Gạo, thịt, sữa... vẫn "hẹp cửa" vào các nước thành viên TPP
(Dân trí) - Ngoài Singapore cam kết xoá bỏ toàn bộ thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay sau khi Hiệp định TPP có hiệu lực, nhiều nước vẫn duy trì thuế quan đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như: gạo, thịt, sữa...
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được khởi xướng vào năm 2005 với 4 thành viên ban đầu. Đến nay, TPP bao gồm 12 thành viên và là khu vực mậu dịch tự do (FTA) lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 40% tổng GDP toàn cầu và khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại thế giới.
Ngày 5/10/2015, 12 nước TPP đã tuyên bố kết thúc đàm phán Hiệp định và tiến hành rà soát pháp lý, hoàn tất các công việc kỹ thuật. Ngày 6/11/2015, các nước TPP đã chính thức công bố các văn bản cam kết của các nước TPP đã thống nhất.
Mặc dù được đánh giá là hưởng lợi nhiều nhất trong các thành viên tham gia nhưng không phải mặt hàng nào của Việt Nam cũng sẽ “rộng cửa” đến với thị trường của các nước TPP. Ngoài Singapore cam kết xoá bỏ toàn bộ thuế quan đối với tất cả các mặt hàng ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, nhiều nước vẫn duy trì thuế quan đối với một số mặt hàng nông sản của Việt Nam như: gạo, thịt, sữa...
Tại buổi họp báo chuyên đề chiều ngày 9/11, ông Vũ Nhữ Thăng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) cho hay, Nhật Bản cam kết xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu đối với 86% số dòng thuế (chiếm 93,6% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản (tương đương 10,5 tỷ USD) và vào năm thứ 11 xóa bỏ đối với khoảng 95,6% số dòng thuế.
Tuy nhiên, đối với nông sản từ Việt Nam, Nhật Bản không cam kết mặt hàng gạo và áp dụng hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm một phần hoặc cam kết kèm theo các biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng nhạy cảm như thịt trâu bò, thịt lợn, sữa, sản phẩm sữa, lúa mỳ, lúa gạo và các chế phẩm của chúng.
Đối với Hoa Kỳ, nước này cam kết xoá bỏ gần 100% dòng thuế, trừ một số sản phẩm đường áp dụng hạn ngạch thuế quan. Theo đó, Hoa Kỳ sẽ áp dụng hạn ngạch thuế quan đối với 35 dòng thuế đường và sản phẩm chứa đường của Việt Nam.
Tương tự, Mexico không cam kết xóa bỏ thuế đối với mặt hàng đường và áp dụng hạn ngạch thuế đối với sữa kem và sản phẩm; dầu cọ. Đối với mặt hàng gạo, thóc, gạo lứt và gạo tấm được xoá bỏ thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực nhưng các mặt hàng gạo xay xát sẽ phải đợi sau 10 năm.
Ngoài ra, Peru sẽ duy trì thuế theo biến động giá đối với 47% dòng thuế gồm sữa, ngô, gạo, đường; Malaysia áp dụng hạn ngạch thuế đối với 15 dòng thuế trứng gia cầm, thịt gà, thịt lợn và thịt bò…
Trong khi đó, về phía Việt Nam sẽ xoá bỏ thuế quan đối với gạo, sữa và các sản phẩm sữa ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực cho các nước thành viên TPP. Các mặt hàng thịt gà, thịt lợn sẽ được xoá bỏ thuế quan từ năm thứ 8 - 12.
Theo đánh giá của đại diện Bộ Tài chính: “Có nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất trong TPP nhưng cũng cần phải phân tích rõ hưởng lợi trên khía cạnh nào. Cơ hội mở ra liên quan tới thị trường, đầu tư và giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp là có nhưng quan trọng là làm thế nào để biến cơ hội thành hiện thực”.
Ông Thăng cho rằng, việc các doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi như thế nào còn phụ thuộc vào từng ngành nghề và sự chuẩn bị cũng như cơ hội khả năng đáp dứng, tận dụng nắm bắt cơ hội của từng doanh nghiệp.
“Không thể nói cứ mở ra là thắng được. Doanh nghiệp cần phải chuẩn bị sản phẩm, thâm nhập thị trường nước ngoài. Đồng thời, gắn kết doanh nghiệp với chuỗi cung ứng toàn cầu, chủ động tìm hiểu văn hoá tiêu dùng, các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của các thị trường này”, ông nói.
Phương Dung