Dự án xây dựng sân bay Long Thành: Câu hỏi “đầu tiên”
(Dân trí) - Câu hỏi đầu tiên là “tiền đâu?”. Dù cơ bản đồng tình với đề xuất của Bộ GTVT về phương án xây dựng sân bay Long Thành nhưng các ủy viên UB Thường vụ Quốc hội vẫn lo chuyện “tiền đâu”. 8 tỷ USD (tương đương 160.000 tỷ đồng) là con số gây… ngợp!
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Thẩm tra tờ trình do Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trình bày, UB Kinh tế của Quốc hội xác định, dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành đáp ứng tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia vì tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án đã tới trên 160.000 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước khoảng 84.000 tỷ đồng. Dự án này đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt, cần được Quốc hội quyết định. Cụ thể là cơ chế thu hồi đất một lần của toàn bộ dự án trong giai đoạn 1 (5.000 ha).
Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng trình bày báo cáo về dự án tại UB Thường vụ QH (ảnh: báo GTVT).
Ngoài ra, lãnh đạo UB Kinh tế cảnh báo, dự án cũng cần đầu tư một lượng vốn rất lớn cho việc xây dựng hệ thống hạ tầng kết nối với sân bay Long Thành nhưng báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ khả năng huy động vốn.
Thường trực UB Kinh tế cũng nêu vấn đề, có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh huy động vốn đầu tư cho hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông còn khó khăn thì cần cân nhắc lựa chọn việc đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành hay đầu tư phát triển hệ thống đường sắt Bắc - Nam hoặc phát triển hệ thống giao thông đường biển để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đi sâu vào chuyện nguồn vốn huy động thực hiện dự án, Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Phúc cho biết, có ý kiến cho rằng, riêng giai đoạn 1 của dự án đầu tư số vốn nhà nước huy động (bao gồm ngân sách, trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA đã là hơn 84.000 tỷ đồng, vốn khác cũng gần 80.000 tỷ đồng) thì nếu tính cả 3 giai đoạn, tổng mức đầu tư sẽ rất lớn. Hướng ý kiến này cũng cảnh báo khả năng đội vốn của dự án, như đã diễn ra ở nhiều dự án giao thông khác.
Đề cập phương án huy động vốn, cơ quan thẩm tra cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, việc huy động các thành phần kinh tế tham gia đầu tư dự án sân bay là không đơn giản. Cơ quan này đề nghị làm rõ hơn trong cơ cấu nguồn vốn sử dụng nêu trên thì từng loại vốn cụ thể như thế nào, dự kiến vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, vốn ODA cần huy động mỗi năm.
Ngoài ra, việc huy động các nguồn vốn cần đặt trong bối cảnh nhu cầu và khả năng huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội (trong đó có vốn nhà nước) cho nền kinh tế giai đoạn hiện nay và tới đây (trong đó có vốn đầu tư cho ngành GTVT) khi mà nguồn thu ngân sách thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trao đổi thêm về những vấn đề được yêu cầu giải trình, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng phân tích, không cần quá lo lắng về việc dự án đội vốn vì các dự án đầu tư vào lĩnh vực hàng không này chưa hề có tiền lệ xấu đó trong khi tốc độ tăng trưởng, phát triển của ngành luôn ổn định.
Nguồn vốn vay huy động có khả năng làm tăng chỉ số nợ công nhưng nợ ODA, theo Bộ trưởng Thăng, bản chất là doanh nghiệp vay lại của Chính phủ, phải gánh trách nhiệm trả. Và nghĩa vụ trả nợ trong lĩnh vực này đến nay cũng chưa từng "có vết".
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cũng ghi nhận những giải trình đối với các băn khoăn về vấn đề hướng đầu tư, giải phóng mặt bằng, lựa chọn vị trí của dự án.
“Có điều kiện sống tại đây từ lâu, trước ngày giải phóng rất lâu, tôi thấy mở rộng Tân Sơn Nhất không khả thi vì hiện tại sân bay này đã như một lòng chảo, xung quanh dân ở kín cả, có mở rộng được đường băng đôi chút thì đường ra vào sân bay cũng… tắc. Giá đền bù giải phóng mặt bằng, di dân khu vực này cũng quá lớn (theo tính toán có 140.000 hộ phải di dời với số tiền đền bù bình quân 2,5 tỷ đồng/hộ). Trong khi Long Thành địa bàn rất thuận lợi, bằng phẳng lại nằm trong khu vực tam giác phát triển kinh tế TPHCM – Vũng Tàu – Đồng Nai, Bình Dương” – ông Sơn nói.
Băn khoăn duy nhất của Phó Chủ tịch Quốc hội là “chỉ lo tiền”. Ông Sơn yêu cầu Bộ GTVT giải thích rõ hơn nội dung này.
Chia sẻ suy nghĩ này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước đặt câu hỏi: “Tiền ở đâu ra? Theo báo cáo, giai đoạn 1 của dự án, số vốn nhà nước phải huy động là 84.000 tỷ đồng tức bình quân mỗi năm phải có hơn 4.000 tỷ. Trong khi đó, vấn đề trước mắt là nguồn vốn trái phiếu Chính phủ của năm 2015 đã khoá sổ. Vậy nguồn tiền tới đây lấy đâu ra, Quốc hội có phải ra nghị quyết cho phát hành bổ sung trái phiếu Chính phủ đặt biểu không?”.
Ghi nhận những băn khoăn đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Chính phủ hoàn thiện báo cáo, tờ trình với những giải trình thuyết phục hơn về những vấn đề đặt ra như nguồn vốn, phương án giải phóng mặt bằng, phân kỳ đầu tư, tác động kinh tế xã hội… của dự án trước khi trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 tới đây.