1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thiếu nhân sự vận hành

(Dân trí) - Hiện nay, số lượng nhân sự cần cho giai đoạn khai thác, vận hành hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) còn thiếu hơn 100 người so với phương án bố trí, thiết kế ban đầu của dự án.

Đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Hà Nội Metro) cho biết như vậy trong bối cảnh Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành và đang diễn ra quá trình chuyển giao giữa cấp cơ sở.

Theo đại diện Hà Nội Metro, từ nay đến giữa tháng 4, đơn vị này nhận hồ sơ tuyển dụng nhằm bổ sung 107 nhân sự vào vị trí nhân viên và thợ kỹ thuật làm việc tại 10 bộ phận, gồm: Trung tâm điều độ chạy tàu; điện lực (quản lý điện); ga vận tải hành khách; các bộ phận kiểm tra, sửa chữa thông tin tín hiệu, công trình, điện lực, đường ray, đầu máy/toa xe, thiết bị nhà ga; bộ phận tàu khách....

"Có những nhân sự đã được tuyển dụng để đào tạo nhưng xin nghỉ. Trong năm 2020, đơn vị cũng tổ chức một số đợt tuyển dụng bổ sung nhưng vẫn chưa đủ" - đại diện Hà Nội Metro nói về nguyên nhân thiếu lao động và thông tin đây là đợt tổ chức đợt tuyển dụng bổ sung nhân lực cuối cùng trước khi tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào vận hành, khai thác thương mại.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thiếu nhân sự vận hành - 1

Đội ngũ lái tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông (ảnh: Đỗ Linh).

Trao đổi với PV Dân trí trước đó, lãnh đạo Hà Nội Metro cho biết: Sau khi dự án được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt và triển khai, song song với việc tuyển dụng lao động thì Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cũng xây dựng bảng lương và đến nay đã được TP. Hà Nội thông qua.

Nguồn lao động của dự án có một số lao động từng làm việc tại Tổng Công ty đường sắt Việt Nam, lao động là giáo viên đào tạo về đường sắt và tùy chức danh công việc để thực hiện tuyển dụng lao động phù hợp, theo các yêu cầu cụ thể về độ tuổi, bằng cấp, ngành nghề, kinh nghiệm... Việc tuyển dụng lao động vận hành dự án có bảng mô tả cụ thể, tiêu chuẩn về đầu vào và đầu ra ứng với từng chức danh.

Theo đó, tổng số lao động vận hành đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 681 người được chia làm 112 chức danh và vị trí việc làm. Mỗi vị trí công việc ứng với mức lương cụ thể theo bảng lương được xây dựng ở mức "trung bình tiên tiến" so với các doanh nghiệp Nhà nước khác.

Nêu chi tiết hơn, lãnh đạo Hà Nội Metro cho hay: Trực tiếp vận hành đoàn tàu, lái tàu được xác định là lao động đặc thù nhất, vì vậy bảng lương xây dựng theo 3 mức tùy vào trình độ, kinh nghiệm công tác là 13 triệu đồng/tháng, 15 triệu đồng/tháng và cao nhất là 17 triệu đồng/tháng.

Được biết, trước đây đã có nhiều người nộp hồ sơ ứng tuyển và trúng tuyển, nhưng do dự án chậm tiến độ, chậm vận hành, chờ đợi quá lâu nên nhiều người lao động đã bỏ. Thời điểm Covid-19 cũng ít người nộp đơn xin việc.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông thiếu nhân sự vận hành - 2

Hiện nay, Hà Nội Metro đang tuyển thêm nhân sự do vẫn thiếu đội ngũ phục vụ khai thác tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông (ảnh: Đỗ Linh).

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.

Tổng thầu EPC là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc và tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được vận hành thử nghiệm toàn hệ thống từ ngày 12/12 - 31/12/2020. Đến nay, dự án đã hoàn thành, thống nhất nghiệm thu.

Từ ngày 31/3/2021, các đơn vị thực hiện dự án bắt đầu quá trình chuyển giao. Cấp cơ sở tiến hành kiểm đếm, tiếp nhận và xác định trách nhiệm giữa 3 bên là chủ đầu tư, Tổng thầu Trung Quốc và phía Hà Nội.

Dự kiến, sau khoảng 3 tuần đến 1 tháng sẽ kết thúc việc kiểm đếm và tiếp nhận, khi cấp cơ sở báo cáo hoàn thành quá trình này thì Bộ Giao thông vận tải sẽ cùng TP. Hà Nội ký kết bàn giao toàn bộ dự án để đưa vào vận hành, khai thác thương mại.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm