1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Mỏ sắt Thạch Khê: Vốn đầu tư tăng lên 14.500 tỷ đồng, lấn biển xả thải

(Dân trí) - Theo báo cáo mới nhất từ chủ đầu tư, dự án sẽ được điều chỉnh tăng vốn đầu tư so với thời điểm lập dự án lên đến 30%, tương đương với mức 14.517 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1, nguồn vốn đầu tư gồm 30% vốn góp của các cổ đông, 70% vốn vay và nguồn huy động khác.


Việc tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều do lo ngại về ô nhiễm môi trường cũng như hiệu quả đầu tư.

Việc tái khởi động mỏ sắt Thạch Khê đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều do lo ngại về ô nhiễm môi trường cũng như hiệu quả đầu tư.

Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) mới đây lại tiếp tục có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc tái khởi động lại dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh). Hiện mỏ sắt này được đánh giá là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á, được định giá lên đến 35 tỷ USD.

Mặc dù Chính phủ, bộ ngành trung ương, cán bộ, nhân dân Hà Tĩnh đã tạo điều kiện thuận lợi, nhưng từ sau khi khởi công (tháng 9/2009) dự án triển khai có quá nhiều yếu kém, bất cập chưa được giải quyết.

Cụ thể quy mô dự án lớn, thời gian khai thác mỏ dài, nhưng năng lực nhà chủ đầu tư quá yếu kém, không huy động đủ vốn cần thiết để triển khai dự án như cam kết; Vị trí khai thác mỏ sát biển, nhưng các báo cáo, trình tự về đầu tư xây dựng, giải pháp kỹ thuật khai thác, chế biến, bảo vệ môi trường còn quá sơ sài, đơn giản. Một vấn đề khác liên quan đến chủ đầu tư đó là chưa triển khai phương án tuyển dụng, đào tạo, chuyển đổi nghề cho lao động của địa phương…

Những bất cập nêu trên đã buộc Thủ tướng Chính phủ phải cho tạm dừng bốc đất tầng phủ và tái cơ cấu cổ đông của TIC vào tháng 7/2011.

Vốn đầu tư tăng lên 14.500 tỷ đồng

Hồi cuối năm ngoái, trong văn bản gửi lên Thủ tướng Chính phủ, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh nêu kiến nghị Trung ương chỉ cho phép tái khởi động dự án mỏ sắt Thạch Khê một khi chủ đầu tư hoàn tất các tồn tại hiện nay, trong đó phải chứng minh được nguồn vốn khả thi của mình.

Trên thực tế, TIC không còn tiền đầu tư, trong khi nhu cầu kinh phí trong năm 2016 và các năm tiếp theo rất lớn. Chẳng hạn ngoài chi phí đầu tư, sản xuất còn phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 114 tỷ đồng/năm. Việc giải phóng mặt bằng, tái định cư cũng cần bổ sung thêm 1.000 tỷ đồng. Trong khi TIC chỉ có nguồn tài chính duy nhất thu được từ khai thác mỏ sắt, việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư là khó khăn, tính khả thi không cao.

Theo báo cáo mới nhất gửi lên bộ ngành, TIC cho biết, dự án đã được điều chỉnh tăng vốn đầu tư so với thời điểm lập dự án lên đến 30%, tương đương với mức 14.517 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 1 là 6.777 tỷ, giai đoạn 2 là 7.739 tỷ đồng.

TIC hiện đã cơ cấu lại số cổ đông, từ 9 giảm xuống chỉ còn 5. Tuy nhiên, chỉ có hai công ty tiếp tục góp vốn là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và công ty Thăng Long. Các cổ đông như Mitraco, VnSteel, Bitexco không thực hiện nghĩa vụ góp vốn, tổng là 214 tỷ đồng. Do đó, TKV đã nâng tỷ lệ sở hữu lên 59,5%, Thăng Long nắm 13,45% vốn điều lệ TIC.

Theo dự án được duyệt, nguồn vốn đầu tư gồm 30% vốn góp của các cổ đông, 70% vốn vay và nguồn huy động khác. Trong đó, báo cáo của TIC cho biết, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, hiện nay TIC đã huy động vốn góp cổ đông 1.809 tỷ đồng, còn thiếu 224 tỷ đồng cần góp để đủ vốn đối ứng 30% giai đoạn 1 của dự án.

Về vấn đề huy động vốn vay thương mại và các nguồn vốn khác, báo cáo cũng cho biết, BIDV có văn bản đồng ý chủ trương tài trợ vốn giai đoạn 1 cho dự án. Ngoài ra, các ngân hàng SHB, ngân hàng Tiên Phong, Mizuho, May Bank đã phối hợp với đơn vị tư vấn huy động vốn BSC làm việc với TIC để nghiên cứu và thẩm định nhằm sớm đạt được thoả thuận tài trợ vốn cho dự án.

Ngoài việc huy động vốn góp cổ đông và vốn vay thương mại, TIC cũng cho biết, sẽ sử dụng nguồn vốn từ doanh thu thu về và huy động nguồn vốn xã hội hoá các khâu như bóc xúc, vận chuyển, khoan nổ mìn… từ các doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, có thể huy động vốn từ thị trường vốn trên các sàn giai dịch trong và ngoài nước khi dự án đi vào hoạt động.

Phương án huy động vốn cho giai đoạn 2 của dự án với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 7.739 tỷ đồng hiện chưa được đề cập trong báo cáo của TIC.

Liên quan đến nỗi lo thừa quặng của Hà Tĩnh, báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công ty Cổ phần sắt Thạch Khê cho rằng: Hiện có một số doanh nghiệp trong nước đăng ký với TIC để tiêu thụ quặng sắt từ mỏ Thạch Khê (công ty CP thép Hòa Phát, công ty CP thương mại Thái Hưng với tổng nhu cầu 5.700 ngàn tấn, đủ khả năng tiêu thụ sản phẩm của giai đoạn 1 công suất 5.000 tấn/năm).

Cả phía TIC lẫn Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều khẳng định: "tại thời điểm hiện tại, dự án hiệu quả hơn thời điểm phê duyệt". TIC cũng dự báo, mỏ sắt Thạch Khê sẽ hoàn vốn trong khoảng 9,5 năm, hàng năm nộp ngân sách dự án là 1.200 tỷ đồng trong giai đoạn 1, giai đoạn 2 là 2.400 tỷ đồng. Tổng thu từ các khoản phí trên của dự án đạt trên 89.700 tỷ đồng, giải quyết cho 3.490 lao động trực tiếp và lợi nhuận đem lại cho nhà đầu tư là 66.391 tỷ đồng, sau thuế đạt 53.024 tỷ đồng.

Lấn biển để xả thải

Khi chủ trương khởi động lại dự án được TKV đề xuất, ngoài khả năng thu xếp vốn, UBND tỉnh Hà Tĩnh nhiều lần bày tỏ sự lo ngại về những tác động đến môi trường sống khi triển khai đại dự án này.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mỏ sắt Thạch Khê là mỏ lộ thiên lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, khai thác ở độ sâu lớn, có bán kính vùng ảnh hưởng rộng nên các tác động môi trường là điều khó tránh khỏi. Cụ thể, dự án chiếm dụng đến 4.821 ha đất, ảnh hưởng tới nguồn sống của hơn 5.000 hộ dân với hơn 20.000 dân của 6 xã Thạch Khê, Thạch Hải, Thạch Đỉnh, Thạch Bàn, Thạch Trị và Thạch Lạc; mất đi một lượng nước ngọt rất lớn trong quá trình khai thác, gây ảnh hưởng tới tưới tiêu nông nghiệp và sinh hoạt của người dân xung quanh, bị xâm thực nước biển gây nhiễm mặn và sa mạc hóa; suy giảm mực nước ngầm,…

Các giải pháp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường được chủ đầu tư tính đến bao gồm: xây dựng hệ thống hồ môi trường, khu xử lý chất thải rắn, phun nước chống bụi trên đường ô tô, bể thu dầu mỡ, bể xử lý nước thải, tái sử dụng nước thải mỏ phục vụ tưới tiêu và sinh hoạt cho nhân dân xung quanh...

Một trong số giải pháp được tính đến để chống cát bay, cát chảy, Công ty Sắt Thạch Khê và Bộ Công Thương đưa ra giải pháp là đổ thải lấn biển thay vì đổ thải trên đất liền. Theo đó, dự án bổ sung phương án đổ thải lấn biển (khoảng 171 triệu m3) với diện tích 923 ha, độ cao 25m, chuyển toàn bộ cát trong tầng đất phủ ra bãi thải lấn biển.

Bộ Công Thương cho rằng phương án đổ thải lấn biển sẽ mang lại những lợi ích như giảm dung tích và cốt cao đổ thải trong đất liền để đảm bảo các yếu tố an toàn, vệ sinh môi trường (chống cát bay); giảm nguy cơ rủi ro trong quá trình khai thác mỏ; tạo khu đất để xây dựng cảng phục vụ công tác vận chuyển tiêu thụ quặng sắt,... Ngoài ra, ngư dân có thể sử dụng các tàu lớn để đánh bắt thủy sản nhờ bến bãi để cập tàu và tránh bão tại khu vực cảng.

Nhà máy luyện thép xin hoãn tới sau năm 2020

Trước đó, vào chiều 16/12/2016, tại cuộc làm việc với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn khẳng định là Hà Tĩnh nhất quyết không cho xuất quặng thô, mà nhà đầu tư phải xây dựng nhà máy, phải tinh luyện thép để xuất bán ra thị trường. Tuy nhiên, đối với dự án luyện phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm, trong báo cáo lần này, TIC tiếp tục xin giãn tiến độ tới sau năm 2020 với lý do “dự án phôi thép có công nghệ phức tạp, có thể tác động lớn đến môi trường nên cần được nghiên cứu kỹ về công nghệ và hiệu quả đầu tư”.

Phương Dung