Tỷ phú Thái "núp bóng" doanh nghiệp Việt ôm Sabeco, Bộ Tài chính nói gì?

(Dân trí) - Sáng nay (25/12), trả lời nhiều câu hỏi nóng của báo giới vụ thoái vốn, thu về gần 5 tỷ USD từ Sabeco, ông Đặng quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp, Bộ Tài chính khẳng định: Nhà đầu tư Thái đã tuân thủ pháp luật Việt Nam, việc họ bỏ nhiều tiền mua Sabeco họ sẽ không dại gì đánh mất thương hiệu bia này.

Trả lời câu hỏi về việc tỷ phú Thái đứng sau một doanh nghiệp Việt Nam để mua cổ phần của Sabeco, dư luận đang nghi ngờ việc này là hành động "lách luật" của nhà đầu tư? ông Tiến cho rằng: Đối với bia - sữa, Chính phủ tuyên bố sẽ không nắm, không phân biệt doanh nghiệp sở hữu trong hay ngoài nước. DN Việt nhưng có vốn nước ngoài 49% thì theo Luật Đầu tư vẫn coi như Việt Nam.

Tỷ phú Thái Lan ôm trọn hơn 53% cổ phần tại Sabeco
Tỷ phú Thái Lan ôm trọn hơn 53% cổ phần tại Sabeco

Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp nói: "Thương vụ tỷ phú Thái mua Sabeco có cơ chế đấu giá, có chính sách pháp luật cụ thể rồi, nhà đầu tư đảm bảo đúng cơ chế, đúng pháp luật Việt Nam. Các bộ tư pháp, KH&ĐT, Công an đều có ý kiến thẩm tra cho rằng phù hợp với pháp luật Việt Nam".

Trả lời các vấn đề xung quanh thoái vốn Sabeco tại sao lại là Bộ Công Thương trực tiếp bán mà không chuyển qua Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), việc Bộ đi bán bia đã làm chậm quá trình thoái vốn theo yêu cầu đặt ra của Chính phủ, cần rút kinh nghiệm gì?, Ông Tiến khẳng định: Trường hợp thoái vốn tại Sabeco, Thủ tướng giao cho Bộ Công Thương, đối với trường hợp này thì nếu các Bộ không làm được mới chuyển về SCIC, nhưng đây đã giao cho Bộ Công Thương rồi thì không giao về SCIC nữa.

"Nếu ở SCIC tham gia vào bán, sẽ ít đi những cuộc họp hơn bởi họ có 1 bộ phận làm chuyên nghiệp rồi, có thể chỉ xin ý kiến 1 lần thôi. Còn thoái vốn Sabeco vừa qua, Chính phủ họp 6 - 7 cuộc mới ra được vấn đề và cũng nhiều lần Bộ xin ý kiến Thủ tướng", ông Tiến cho hay.

“Bộ mà đi bán bia, bán sữa, đồng thời cũng phải xin ý kiến Thủ tướng những quyết định quan trọng, mà Thủ tướng giải quyết nhiều khiến Thủ tướng lại phải xử lý từng vụ việc”, ông Tiến nói.

Ông này cho rằng: "Nếu tôi một công chức nhà nước đi bán thì cũng không có bán được, nên từ bài học Sabeco, thời gian tới khi cổ phần nhiều ông lớn khác cần phải để cho DN làm, cho thị trường quyết định".

Trả lời câu hỏi dư luận quan tâm là số tiền gần 5 tỷ USD bán được từ Sabeco sẽ đi đâu, có phải trả nợ hay không? Ông Tiến khẳng định: "Số tiền bán vốn Sabeco và nhiều tập đoàn, DN khác sẽ được chuyển về kho bạc Nhà nước, tổng thu ngân sách Nhà nước và không phải để trả nợ, việc thu chi liên quan đến số tiền này sẽ được báo cáo, kiểm toán định kỳ".

"Theo quy định 18/12 Sabeco đã được đấu giá thành công, chúng tôi đang đôn đốc các bên chuyển số tiền này về kho bạc Nhà nước quản lý", ông Tiến nói.

Ngoài vấn đề nóng của Sabeco, đại diện Bộ Tài chính cho biết: Trong năm 2018 tới đây, có 3 DN có quy mô lớn: PVN, Nhà máy lọc dầu Bình Sơn, Tổng công ty điện lực dầu khí, PVoil, các công ty của Tập đoàn Cao su sẽ được thoái vốn với số tiền rất lớn.

Trong danh mục thoái vốn năm 2017, Sabeco đã làm được rồi, thời điểm thích hợp sẽ bán nốt 36% cổ phần còn lại; Chính phủ sẽ tính tiếp bán Habeco năm 2018. Tuy nhiên, năm 2018 sẽ không dồn dập mà làm dần dần, ổn định, chứ không no dồn, đói góp như năm 2017.

Về vấn thương hiệu Sabeco nói riêng và thương hiệu Việt Nam sau khi bán đi, ông Tiến cho biết: "Quan điểm là tạo cho sản phẩm đó hợp pháp, có sức mạnh trên thị trường và chúng ta cũng hội nhập rồi nên cần mở cửa phát triển. Tuy nhiên, chúng ta sẵn sàng xoá sổ thương hiệu làm hoen ố, gian dối hình ảnh thương hiệu quốc gia như Khaisilk".

Ông này nhấn mạnh: Nếu thương vụ bia Sabeco, người Thái mua lớn như vậy là chắc chắn họ sẽ vào đây, thương hiệu mất hay không, quan trọng nhất là khi ký hợp đồng chúng ta ràng buộc hộ, quy định như thế nào. Thương hiệu trong hay ngoài nước không quan trọng, có tốt thì dân mới dùng.

Nguyễn Tuyền

Tỷ phú Thái "núp bóng" doanh nghiệp Việt ôm Sabeco, Bộ Tài chính nói gì? - 2