"Tôi đố các vị chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả ở Việt Nam!"

(Dân trí) - Đây là câu hỏi nhưng cũng là khẳng định của ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam tại Hội nghị về chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ được tổ chức ngày 25/5 tại Hà Nội.

Theo ông Bảo, hiện hàng giả đang ở mọi ngóc ngách và mọi nơi, mọi chỗ, càng làm càng thấy và càng bức xúc vì hàng giả.

Ông Bảo hỏi: “Tôi đố các vị chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả tại Việt Nam hiện nay? Trong khi đó, để chỉ ra những mặt hàng nào bị làm giả thì có thể kể ra được 30 ngành hàng. Ở Hà Nội và các thành phố lớn, ta thấy ít hàng giả thôi, chứ còn ở các tỉnh biên giới thì đầy rẫy. Nếu các vị đi xe và đi từ Móng Cái, sang Lạng Sơn, Lào Cai nếu bỏ hết hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ đi thì chẳng còn bao nhiêu hàng thật”

Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam
Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam

Theo ông Bảo, điều này nói lên rằng hàng giả, hàng nhái ở nước ta đang ngày càng nghiêm trọng, phá vỡ thị trường, triệt đường sống của doanh nghiệp. “Không ở nước nào mà hàng giả cạnh tranh trực tiếp với hàng thật, ngoài chợ bán hàng điện tử, dệt may, ngay ở Hà Nội chứ chưa nói vùng sâu, vùng xa, người ta vẫn nghiễm nhiên bán quần áo giả nhãn mác, thiết bị nhập lậu mà không thấy ai xử lý, bị xử lý”, ông Bảo nêu.

Để giải quyết được vấn nạn này có rất nhiều vấn đề như văn bản chồng chéo, lực lượng chưa nghiêm và ý thức của người dân, doanh nghiệp về hàng giả chưa cao, do đó còn là cơ hội cho hàng giả hoành hành.

Ông Bảo nhấn mạnh thêm, các cơ quan chức năng đều nói lực lượng mỏng, thiếu phương tiện và tài chính nhưng cái thiếu lớn nhất ở đây là nhiệt tình, tâm huyết và cách làm. Kể ra có rất nhiều lực lượng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại như ở cơ sở có quản lý thị trường, có công an kinh tế, trung ương có Ban Chỉ đạo 389 về phòng chống gian lận thương mại và buôn lậu, các bộ ngành như Công Thương đều có lực lượng chuyên trách, thuế và hải quan trong ngành tài chính cũng tham gia. Tuy nhiên, chúng ta chưa làm được nhiều, để hàng giả tràn lan, lỗi là quản lý chưa nghiêm và xử lý chưa triệt để.

Trao đổi với PV Dân Trí, ông Bảo bức xúc nói: “Chúng ta chưa tạo niềm tin cho người dân trong cuộc chiến chống hàng giả, nếu sử dụng tai mắt của người dân, của doanh nghiệp (DN) thì không thể có hàng giả tồn tại. Tuy nhiên, hiện DN khá thờ ơ với hàng giả, bởi họ không tin vào cuộc chiến chống hàng giả sẽ bảo vệ được quyền lợi của họ, họ sợ bị thị trường trả đũa, người tiêu dùng quay lưng. Chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khi còn là Phó Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 từng thiết tha kêu gọi DN kiên trì, kiên quyết đứng lên cùng cơ quan chức năng trong tố giác và chống hàng giả, đảm bảo hoàn toàn lợi ích của DN, nhưng số đó đến nay chỉ đếm trên đầu ngón tay”.

Theo ông Bảo, nói không đâu xa ngay tại Hà Nội, thủ đô mà tình trạng hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đáng rất nhức nhối. Theo báo cáo của Chi cục QLTT Hà Nội, từ tháng 12/2014 đến tháng 4/2016 đơn vị này đã thu được 24.500 tỷ đồng cho nhà nước về hàng giả, gian lận thương mại, phát hiện 1.556 vụ vi phạm.

“Một thủ đô, trung tâm kinh tế lớn đang là địa bàn sản xuất hàng giả, gian lận thương mại lớn nhất nhì cả nước, đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Câu hỏi đặt ra đối với các lực lượng chức năng và cuộc chiến chống hàng giả của Việt Nam là có bảo kê của lợi ích nhóm cho hàng giả lộng hành khiến chúng ta không xử lý được hay không?”, ông Bảo nêu ví dụ.

Theo Đại tá Hoàng Văn Trực, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế (C46) Bộ Công An, ngoài số vụ bắt giữ hàng giả có yếu tố nước ngoài thì hàng giả đang thẩm thấu vào cả các chiến dịch quảng cáo “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”, tại các hội chợ, triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao.

Báo cáo về chống hàng giả, gian lận thương mại và quyền sở hữu trí tuệ của Bộ Công Thương cho biết, dù thủ đoạn hàng giả có tinh vi và có nhiều chiêu thức hòng qua mặt chức năng nhưng không phải không biết, không thấy và không xử lý được. Bộ Luật Hình sự sửa đổi năm 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016 đã có một số thay đổi về tội danh và hình phạt, lúc đó cơ quan công an cũng dễ làm hơn.

Bên cạnh đó, trong thời gian qua, phòng - chống hàng giả ở các lực lượng vẫn chỉ làm tròn vai mình, hợp tác yếu kém và chưa quy rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc để xảy ra hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại khiến lòng tin của dân và doanh nghiệp vào cuộc chiến hàng giả giảm sút.

Nguyễn Tuyền

"Tôi đố các vị chỉ ra mặt hàng nào không bị làm giả ở Việt Nam!" - 2