Vì sao phải chi 8 tỷ USD xây mới sân bay Long Thành?

(Dân trí) - Chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho rằng, giải pháp xây Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là tối ưu nhất so với các phương án khác, như mở rộng Tân Sơn Nhất hay sử dụng sân bay Biên Hòa.

Mô hình sân bay Long Thành
 

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Vì sao phải chi 8 tỷ USD xây mới sân bay Long Thành?
*
Ông Putin dự khởi công đường ống dẫn khí Nga-Trung Quốc
* ‘Sóng ngầm’ Philippines lấn dần vào Việt Nam
* Đại gia Việt chi 300 trăm triệu tậu siêu xe đạp
* Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc: Sắp đạt 40 tỷ USD!

Theo báo cáo đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành mới được Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) trình lên Bộ Giao thông Vận tải và Hội đồng thẩm định nhà nước, tổng chi phí đầu tư giai đoạn 1 của dự án sẽ vào khoảng 164.500 tỷ đồng (tương đương 7,8 tỷ USD).
 
Dự án dự kiến được phân thành 2 giai đoạn 1a và 1b, trong đó giai đoạn 1a đầu tư xây 1 đường băng cất hạ cánh, nhà ga công suất 17 triệu khách, đường lăn, sân đỗ máy bay... với nhu cầu vốn khoảng 5,66 tỷ USD. Nguồn vốn dự kiến được huy động từ vốn nhà nước, vốn trái phiếu chính phủ, vốn ODA và các nguồn vốn doanh nghiệp, cổ phần, liên doanh liên kế, hợp tác công tư (PPP).
 
Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2005, nằm trên diện tích khoảng 25.000 hecta thuộc địa bàn 6 xã tỉnh Đồng Nai. Theo quy hoạch, quá trình xây dựng sẽ chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2014 - 2020), Long Thành sẽ có công suất 25 triệu khách mỗi năm với 2 đường cất, hạ cánh. Giai đoạn 2 (2020 - 2030) sẽ có công suất 50 triệu hành khách và giai đoạn 3 (sau năm 2030) sẽ lên đến 100 triệu hành khách mỗi năm với 4 đường bay.
 
Việc sử dụng một số lượng vốn đầu tư "khổng lồ" cho sân bay Long Thành nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Trước đó, nhiều ý kiến của các chuyên gia trong ngành cũng như người dân cho rằng đầu tư 8 tỷ USD xây mới sân bay Long Thành là lãng phí trong khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất vừa tiết kiệm vừa giữ được giá trị lịch sử.
 
Ông Mai Trọng Tuấn (cựu phi công, người từng gây xôn xao dư luận vào năm 2009 với ý tưởng “đường bay vàng") và ông Lê Trọng Sành (nguyên Trưởng phòng quản lý sân bay Tân Sơn Nhất, TP HCM) từng gửi thư đến Thủ tướng kiến nghị không nên xây sân bay quốc tế Long Thành. "Nếu dốc sức, cố xây dựng cho bằng được sân bay Long Thành, ta sẽ đánh mất một 'hội điểm vàng' cả về 'thiên thời, địa lợi, một thương hiệu quý, có giá trị lịch sử' không chỉ của nước ta, mà còn đối với khu vực và thế giới, đó là sân bay Tân Sơn Nhất", văn bản kiến nghị cho biết.
 
Về lý do vì sao nên xây mới sân bay Long Thành, phía chủ đầu tư dự án là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam khẳng định, đây là dự án quan trọng trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và hàng không nói riêng, là dự án quan trọng để phục vụ phát triển vùng kinh tế chiến lược của Việt Nam.
 
Theo ACV, Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/01/2012 của BCH Trung ương Đảng về việc “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” nêu rõ “ưu tiên đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại 5 sân bay quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cần Thơ và Cam Ranh. Xây dựng Cảng HKQT Nội Bài trở thành cảng cửa ngõ quốc tế của miền Bắc. Huy động nguồn vốn để đầu tư xây dựng mới cảng trung chuyển Hàng không quốc tế Long Thành”.
 
Năm 2013, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã đón hơn 20 triệu lượt khách, sản lượng vận chuyển qua cảng hàng không đang tiếp tục tăng cao. Theo tính toán, đến năm 2015 Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, vượt công suất cực đại theo thiết kế, xảy ra tắc nghẽn cả trên vùng trời không lưu và dưới mặt đất. Việc cải tạo, nâng cấp, mở rộng tối đa Cảng Hàng không quốc tế Tân sơn Nhất hiện nay là cấp bách, nhưng cũng chỉ là giải quyết tình thế trong thời gian chờ xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
 
ACV cho rằng, giải pháp xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là tối ưu nhất so với các phương án khác, như mở rộng Tân Sơn Nhất hay sử dụng sân bay Biên Hòa.
 
ACV diễn giải, do Tân Sơn Nhất nằm ngay trong nội đô thành phố nên bị bó hẹp vùng trời, khu vực cấm bay, bất cập về không gian, tiếng ồn, không đảm bảo an toàn; hệ thống giao thông kết nối với sân bay không thể đáp ứng cho việc mở rộng và nâng công suất. Hơn nữa, việc mở rộng, nâng công suất Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ có hơn 140.000 hộ dân phải di dời tái định cư với chi phí nhiều tỷ đô la.
 
Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và sân bay quân sự Biên Hòa có vùng trời không lưu bị chồng lấn, không đảm bảo điều kiện an toàn cho hoạt động bay. Việc biến Sân bay Biên hòa thành sân bay dân sự không khả thi do chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng rất lớn, bị nhiễm độc dioxin và còn phải xây dựng một căn cứ không quân khác để thay thế sân bay Biên hòa.
 
Việc xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Long Thành với công suất thiết kế đạt tới 100 triệu lượt hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm sẽ tạo ra một “thành phố sân bay” hiện đại khu vực Đông Nam Á.
 
"Cảng Hàng không quốc tế Long Thành thỏa mãn các yếu tố về công năng, chi phí đầu tư, sự đồng bộ, khả năng phát triển mở rộng, cảnh quan môi trường, cao độ so với mực nước biển và vị trí địa lý rất lý tưởng cho một cảng hàng không trung chuyển quốc tế", phía ACV cho biết.

 

Phương Dung
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước