Hà Tĩnh

Dự án sắt Thạch Khê: Kiến nghị Thủ tướng dừng ngay dự án

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương cho phép Công ty CP sắt Thạch Khê dừng dự án khai thác sắt Thạch Khê và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.

Đây là kiến nghị được Bộ KH-ĐT đưa ra sau nhiều cuộc họp, ghi nhận ý kiến các bên, tham vấn ý kiến của nhiều chuyên gia sau khi được Thủ tướng Chính phủ giao xem xét kiến nghị tiếp tục được tái khởi động dự án của TIC và kiến nghị dừng dự án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới đây.

Chủ đầu tư yếu, nhiều rủi ro lớn

Cụ thể, Bộ KH-ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương cho phép Công ty CP sắt Thạch Khê dừng dự án khai thác sắt Thạch Khê và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.

Một trong những lý do là, theo Bộ KH-ĐT, năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, cho dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tơi 2 lần điều chỉnh giảm.

Tháng 12/2014, dự án điều chỉnh phê duyệt có tổng mức đầu tư là hơn 14.500 tỷ đồng. Đến tháng 4/2016 giảm còn hơn 13.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là hơn 6.600 tỷ đồng. Đến tháng 3/2017, theo đề nghị của Bộ KH-ĐT, Công ty sắt Thạch Khê đã tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án và tổng mức đầu tư dự án giảm còn hơn gần 12.200 tỷ đồng.

Thế nhưng, Bộ KH-ĐT cho rằng sau 2 lần điều chỉnh (giảm 2.300 tỷ đồng), dự án vẫn chưa tính hết chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư của dự án.

Ngoài ra, theo Bộ KH-ĐT, Dự án điều chỉnh phê duyệt năm 2014 chưa tính đủ chi phí vào tổng mức đầu tư và chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn nên không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án.

Theo Bộ KH-ĐT, TIC - chủ đầu tư dự án - quá yếu về năng lực nên khó triển khai dự án như cam kết.
Theo Bộ KH-ĐT, TIC - chủ đầu tư dự án - quá yếu về năng lực nên khó triển khai dự án như cam kết.

Trong đó, việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ KH-ĐT đánh giá mới có Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê với khối lượng 2017-2021 là 3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2022-2027 chưa có cam kết cụ thể. Cho nên phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là “chưa chắc chắn”.

Hơn nữa, còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng;...

“Việc triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hiện nay không được sự đồng thuận của tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hà Tĩnh do còn nhiều băn khoăn về tính khả thi của dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội, đầu tư cảng biển vận chuyển quặng sắt, phương án bảo vệ người dân...”, Bộ KH-ĐT cho biết.

Bộ KH-ĐT nhìn nhận, nếu dự án tiếp tục tạm dừng, khoản đầu tư gần 1.600 tỷ đồng mà chủ đầu tư TIC đã bỏ ra sẽ chậm cơ hội hoàn vốn, đồng thời lãng phí cơ sở vật chất, thiết bị đã đầu tư.

Ngoài ra, các hộ dân đã được di chuyển đến khu tái định cư và các hộ dân chưa được giải quyết tái định cư đều bị ảnh hưởng, nguy cơ trở thành điểm nóng về an ninh trật tự, mất niềm tin người dân nếu như địa phương không sớm công bố rõ về quan điểm và hướng triển khai dự án.

Vì thế, để xử lí các hệ lụy nêu trên, Bộ KH-ĐT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập Tổ công tác liên ngành do Bộ KH-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, tỉnh Hà Tĩnh, Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam, Công ty Sắt Thạch Khê để đánh giá tổng thể và đề xuất phương án xử lý tồn tại về tài chính, đất đai, hoàn thổ, công trình đầu tư dở dang của Đề án 946.

Không mất trắng

GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội địa hóa Việt Nam cho rằng, cái mất của việc phải dừng dự án là chủ đầu tư phải chấp nhận mất một khoản vốn đầu tư gần 1.600 tỷ đồng mà việc dựa vào kinh doanh khác để bù lại là không hề dễ dàng.

Ngoài ra, việc dừng dự án sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công ăn, việc làm của TIC, của hàng ngàn lao động và kế hoạch phát triển, sản xuất của chủ đầu tư.

Tuy nhiên, theo GS Thuận, cái mất này không phải là mất trắng, mà có thể được xem như là “quà” của Nhà nước và doanh nghiệp dành cho người dân, phần thiệt hại được xem như là quy luật nghiệt ngã của rủi ro trên thương trường.

“Khoản tiền đền bù di dân tuy lớn, nhưng có thể xem như là quà của Nhà nước và doanh nghiệp biếu cho cộng đồng dân cư nghèo khó của huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.

Giàn xe khủng bốc đất tầng phủ của TIC nằm đắp chiếu suốt nhiều năm qua.
Giàn xe khủng bốc đất tầng phủ của TIC nằm đắp chiếu suốt nhiều năm qua.

Phần tiền trả lương cho công nhân trong các năm 2009 – 2011 cũng tương đối nhiều, nhưng có thể xem như phần thưởng cho số công nhân từ Quảng Ninh chấp nhận xa nhà, nhiệt tình vào vùng đất công cát Hà Tĩnh lắm khó khăn theo tiếng gọi của dự án” – GS Thuận nêu quan điểm.

Cũng theo GS Thuận, cái được lớn nhất của phương án chấm dứt dự án là tránh được tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xẩy ra trong suốt đời dự án lên đến 52 năm.

Đây mới chỉ là kiến nghị của Bộ KH-ĐT. Dự kiến trong thời gian tới Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét thấu đáo tất cả các kiến nghị của bộ, ngành, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và kiến nghị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Tĩnh mới đi đến kết luận cuối cùng tạm dừng hay cho phép TIC tái khởi động lại dự án khai thác sắt Thạch Khê.

Văn Dũng