Tiết lộ khuyến cáo "sống còn" của Pháp với đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Châu Như Quỳnh

(Dân trí) - Tư vấn Pháp đưa ra khuyến cáo theo nhóm vấn đề và yêu cầu Tổng thầu Trung Quốc phải khắc phục như hệ thống hoạt động trong trường hợp khẩn cấp, bất ngờ; bổ sung hệ thống kính chắn an toàn ke ga...

Hôm nay (31/3), Bộ Giao thông vận tải (GTVT), Tổng thầu Trung Quốc và TP. Hà Nội bắt đầu quá trình chuyển giao Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã có những trao đổi liên quan tới tình hình dự án tới thời điểm này.  

- Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, Dự án Đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã "về đích" đúng hẹn?

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông: Đến nay dự án đã hoàn thành, thống nhất nghiệm thu và bắt đầu quá trình kiểm đếm, tiếp nhận giữa các bên.

Tiết lộ khuyến cáo sống còn của Pháp với đường sắt Cát Linh - Hà Đông - 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông (ảnh: Đỗ Linh).

Trong giai đoạn này, Bộ GTVT thống nhất với TP. Hà Nội bắt đầu từ cấp cơ sở là giữa Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội và Ban Quản lý dự án Đường sắt (đại diện chủ đầu tư). Do dự án có rất nhiều danh mục, nên phải có động tác kiểm đếm và xác định trách nhiệm 3 bên là chủ đầu tư, Tổng thầu và phía Hà Nội.

- Quá trình này sẽ mất bao lâu? Bộ GTVT và TP. Hà Nội quyết tâm 1 tháng nữa sẽ đưa tàu vào khai thác thương mại, thưa Thứ trưởng?

Chúng tôi dự kiến mất khoảng 3 tuần đến 1 tháng để kiểm đếm và tiếp nhận, còn tinh thần là càng sớm càng tốt. Khi cấp cơ sở báo cáo lên là xong thì Bộ GTVT sẽ cùng TP. Hà Nội ký kết bàn giao toàn bộ để đưa vào vận hành, khai thác thương mại.

Bộ GTVT sẽ làm việc với trách nhiệm cao nhất.

- Thứ trưởng có thể cho biết thời gian qua Tư vấn Pháp đã đưa ra những khuyến cáo gì với Tổng thầu Trung Quốc khi đánh giá độc lập về dự án?

Họ khuyến cáo theo nhóm vấn đề và yêu cầu phải giải quyết, như: Khắc phục hệ thống hoạt động trong trường hợp khẩn cấp, bất ngờ, theo đó phải tiếp tục diễn tập nhuần nhuyễn.

Nhiều khuyến cáo của tư vấn đã được khắc phục như: Phòng cháy chữa cháy trên tuyến, cơ quan có thẩm quyền đã cấp chứng chỉ phòng cháy chữa cháy cho Tổng thầu, di dời cây xăng ở ga La Khê, hoàn thiện thiết bị chỉnh vị...

Những khuyến cáo lớn của Tư vấn Pháp với Tổng thầu để nâng cao an toàn cũng được nêu ra. Ví dụ như trong thiết kế dự án này từ nhiều năm trước không có nút chống khách ngủ gật thì nay cần phải bổ sung việc cảnh giới trong quy trình khai thác hoặc phải đầu tư thêm.

Tiết lộ khuyến cáo sống còn của Pháp với đường sắt Cát Linh - Hà Đông - 2

Tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam đã hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng (ảnh: Đỗ Linh).

Tư vấn cũng khuyến cáo các ke ga theo thiết kế mới là phải có hệ thống kính chắn để đảm bảo an toàn nhưng trong thiết kế trước đây lại không có. Vì vậy, Tư vấn Pháp khuyến cáo phải có cam kết đầu tư trong tương lai, còn giai đoạn trước mắt khi khai thác thì phải tăng cường cảnh giới, giám sát trực quan và có barie dẫn đến cửa...

- Phía Pháp đánh giá theo tiêu chuẩn công nghệ của Pháp thì có phù hợp với dự án của do Trung Quốc thi công không thưa Thứ trưởng?

Tư vấn không đánh giá theo tiêu chuẩn của Pháp mà đánh giá theo tiêu chuẩn của Trung Quốc. Tư vấn là đơn vị độc lập nên sẽ có những đánh giá khách quan về dự án này.

Theo hợp đồng đã ký, dự án được thiết kế, khai thác theo tiêu chuẩn của Trung Quốc và tuân theo quy định của luật pháp Việt Nam. Từ khung tiêu chuẩn này, Tư vấn Pháp thực hiện yêu cầu đánh giá dự án theo tiêu chuẩn của Trung Quốc. Tất nhiên trong quá trình đánh giá, phía Tư vấn Pháp cũng sử dụng các dữ liệu tham chiếu khác nhau để có đánh giá chính xác nhất.

- Nhận được nhiều khuyến cáo từ Tư vấn Pháp và chủ đầu tư, phía Tổng thầu Trung Quốc có động thái như thế nào trong suốt quá trình đánh giá cho đến nay, thưa ông?

Tổng thầu Trung Quốc đã phối hợp tích cực trong việc rà soát, ký các nghiệm thu, xác định những khuyết tật và lộ trình khắc phục.

Chúng tôi cho rằng trong thời gian tới các bên vẫn tiếp tục phải phối hợp chặt chẽ để đánh giá an toàn chạy tàu, chúng tôi cũng yêu cầu Tổng thầu phải tích cực hơn nữa.

- Theo chỉ đạo của Thủ tướng, hôm nay là hạn chót để bàn giao dự án. Vậy tiến độ này được thực hiện ra sao thưa ông?

Hôm nay là ngày bắt đầu quy trình kiểm đếm và tiếp nhận theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Tiết lộ khuyến cáo sống còn của Pháp với đường sắt Cát Linh - Hà Đông - 3

Bộ GTVT và TP. Hà Nội dự kiến đưa vào khai thác thương mại dự án trước ngày 30/4 (ảnh: Đỗ Linh).

Như tôi đã nói, dự án có rất nhiều danh mục và việc bàn giao phải đi liền với việc xác định trách nhiệm của 3 bên. Quá trình kiểm đếm hạng mục không thể diễn ra trong 1, 2 ngày mà cần phải có quá trình. Công tác bàn giao cuối cùng là ngày Bộ GTVT ký kết với TP. Hà Nội và chính thức đưa dự án vào khai thác thương mại.

Thực tế, trong quá trình đánh giá và nghiệm thu dự án, phía Metro Hà Nội đều phối hợp với chủ đầu tư và Tổng thầu, chứng kiến 70% công việc tại dự án.

- Nếu trong 1 tháng nữa dự án vẫn chưa thể đưa vào khai thác thương mại thì sao, thưa Thứ trưởng?

Việc đó phải có quyết sách. Còn hiện tại chúng tôi đang nỗ lực và xác định phải hoàn thành.

Những ngày tháng vừa qua chúng tôi vẫn yêu cầu dù tốn kém đến đâu thì Tổng thầu vẫn phải cho tàu chạy liên tục, để duy trì hệ thống và thiết bị, quan trọng nữa là đội ngũ duy tu bảo dưỡng của ta phải tiếp cận để sau này đảm bảo vận hành trơn tru.

- Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã kéo dài hơn 10 năm và suốt quá trình triển khai cũng có khá nhiều tai tiếng. Đến thời điểm này, khi dự án đã hoàn thành, với tư cách là lãnh đạo Bộ GTVT và Thứ trưởng phụ trách trực tiếp dự án, ông có chia sẻ gì?

Phải nói đây là một dự án có quy mô rất lớn, tính chất phức tạp và kéo dài rất nhiều năm. Dự án được triển khai trong điều kiện luật pháp liên quan của nước ta chưa đồng bộ, tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ chưa có, giá cũng là vấn đề có nhiều khó khăn trong quản lý đầu tư.

Toàn cảnh 9 đoàn tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông băng băng qua các nhà ga (Video: Nguyễn Bắc). 

Chúng tôi đã xác định nhiều lần rằng dự án trải qua nhiều thời kỳ, nhưng năng lực quản lý và điều hành còn nhiều hạn chế, có tác động chủ quan trong việc triển khai dự án. Từ đó, chúng tôi đã rút ra được rất nhiều bài học.

Qua dự án thí điểm này, chúng tôi đã rút ra được nhiều kinh nghiệm với các dự án trong tương lai, đơn cử như với những cái mới thì cần thiết phải đi học tập ở các nước trước rồi mới nên triển khai. Các "siêu dự án" tương lai cũng phải có lộ trình, vừa chuẩn bị đầu tư, vừa phải đào tạo nguồn nhân lực...

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!