1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thoái vốn tại Sabeco: “Cá mập” nước ngoài và nỗi lo độc quyền

(Dân trí) - Sabeco là người dẫn đầu thị trường chiếm 40% sản lượng, tiếp theo là Heineken chiếm 28%, thứ ba là Habeco chiếm 17% và người núp bóng là Carberg chiếm 9%...thì với việc ai trong số những “ông lớn” đang lăm le sở hữu 53,59% vốn điều lệ của Sabeco chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường bia nội.


Rất nhiều nhà đầu tư hiện đang quan tâm đến việc mua cổ phần của Sabeco khi Tổng công ty này thoái vốn tới 53%

Rất nhiều nhà đầu tư hiện đang quan tâm đến việc mua cổ phần của Sabeco khi Tổng công ty này thoái vốn tới 53%

Sau thời gian dài chờ đợi, Bộ Công Thương mới đây đã chính thức công bố phương án thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). việc thoái vốn nhà nước tại Sabeco.

Bước tiến về quy chế đấu giá

Ngoài thông tin 53,59% vốn nhà nước tại Sabeco được định ở mức giá “khủng” lên tới 320.000 đồng/CP, một trong những điểm đáng lưu ý trong đấu giá cổ phần Sabeco chính là quy định: Trường hợp tham gia chào bán cạnh tranh, nhà đầu tư không phải thực hiện theo các quy định về chào mua công khai khi có ý định mua đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai quy định tại Luật Chứng khoán.

Tuy nhiên, nhà đầu tư có nhu cầu đặt mua với khối lượng đạt hoặc vượt các tỷ lệ sở hữu phải chào mua công khai 25% phải thực hiện báo cáo Ban tổ chức chào bán cạnh tranh và công bố thông tin trước ngày tổ chức chào bán 07 ngày về số lượng cổ phần dự kiến mua.

Bên cạnh đó, nhà đầu tư cũng phải thực hiện các quy định về thông báo tập trung kinh tế cho Bộ Công thương trước, khi nhà đầu tư là tổ chức cùng ngành với Sabeco đăng ký tham gia chào giá cạnh tranh, mua cổ phần Sabeco có thể dẫn đến việc thị phần kết hợp vượt mức theo quy định của Luật cạnh tranh.

Bộ Công Thương cũng sẽ phải báo cáo Chính phủ việc vượt các thị phần kết hợp trên thị trường bia của nhà đầu tư và Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyết định cuối cùng.

Quy định này nhận được sự ủng hộ của nhiều chuyên gia bởi thực tế trong ngành bia Việt Nam có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị “thâu tóm” và trở thành sân chơi vơi sự tham gia chủ đạo của những “cá mập” nước ngoài.

Hiện Sabeco đang chiếm hơn 40% thị phần, phần còn lại chia cho Heineken (hơn 28%), Habeco (12%), Carlsberg (7%).... thì với việc ai trong số những “ông lớn” này sở hữu 53,59% vốn điều lệ của Sabeco chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn đến thị trường bia nội.

Hay ví dụ như một ông lớn có thị phần số 1 thế giới nếu sở hữu Sabeco thì liệu có được coi là tập trung kinh tế không? Liệu có còn cơ hội cho các thương hiệu mới gia nhập thị trường hay không? Thực tế cho thấy khi hai hãng bia số 1 và số 2 thế giới sát nhập với nhau thì tại rất nhiều thị trường mà ở đó Luật cạnh tranh đi vào đời sống, các hãng bia này đã phải đối mặt với một số yêu cầu nghiêm khắc về việc thực hiện đúng các quy định cạnh tranh bao gồm cả việc bán bớt tài sản hoặc chia tách.

Một chuyên gia dẫn ví dụ trường hợp AB-Inbev cho biết, hãng bia này hiện đang có một nhà máy bia công suất 50 triệu lít tại Việt Nam và với giả thiết, nếu thâu tóm được Sabeco thì sẽ trở thành một trong những hãng bia lớn nhất ở Việt Nam. Hơn nữa, trong trường hợp nếu người mua là các hãng bia ngoại như AB-Inbev, Heineken, Carlsberg thì thị trường bia Việt Nam sẽ chỉ còn lại các ông lớn ngoại “một mình một chợ”.

“Đối với thị trường màu mỡ, cần có những quy định nhất định để lành mạnh thị trường, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khác phát triển công bằng. So với các quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần nhà nước trước đây, Quy chế chào bán cạnh tranh cổ phần nhà nước tại Sabeco được công bố ngày 29/11/2017 đã có những tiến bộ và đảm bảo được những nguyên tắc này”, một chuyên gia đánh giá.

Theo vị này phân tích, việc yêu cầu Nhà đầu tư mua lô lớn phải công bố thông tin số lượng cổ phần dự kiến mua trước ngày tổ chức chào bán 07 ngày, giúp các nhà đầu tư nhỏ nắm bắt được tình hình và chủ động trong kế hoạch tham gia mua cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc gián tiếp quy định khi yêu cầu nhà đầu tư cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ cổ phiếu dự kiến nắm giữ của không chỉ nhà đầu tư mà của cả người có liên quan cũng phù hợp với các quy định pháp luật chứng khoán, tránh việc nhà đầu tư né nghĩa vụ công khai thông tin.

Bài toán lợi ích

Trên thực tế, ngay từ khi Chính phủ công bố kế hoạch thoái vốn tại 2 hãng bia quốc doanh là Sabeco và Habeco, đã có hàng loạt hãng bia ngoại thể hiện mối quan tâm đến việc mua cổ phần tại đây. Trong số những nhà sản xuất bia lớn đang “xếp hàng” để có thể bước chân vào thị trường bia đầy tiềm năng ở Việt Nam có thể kể tới như: Thai Beverage và Singha của Thái Lan, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Heineken và Anheuser-Busch InBev của Hà Lan.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, đối với các tổ chức nước ngoài, có thể chia làm 2 dạng bao gồm các quỹ đầu tư tài chính, chứng khoán đầu tư để kiếm lời và hai là các hãng bia lớn trên thế giới muốn thâu tóm các doanh nghiệp như Sabeco hay Habeco. Trong đó, đặc biệt với nhóm các hãng bia lớn muốn mua các doanh nghiệp bia quốc doanh cũng đặt ra một số vấn đề cần lưu ý.

Một chuyên gia trong ngành bia phân tích: “Do bản chất đầu tư khác nhau, các hãng bia khi thâu tóm một doanh nghiệp khác sẽ có những lí do khác nhau. Nếu nói họ xóa sổ thương hiệu cũng không đúng mà phát triển thương hiệu nội địa cũng không phải. Ví dụ khi Carlsberg mua lại Huda (Huế) hay Halida (Hà Nội)… họ đâu có xóa nó nhưng cũng không phát triển mạnh. Bản chất đúng là không ai đi xóa sổ những “con gà đẻ trứng vàng”, tuy nhiên không loại trừ đến mục đích chính là chiếm lĩnh hệ thống phân phối, hệ thống bán lẻ để dần dần đưa bia của họ vào.

Theo vị này, như hệ thống phân phối của Bia Sài Gòn trải đến 64 tỉnh thành cả nước, nếu tính điểm bán lẻ thì ngang ngửa Vinamilk, một hãng bia bình thường có đổ hàng nghìn tỷ đồng cũng không thể làm nổi việc này. Thực tế cho thấy rất nhiều hãng bia vào Việt Nam rồi cũng thất bại ra đi như Forster, SabMiller trước đây vì thiếu hệ thống phân phối mạnh.

"Họ sẽ tận dụng hệ thống phân phối của Sabeco, Habeco để đưa các loại sản phẩm của họ vào. Họ có cái máy kiếm tiền là các sản phẩm Bia Sài Gòn, Bia Hà Nội để nuôi cho việc kinh doanh các sản phẩm khác. Trường hợp này cũng diễn ra với Unilever khi họ mua lại kem đánh răng PS, họ không xóa nó đi nhưng lại đưa thêm kem Close Up vào thị trường”, ông nói.

Thêm nữa nếu mua được Sabeco, họ sẽ coi như sở hữu luôn cả 24 nhà máy hiện đại trên khắp cả nước. Bình quân 1 nhà máy bia xây trong vòng 12 -14 tháng, chi phí khoảng 600 tỷ đồng/nhà máy (công suất khoảng 50 triệu lít), thì việc ngay lập tức sở hữu một hệ thống sản xuất như thế này là "quá hời" cho các hãng. Bên cạnh đó dây chuyển sản xuất bia hoàn toàn có thể sản xuất được các loại mặt hàng khác như nước ngọt, nước tinh khiết….điều này hoàn toàn có thể giúp các hãng đa dạng hóa sản phẩm mà không tốn đồng nào đầu tư dây chuyền.

Phương Dung

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm