Tỷ phú Trần Bá Dương tiếp tục đồng hành, HAGL Agrico vẫn oằn lưng gánh nợ
(Dân trí) - Kế hoạch tăng vốn bằng việc phát hành cổ phiếu cho Thaco đổ bể, HAGL Agrico vẫn chưa thể giải quyết áp lực nợ vay như mong muốn của bầu Đức.
Cổ đông của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico) vừa đi qua quãng thời gian thót tim. Từ thông báo Thaco dừng đầu tư vào HAGL Agrico phát đi ngày 23/7, cổ phiếu HNG giảm sàn chỉ còn 7.680 đồng/cổ phiếu ngay khi mở cửa phiên 26/7.
Nhưng đến đầu giờ chiều 26/7, khi thương vụ "giải cứu" HAGL Agrico tìm được lối ra, thị giá HNG nhanh chóng hồi phục và thậm chí còn lấy lại sắc xanh trong phiên 27/7, hiện giao dịch ở mức giá hơn 8.200 đồng/cổ phiếu.
Quan hệ tín dụng phức tạp với BIDV
Một trong những nút thắt lớn nhất là BIDV đã đồng ý hoàn trả 3 giấy tờ đất cho HAGL Agrico để bàn giao lại cho Thagrico.
Từ khi tham gia đầu tư, Thaco thông qua công ty con Thagrico mua lại tổng cộng 7 công ty con của HAGL Agrico. Năm 2019, Thaco mua 3 công ty Cao su Đông Dương, Đông Pênh, Cao su Trung Nguyên. Cuối năm 2020, đầu 2021, Thaco tiếp tục mua thêm 4 công ty An Đông Mia, Cao su Hoàng Anh Quang Minh, Hoàng Anh Đắk Lắk, Bò sữa Tây Nguyên.
Việc bán công ty con giúp HAGL Agrico có dòng tiền để trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, vấn đề là tài sản của các công ty trên lại được dùng làm tài sản bảo đảm cho các khoản vay của Hoàng Anh Gia Lai.
Cụ thể, trên báo cáo tài chính kiểm toán 2020, công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai nợ BIDV số tiền 5.876 tỷ đồng. Đây là khoản vay trái phiếu dài hạn sẽ đáo hạn vào cuối năm 2026.
Khoản vay tại BIDV của Hoàng Anh Gia Lai được thế chấp bằng quyền thuê đất, tất cả tài sản gắn liền trên đất của nhiều công ty thành viên thuộc HAGL Agrico như Cao su Hoàng Anh Quang Minh, An Đông Mia, Hoàng Anh Attapeu.
Trước đây, việc Hoàng Anh Gia Lai vay vốn, thế chấp bằng tài sản của HAGL Agrico là điều dễ hiểu do quan hệ công ty mẹ - công ty con. Nhưng hiện tại, Hoàng Anh Gia Lai và HAGL Agrico là 2 công ty độc lập, chỉ còn quan hệ cổ đông.
Tình trạng trên khiến phía Thaco không thể nhận giấy tờ đất của các công ty con HAGL Agrico dù đã nắm quyền kiểm soát khi Hoàng Anh Gia Lai chưa giải quyết nợ nần tại BIDV.
Để giải quyết vấn đề trên, Hoàng Anh Gia Lai và BIDV sẽ tách bạch tài sản của HAGL Agrico đang được đảm bảo cho các khoản vay của tập đoàn này. Hoàng Anh Gia Lai sẽ tiến hành thanh toán các khoản vay cho BIDV, mở đường cho việc giải phóng các tài sản của HAGL Agrico đang bị cầm cố tại ngân hàng.
Nhưng cần nói thêm, chính Thaco đã biết rõ vướng mắc về việc tài sản của HAGL Agrico được dùng thế chấp cho Hoàng Anh Gia Lai trước khi quyết định đầu tư 741 triệu cổ phiếu HNG.
Tại họp đại hội cổ đông thường niên của HAGL Agrico đầu tháng 6, Tổng giám đốc HAGL Agrico Trần Bảo Sơn cho biết giải pháp ban đầu được Hoàng Anh Gia Lai và Thaco thống nhất là Thagrico sẽ mua 4 công ty con của HAGL Agrico và bán lại toàn bộ cổ phần HNG cho Hoàng Anh Gia Lai.
Phương án này sẽ chia sẻ hoạt động sản xuất nông nghiệp giữa Thagrico và HAGL Agrico. Mỗi bên sẽ sản xuất trên địa bàn, diện tích riêng.
Nhưng chính vì HAGL Agrico và Hoàng Anh Gia Lai không thỏa thuận được với ngân hàng để lấy giấy tờ đất của 4 công ty đang được thế chấp. Do đó, Thaco "bất đắc dĩ" tiếp quản HAGL Agrico bằng việc tăng vốn để cấn trừ nợ.
HAGL Agrico vẫn nặng gánh nợ nần
Đầu tháng 1, khi đại hội cổ đông bất thường của HAGL Agrico thông qua phương án tăng vốn bằng cách hoán đổi nợ và phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho Thaco, thị giá HNG lúc đó trên 17.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, giá cổ phiếu HNG bắt đầu lao dốc không phanh sau đó cùng những đợt thoái vốn lớn của Hoàng Anh Gia Lai.
Ngay sau chuyển giao quyền kiểm soát HAGL Agrico cho Thaco, Hoàng Anh Gia Lai bắt đầu bán cổ phiếu ồ ạt. Từ đầu năm, Hoàng Anh Gia Lai bán tổng cộng gần 273 triệu cổ phiếu HNG, giảm tỷ lệ sở hữu tại HAGL Agrico từ 40,8% xuống chỉ còn 16,1%.
Trong bối cảnh bản thân cũng gặp nhiều khó khăn vì những khoản vay lớn, Hoàng Anh Gia Lai quyết định bán cổ phiếu HNG để có dòng tiền tất toán nợ ngân hàng. Tuy nhiên, hành động này đã không tuân thủ đúng phương án Hoàng Anh Gia Lai phải duy trì tỷ lệ sở hữu trên 25% cổ phần tại HAGL Agrico
Giọt nước mắt làm tràn ly là thông báo đăng ký bán 51,5 triệu cổ phiếu HNG của Hoàng Anh Gia Lai để giảm tỷ lệ sở hữu còn 11,4% vào đầu tháng 7. Sau thông tin này, thị giá HNG chính thức rớt khỏi mệnh giá 10.000 đồng vào phiên 7/7 và tiếp tục giảm sâu về vùng giá quanh 8.000 đồng/cổ phiếu hiện tại.
Với mức giá trên sàn chỉ hơn 8.000 đồng, việc Thaco đầu tư hơn 741 triệu cổ phiếu HNG với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu theo phương án đã thông qua trước đó sẽ khiến tập đoàn này chịu thiệt.
Dù đã tìm được tiếng nói chung, trong thông báo mới nhất, phía Thaco cũng không nhắc đến việc khởi động lại phương án tăng vốn cho HAGL Agrico.
Theo phương án tăng vốn cũ, Thaco nhận 550 triệu cổ phiếu để hoán đổi 5.500 tỷ đồng đang cho HAGL Agrico vay, đồng thời rót 1.914 tỷ đồng mua thêm 191 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ.
Vừa giảm được khoản nợ 5.500 tỷ đồng vay Thaco, vừa có hơn 1.900 tỷ đồng vốn bổ sung, cộng thêm 6.500 tỷ đồng từ việc bán 4 công ty con cho chính đối tác, ông Đoàn Nguyên Đức đã tự tin HAGL Agrico sẽ cơ bản đủ khả năng tất toán hết các khoản nợ nần, không còn chịu áp lực lãi vay và dư tiền để đầu tư mới, mở ra tương lai tươi sáng.
Nhưng theo phương án mới sau khi việc tăng vốn đổ bể, Thaco sẽ cấn trừ số tiền thanh toán mua 4 công ty vào chính khoản đang cho HAGL Agrico vay. Như vậy, dù giảm được hơn 6.000 tỷ đồng nợ vay từ Thaco, HAGL Agrico vẫn nợ tập đoàn này gần 1.300 tỷ đồng.
Với cam kết của Thaco tiếp tục cho HAGL Agrico vay thêm 600 tỷ đồng để đầu tư mới trong năm 2021, dư nợ sẽ tăng lên gần 2.000 tỷ đồng. Ngoài ra, gánh nặng nợ ngân hàng và chính công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai tổng cộng gần 5.800 tỷ đồng vẫn tiếp tục treo lơ lửng trên đầu HAGL Agrico.
Cũng với việc không tăng vốn, HAGL Agrico vẫn chưa chính thức trở thành công ty con của Thaco. Hiện không có nhóm cổ đông nào chiếm quá 50% cổ phần công ty nông nghiệp này. Đến cuối tháng 6, nhóm Thaco sở hữu 37,1% cổ phần HAGL Agrico, tỷ lệ đủ quyền phủ quyết các quyết định quan trọng. Còn nhóm Hoàng Anh Gia Lai là cổ đông lớn còn lại sở hữu 16,3% cổ phần.