Hà Tĩnh:

Dự án mỏ sắt Thạch Khê: Tiếp tục thực hiện dự án là rất mạo hiểm!

(Dân trí) - Hiệu quả kinh tế chưa thật rõ, trong khi điều kiện tự nhiên vùng mỏ để khai thác khoáng sản có rất nhiều rủi ro, hậu quả về môi trường, xã hội rất lớn, thấy rõ, không dễ giải quyết, năng lực tài chính của chủ đầu tư yếu, khả năng huy động vốn vay cho dự án còn chưa xác định… Việc tiếp tục thực hiện dự án vì thế là rất mạo hiểm, cần được cân nhắc thận trọng.

Đó là thông tin được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cung cấp cho Dân trí sau Hội thảo góp ý Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng tổ chức vào ngày hôm qua, 25/7, tại Hà Nội.

Hội thảo góp ý Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng tổ chức.
Hội thảo góp ý Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng tổ chức.

Trao đổi với Dân trí vào sáng ngày 26/7, ông Dương Tất Thắng cho biết, cuộc hội thảo do GS.TSKH. Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Vusta, TS Phan Tùng Mậu - Phó Chủ tịch Vusta đồng chủ trì, được tiến hành sau khi các chuyên gia, nhà nghiên cứu của VUSTA thuộc các lĩnh vực mỏ, địa chất, thủy lợi, môi trường… vừa hoàn thành khảo sát, nghiên cứu sâu rộng tổng thể dự án khai thác sắt Thạch Khê theo lời mời của UBND tỉnh Hà Tĩnh.

Theo ông Thắng, vấn đề được các đại biểu, chuyên gia tham gia hội thảo cân nhắc, mổ xẻ nhiều nhất là giữa cái được và cái mất, giữa kinh tế và môi trường khi dự án khai thác sắt Thạch Khê tiếp tục được triển khai.

“Đã có 5 cụm nội dung là công nghệ khai thác; công nghệ chế biến; tác động môi trường; hiệu quả kinh tế; tác động đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương được các đại biểu, chuyên gia tập trung phân tích” – ông Thắng cung cấp thông tin.

Hậu quả môi trường và xã hội rất lớn

Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh cho biết, tại hội thảo, các đại biểu trong đó có GS.TS Đặng Trung Thuận - Chủ tịch Hội Địa hóa Việt Nam thẳng thắn nêu ra, dự án chưa chứng minh rõ được hiệu quả kinh tế, trong khi hậu quả về môi trường, xã hội thì rất lớn, thấy rõ và không dễ giải quyết.

“Các vấn đề về môi trường mà các đại biểu nêu ra là suy giảm nước ngầm khu vực, xả thải nguồn nước thải khoảng 200.000 m2/ngày đêm, ảnh hưởng của bãi thải lấn biển đến môi trường biển ven bờ, nguy cơ nhiễm mặn và sa mạc hóa vùng đất ven biển Hà Tĩnh, ảnh hưởng của vận chuyển quặng và đất đá thải tới hạ tầng giao thông của địa phương…” – ông Thắng thông tin.

Theo ông Thắng, các đại biểu nêu ra những trăn trở lo lắng có cơ sở về sinh kế, di dân, tái định cư, nguy cơ tranh chấp và xung đột môi trường, giải quyết việc làm và ổn định cuộc sống cho hàng ngàn người dân xung quanh khu vực khai thác mỏ.

Đáng chú ý, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho rằng, đó là địa bàn khai thác quặng dễ tổn thương do đây là vùng đồi cát, giao nhau giữa bờ biển với dãy núi cao đang tiến dần về hướng biển. Mặt khác đây là địa bàn thường xuyên chịu tác động của biển như hải lưu, sóng, bão, áp thấp nhiệt đới, trong lịch sử khu vực này đã từng xảy ra động đất 6,1 độ richter, dấu vết của sóng thần còn lưu tại những cồn cát tự nhiên từ xa xưa.


Địa bàn khai thác quặng sắt Thạch Khê dễ tổn thương do đây là vùng đồi cát, thường xuyên chịu tác động của biển như hải lưu, sóng, bão, áp thấp nhiệt đới.

Địa bàn khai thác quặng sắt Thạch Khê dễ tổn thương do đây là vùng đồi cát, thường xuyên chịu tác động của biển như hải lưu, sóng, bão, áp thấp nhiệt đới.

Ngoài ra, tại hội thảo các chuyên gia của VUSTA cũng đồng quan điểm với tỉnh Hà Tĩnh: Năng lực của TIC - chủ đầu tư dự án chưa đáp ứng được điều kiện để khai thác, kể cả với giai đoạn I là bốc đất tầng phủ, bồi thường giải phóng mặt bằng. Không những yếu, thiếu năng lực tài chính, mà khả năng huy động vốn vay đáp ứng khả năng triển khai dự án TIC cũng chưa xác định được.

3 phương án để lựa chọn

PCT tỉnh Hà Tĩnh thông tin, các đại biểu dự hội thảo nhấn mạnh vùng mỏ để khai thác khoáng sản có rất nhiều rủi ro, việc tiếp tục thực hiện dự án là rất mạo hiểm, cần được cân nhắc thận trọng. Ông Thắng cho biết, GS.TS Đặng Trung Thuận nêu 3 phương án để lựa chọn cho mỏ sắt Thạch Khê trong thời gian tới.

Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế tại dự án sắt Thạch Khê.

Liên quan đến dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê, trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh vào chiều 24/7/2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao cho các bộ, ngành liên quan nghiên cứu kỹ, đề xuất báo cáo Thủ tướng trên quan điểm nhất quán của Chính phủ là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.

Phương án thứ nhất, là nối lại hoạt động khai thác, chấp nhận các rủi ro. Theo phương án này, cái được chính là tiếp nối những công việc đã làm, như đã bóc đất tầng phủ 12,7 triệu m3 đến cốt -34m; đã giải ngân đến tháng 11/2016 là 1.589,59 tỷ đồng; đã đúc rút được kinh nghiệm của giai đoạn khai thác thử nghiệm.

Còn cái mất là phải chấp nhận tất cả các rủi ro, tổng hòa các rủi ro đó là nguy cơ tác động mạnh đến môi trường đất, nước, biển và an sinh xã hội… Nếu chấp nhận phương án này thì việc khắc phục các rủi ro sẽ đẩy giá thành sản xuất quặng lên cao, kém sức cạnh tranh trên thị trường.

Phương án thứ hai, là chấm dứt hoạt động, chấp nhận mất phần vốn đầu tư bỏ ra. Theo phương án này, cái được là tránh tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm. Cái mất là cả chủ đầu tư và địa phương phải chấp nhận mất khoản vốn, công sức đầu tư rất lớn đã bỏ ra.

Phương án thứ ba, là tạm dừng hoạt động của dự án. Nếu theo phương án này được chấp thuận, thì việc dừng lại dự án cho phép chủ đầu tư có thời gian lựa chọn phương thức xử lý tốt về môi trường, lựa chọn kỹ thuật và công nghệ khai thác. Cái mất của phương án này là phải chấp nhận tạm dừng các hoạt động khai thác quặng sắt Thạch Khê, điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến công ăn, việc làm của Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) và kế hoạch phát triển sản xuất của chủ đầu tư.

Quặng sắt Thạch Khê đã lộ thiên, nhưng TIC không đủ năng lực để biến mỏ quặng này thành lợi ích kinh tế, tăng nguồn thu cho quốc gia.
Quặng sắt Thạch Khê đã lộ thiên, nhưng TIC không đủ năng lực để biến mỏ quặng này thành lợi ích kinh tế, tăng nguồn thu cho quốc gia.

Ông Dương Tất Thắng, PCT tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, các tham luận, ý kiến phát biểu của các chuyên gia hàng đầu đất nước về dự án sắt Thạch Khê là đầy tâm huyết, hết sức trách nhiệm, có tính phản biện rất cao. Nội dung tại hội thảo này sẽ được Vusta và tỉnh Hà Tĩnh tổng hợp thành báo cáo gửi trình Chính phủ xem xét quyết định liệu có tiếp tục triển khai dư án khai thác sắt Thạch Khê hay không.

Dự án “Đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ Thạch Khê, Hà Tĩnh” trên diện tích đất sử dụng là 3.877 ha được Chính phủ quyết định cho khai vào năm 2007 trên cơ sở thành lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) vào ngày 17/5/2007 với 9 cổ đông, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam là cổ đông chủ lực, vốn điều lệ là 2.400 tỷ đồng.

Sau quá trình hoàn tất các thủ tục, từ đầu năm 2009, TIC bắt đầu bóc đất tầng phủ bằng thiết bị cơ giới. Tháng 7/2-11, sau hai năm liên tục triển khai, đã bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3, đạt độ sâu âm trên 40m, do nhiều khó khăn chủ yếu là do kinh phí, công nghệ, tác động môi trường Chính phủ đã buộc phải cho TIC tạm ngừng triển khai dự án.

Từ khi đắp chiếu đến nay, số phận dự án khai thác mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á có được tiếp tục hay không luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Văn Dũng