Đà Nẵng:

Hàng giả len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp

(Dân trí) - Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc trên thị trường, từ các mặt hàng tạp hóa trên các chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố ở các đô thị. Thậm chí, hàng giả còn len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn, nhằm “thử thách” mức độ sành sỏi của khách hàng.

Sáng 27/9, Sở Công Thương Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ người tiêu dùng.

Ông Trần Văn Thiết, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng – nhận định, hiện nay, nạn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực của nó mang lại cho xã hội không nhỏ như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của những người sản xuất chân chính.

Hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu là mỹ phẩm, mắt kính, bột ngọt...
Hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu là mỹ phẩm, mắt kính, bột ngọt...

Qua một số khảo sát cho thấy, các loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mặt ở rất nhiều phân khúc trên thị trường, từ các mặt hàng tạp hóa trên các chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố ở các đô thị. Thậm chí, hàng giả còn len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn, nhằm “thử thách” mức độ sành sỏi của khách hàng.

“Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế thế giới (OECD), sản xuất hàng giả, hàng nhái đã trở thành một ngành công nghiệp toàn cầu với quy mô lên đến 46 tỷ USD, Trung Quốc là nước đứng đầu về hàng giả”, ông Thiết thông tin.

Ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục quản lý thị trường Đà Nẵng – cho biết, tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tại Đà Nẵng tuy chưa phải là điểm nóng như một số địa phương khác nhưng với đặc điểm là tuyến đường giao thông nối 2 miền Bắc – Nam, là khu vực trung chuyển, phân phối hàng hóa, hàng giả, hàng kém chất lượng chủ yếu được làm giả ở các địa phương khác hoặc nhập khẩu từ các nước lân cận vào thành phố nên thị trường vẫn còn tồn tại hàng giả mạo nhãn hiệu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và gây bức xúc cho người tiêu dùng.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Từ năm 2013 – 2015, các ngành thành viên Ban chỉ đạo 389 đã tịch thu tiêu hủy 50.503 đơn vị hàng hóa là hàng giả, hàng kém chất lượng các loại, trị giá trên 10 tỷ đồng. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kém chất lượng chủ yếu là rượu, thuốc lá, quần áo, giày dép, bột ngọt, mỹ phẩm, bột trét tường, đồng hồ đeo tay, mắt kính, mũ bảo hiểm, hàng điện máy…

Riêng 6 tháng đầu năm 2016, Chi cục quản lý thị trường Đà Nẵng đã phát hiện, xử lý 72 vụ việc hàng giả, hàng kém chất lượng, xử phạt 500 triệu đồng, tịch thu tiêu hủy trên 1.800 đơn vị hàng hóa các loại.

Khánh Hồng