẹn 255 tỷ đồng. Như vậy, doanh nghiệp đã hoàn thành đến 90% kế hoạch lợi nhuận cả năm chỉ sau 6 tháng. 

Cổ đông Habeco từng chất vấn về kế hoạch kinh doanh năm 2021 quá thấp của doanh nghiệp. Lãnh đạo công ty giải thích kế hoạch này được xây dựng để đảm bảo tính khả thi, dự phòng trường hợp dịch Covid-19 bùng phát trở lại tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của cả Habeco lẫn Sabeco nhiều khả năng sẽ còn gặp khó khăn hơn trong quý III khi Hà Nội, TPHCM và nhiều tỉnh, thành trên cả nước đang trải qua giai đoạn giãn cách xã hội nghiêm ngặt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm