Giá cổ phiếu Sabeco tăng sốc: Bộ Công Thương dự đoán sẽ thu về 9 tỷ USD
(Dân trí) - Tại buổi Họp báo Thường kỳ Chính phủ chiều nay (1/12), Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định với báo giới việc tăng giá cổ phiếu Sabeco trong thời gian ngắn là do Bộ này thực hiện tốt việc minh bạch thông tin. Đồng thời, ông này khẳng định bán Sabeco sẽ thu về 9 tỷ USD.
Sau phần thắc mắc của báo chí về việc có hay không việc xác định thấp giá trị của SAB, khiến giá khởi điểm thấp hơn nhiều so với giá hiện tại. Ông Hải giải thích: Đây là vấn đề được Chính phủ, các bên liên quan rất quan tâm, chúng ta được chỉ đạo thoái vốn Tổng công ty CP Bia rượu- Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thực hiện theo đúng tinh thần: Minh bạch, không được thất thoát tài sản Nhà nước, thứ 3 phải đúng giá.
Bộ Công Thương: Bán Sabeco sẽ thu về 9 tỷ USD
Ông Hải nói: Bước chúng tôi đầu dự đoán giá trị thoái vốn là 53,59% tổng số vốn Sabeco, trong khi chúng ta hiện có 89,89% tổng vốn là của Nhà nước, như vậy, chúng ta sẽ bán 343 triệu cổ phiếu, lúc đầu tính toán chỉ 5 tỷ USD.
Vì công khai minh bạch, nên từ lần xác định giá lần đầu chỉ có 320.000 đồng/cổ phiếu, sau đó lên 339.000 đồng/cổ phiếu và hiện nay cổ phiếu của Sabeco là 330.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều mức giá đã chào bán.
"Đến thời điểm hiện nay, với giá phiếu tăng lên, nếu bán cổ phần Nhà nước tại SAB chúng ta sẽ thu về số tiền khoảng 9 tỷ USD, tăng gần gấp đôi trước kia", Thứ trưởng Hải nói.
Ông Hải nói: Chúng tôi đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Chính phủ, và thời gian tới đây chúng tôi sẽ công khai về giá bán để đến ngày 18/12/2017 sẽ chào bán cạnh tranh, rất mong sẽ mang lại nguồn thu lớn cho nhà nước, và Bộ chắn chắn sẽ không làm thất thoát tài sản của Nhà nước".
Các nguy cơ ảnh hưởng giá điện đang được Chính phủ rất quan tâm
Về tác động của tăng giá điện đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, trả lời thắc mắc về cơ sở tăng giá điện, cách tính toán tăng giá và lường trước ảnh hưởng tiêu cực, Thứ trưởng Hải cho hay: Các nguy cơ ảnh hưởng tăng giá điện đang được Chính phủ rất quan tâm
Ông Hải nói: "Trong cuộc họp sáng nay, Thủ tướng và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói kỹ về điều này, như tại sao phải tăng giá điện, tại sao tăng 6,08% và tại sao lại phải tăng trong thời điểm này? Đánh giá ngành điện có cố gắng và nỗ lực, theo đánh giá mới nhất của WB, chỉ số tiếp cận điện năng năm 2017 của Việt Nam tăng 32 bậc so với năm 2016".
Thứ trưởng Bộ Công Thương nói: Thời gian qua theo chỉ đạo của Thủ tướng đã thành lập tổ công tác gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội điện lực Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)... vào cuộc kiểm tra EVN và các đơn vị liên quan để có căn cứ cho tăng giá điện.
Căn cứ để kiểm tra, đánh giá tác động tăng chi phí sản xuất điện ảnh hưởng tăng giá điện năm 2016, theo Thứ trưởng Hải các cơ quan chức năng thực hiện dựa trên các nguyên tắc: Chi phí sản xuất kinh doanh điện chỉ bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực điện, không bao gồm lĩnh vực khác. Thứ hai là tách bạch các chi phí phát điện, truyền tải, phân phối, quản lý ngành. Thứ 3 là chi phí mua điện từ các nhà máy, kể cả chi phí sản xuất điện từ các nhà máy cổ phần...
Ngoài kiểm tra của các tổ công tác, việc kiểm tra còn được tham gia của tổ chức Kiểm toán độc lập Deloitte của quốc tế, qua kiểm tra sổ sách của DN, chi phí đầu ra, đầu vào của EVN nhằm đánh giá khách quan nhất việc tăng giá điện.
Nguyễn Tuyền