Hà Tĩnh:

Dự án mỏ sắt Thạch Khê: TIC và các cơ quan chức năng lãng phí hàng ngàn tỷ đồng?

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, nếu Chính phủ đồng ý cho TIC tiếp tục triển khai dự án như báo cáo đầu tư và báo cáo tác động môi trường điều chỉnh đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Nhà nước sẽ lãng phí số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí là bằng với số tiền hơn 14.000 tỷ đồng TIC dự kiến đầu tư vào dự án này.

Như Dân trí đã thông tin, sáng ngày 25/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đồng tổ chức Hội thảo góp ý Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê nhằm đánh giá toàn diện về dự án này để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định liệu sẽ đồng ý cho TIC tiếp tục triển khai dự án khủng vốn đã đắp chiếu suốt 7 năm qua hay không.

Tham gia phản biện tại hội thảo này là các chuyên gia, nhà nghiên cứu hàng đầu của đất nước đến từ các lĩnh vực mỏ, địa chất, thủy lợi, môi trường…

Lãng phí hàng ngàn tỷ đồng?

Cùng với các lo ngại về môi trường, công nghệ khai thác, nhiều tài liệu mà Dân trí vừa tiếp cận được từ hội thảo này cho thấy, nếu Chính phủ đồng ý cho TIC tiếp tục triển khai dự án như báo cáo đầu tư và báo cáo tác động môi trường điều chỉnh (ĐTM) đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, Nhà nước sẽ lãng phí số tiền lên đến hàng ngàn tỷ đồng, thậm chí là bằng với số tiền hơn 14.000 tỷ đồng TIC dự kiến đầu tư vào dự án này.

Cụ thể, theo phân tích của PGS.TS Lưu Đức Hải, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam, giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Đại học KHTN, Đại học QGHN, quan điểm hiện đại trong khai thác khoáng sản trên thế giới và Việt Nam là khai thác và sử dụng tổng hợp các loại tài nguyên khoáng sản đi kèm khoáng sản chính.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê: TIC và các cơ quan chức năng lãng phí hàng ngàn tỷ đồng? - 1

Tuy nhiên, căn cứ báo cáo đầu tư và báo cáo tác động môi trường điều chỉnh của TIC đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì TIC chỉ tập trung vào khoáng sản chính là quặng sắt (Fe), còn các nguồn tài nguyên khác chưa được tận dụng, bị xem là chất thải.

Cụ theo, TS Hải, phần lớn tài nguyên trong số 650 triệu m3 cát, đất, đá thải (gồm có 287 triệu m3 cát, 64 triệu m3 sét, 294,9 triệu m3 đá cứng) như số liệu của báo cáo ĐTM có thể sử dụng để san nền, xây dựng đường giao thông và nhiều việc khác. Nếu được tận dụng tối đa, lượng lớn tài nguyên này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế lớn, mà còn giải quyết được phần nào về vấn đề đổ thải, lấn biến đe dọa đến môi trường và hệ sinh thái biển.

“Giả sử có thể tận dụng được cát san nền với giá 50.000 đồng/m3, thì lượng cát được tận dụng được khoảng 14.000 tỷ đồng, bằng với tổng vốn đầu tư đã được phê duyệt của TIC cho dự án khai thác quặng Fe Thạch Khê”- TS Hải nhẩm tính.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê: TIC và các cơ quan chức năng lãng phí hàng ngàn tỷ đồng? - 2

Ngoài cát, đất, đá, TS Hải đánh giá, việc ĐTM nêu nước tại khu vực dự án là nước thải, không có giá trị kinh tế là một sự lãng phí, cần phải được tính toán cẩn trọng. Theo phương án xử lí nước mà TIC nêu trong ĐTM, có 3 nguồn nước chính xuất hiện trong quá trình khai thác mỏ sắt, đó là nước mặt, nước ngầm bơm từ moong mỏ và nước ngầm bơm từ các lỗ khoan hạ mực nước. Các nguồn nước này sẽ được thu gom, dẫn qua trạm xử lí trước khi đổ thẳng ra môi trường.

“Nước ngầm tại khu vực dự án là loại bicacbonat Na-Ca và Clorua bicacbonat Na-Ca có hàm lượng khoáng hóa thấp (0,1 – 1 g/l đến 1,1 – 1,45 gl) có thể sử dụng làm nguồn nước với lưu lượng chảy vào mỏ từ 5000m3/h khi hoàn thành xây dựng cơ bản năm thứ 3, đến 20.000m3/h khi vào giai đoạn kết thúc khai thác. Loại nước này nếu được bảo vệ và xử lí đúng quy trình kỹ thuật sẽ là nguồn cung cấp nước lớn cho sinh hoạt và nông nghiệp khu vực mỏ” – TS Hải nêu ra.

Dự án mỏ sắt Thạch Khê: TIC và các cơ quan chức năng lãng phí hàng ngàn tỷ đồng? - 3

Ngoài ra, TS Hải cho biết, báo cáo ĐTM điều chỉnh cũng chưa nêu đầy đủ các kim loại quý hiếm có thể đi kèm trong quặng sắt Thạch Khê.

“Có thể kết luận rằng, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê chưa xuất phát từ quan điểm khai thác tổng hợp các giá trị tài nguyên đi kèm với quặng Fe. Điều này đòi hỏi các nhà đầu tư cần bổ sung các phương án kinh tế nếu tính toán khai thác và tận dụng các tài nguyên đi kèm” – TS Lưu Đức Hải chốt lại.

Tổn thất tài nguyên quá lớn

Theo GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội địa hóa Việt Nam, trữ lượng quặng sắt đã thăm dò tại mỏ sắt Thạch Khê là 544 triệu tấn, nhưng trữ lượng đưa vào thiết kế khai thác theo dự án điều chỉnh chỉ 340 triệu tấn.

“So với trữ lượng đã được phê duyệt trước đây, thì trong lòng đất (sau khai thác) còn lại khoảng 200 triệu tấn trữ lượng và tài nguyên. So với tổng trữ lượng quặng sắt đã được thăm dò trên toàn lãnh thổ Việt Nam (trừ mỏ sắt Thạch Khê), thì tổng trữ lượng và tài nguyên quặng sắt bị bỏ lại tại mỏ sắt Thạch Khê lớn hơn tổng trữ lượng và tài nguyên của các mỏ khác gộp lại. Như vậy tổn thất tài nguyên khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê là quá lớn!”- TS. Thuận nêu ra.

GS.TSKH Đặng Trung Thuận bày tỏ quan điểm, nếu chỉ lựa chọn khai thác quặng dễ, bỏ lại quặng khó, thì tổn thất tài nguyên khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê là quá lớn!
GS.TSKH Đặng Trung Thuận bày tỏ quan điểm, nếu chỉ lựa chọn khai thác quặng dễ, bỏ lại quặng khó, thì tổn thất tài nguyên khi khai thác mỏ sắt Thạch Khê là quá lớn!

TS. Thuận đặt ra hai giả thiết, trong đó rất quan ngại con cháu đời sau sẽ phải gánh chịu nếu quyết định hôm này không thật cẩn trọng.

“Có thể cho rằng khối lượng tài nguyên này là Công ty TIC cố ý để dành lại cho thế hệ tương lai. Nếu đúng như vậy thì quá tốt. Tuy nhiên, có cơ sở để suy luận rằng, Công ty TIC theo phương thức khai thác lựa chọn, chỉ tập trung khai thác phần quặng giàu, có điều kiện khai thác thuận lợi, còn phần quặng khó khai thác thì bỏ lại. Nếu vậy, thì đây sẽ là món nợ mà thế hệ hôm nay không thể trả cho con cháu các đời sau!”- TS. Thuận nêu.

Nhiều hệ lụy

Không chỉ lãng phí, theo các nhà khoa học, nếu lượng lớn tài nguyên nói trên được sử dụng như phương án của chủ đầu tư là phần lớn chỉ dùng để san lấp mặt bằng hoặc thải ra môi trường tự nhiên, thì chính nguồn tài nguyên này còn gây nhiều hệ lụy về môi trường.

GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội địa hóa Việt Nam nêu quan ngại, khối lượng đất thải rất lớn, hơn 194 triệu m3 đổ vào bãi thải đất liền phía bắc của mỏ, hơn 262 triệu m3 đổ vào bãi thải phía nam, tạo ra cao trình 90m. Đây sẽ là mối ẩn họa tiềm tàng về ô nhiễm vì bão bụi, sạt lở.

Trong khi đó, với khối lượng dự kiến xấp xỉ 172 triệu m3 đổ lấn từ mép biển đến đường đẳng sâu âm -10m, TS Thuận lo ngại, bãi thải trên biển lớn nhất cả nước từ trước tới nay với cao trình bề mặt đạt độ cao +25m sẽ là một hậu họa lớn khi xẩy ra biến cố.

“Khi hình thành và tồn tại bãi đổ thải biển quy mô lớn, từ đới bờ ra đến độ sâu -10m, sẽ làm thay đổi cân bằng của quá trình tương tác giữa biển và đới bờ. Tác động tổng hợp của thiên tai và động lực biển dễ dàng phá hủy bãi thải, gây ra nhiều hậu quả, như: Thay đổi nền đáy biển, xói lở bờ biển phía bắc, phía nam bãi thải, suy thoái môi trường nước biển, thay đổi hệ sinh thái ven bờ, làm biến dạng ngư trường”.

Văn Dũng