Dự án mỏ sắt Thạch Khê: Vì sao các đại gia khai thác mỏ thế giới rút lui?

(Dân trí) - Với trữ lượng thăm dò lên đến 544 triệu tấn, hàm lượng sắt cao, nằm tập trung, mỏ sắt Thạch Khê luôn nhận được sự quan tâm của các đại gia khai thác mỏ của thế giới trong hơn nửa thế kỷ qua. Thế nhưng, họ đến rồi lặng lẽ rời đi. Vì sao?

Bỏ đi vì… chưa có lãi?

Theo nhiều tài liệu đã công bố trước đây, với trữ lượng lên đến 544 triệu tấn, mỏ sắt Thạch Khê chiếm gần 50% tổng trữ lượng quặng sắt Việt Nam và là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Với hàm lượng sắt cao (Fe >61%), nằm tập trung trong một khu vực, quặng sắt Thạch Khê có nhiều lợi thế cho việc tuyển và chế biến với quy mô lớn. Đặc biệt, tổng giá trị của khu mỏ được định giá lên đến 35 tỷ USD càng thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư.

Mỏ sắt Thạch Khê được đánh giá có trữ lượng 544 triệu tấn, trị giá kinh tế 35 tỷ USD.
Mỏ sắt Thạch Khê được đánh giá có trữ lượng 544 triệu tấn, trị giá kinh tế 35 tỷ USD.

Thực tế, dành sự quan tâm rất lớn cho mỏ sắt Thạch Khê, trong hơn nửa thế kỷ qua, bắt đầu từ năm 1960, các chuyên gia, đoàn địa chất nước ngoài, gồm Liên Xô (sau này là CHLB Nga), Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Nam Phi đã tiến hành khoan thăm dò, lập báo cáo kết quả thăm dò nhằm phục vụ cho việc lập dự án đầu tư khai thác mỏ sắt này.

Cụ thể, từ 1961 đến 1987, các chuyên gia, đoàn địa chất đến từ Liên Xô đã tiến hành khoan kiểm tra, lập báo cáo kết quả thăm dò tỉ mỉ, lập luận chứng kinh tế kỹ thuật (TEO) liên hợp thép tại Hà Tĩnh, bao gồm Dự án khai thác, tuyển mỏ Thạch Khê với công suất 3 triệu tấn/năm và Dự án luyện gang lò cao và sản xuất thép với công suất 1,5 triệu tấn/năm.

Năm 1990 – 1991, liên doanh hai công ty của Đức là Krupp và Lohrho Pacific đã lập báo cáo tiền khả thi khai thác mỏ với công suất 10 triệu tấn tinh quặng/năm. Sản phẩm chủ yếu dùng cho xuất khẩu.

Cùng thời điểm này nhóm các công ty của Nhật Bản do Nippon Steel đứng đầu cùng với Mitsui, Nachimen và Nissho Iwai đã lập báo cáo tiền khả thi khai thác mỏ quặng sắt Thạch Khê với công suất 5 triệu tấn/năm.

Năm 1994 các công ty khác của Đức là Công ty tư vấn kỹ thuật Dr Otto Gold lập “Báo cáo đánh giá địa chất và chất lượng mỏ quặng sắt Thạch Khê” và Công ty Rheinbraun Engineering (RE) lập Dự án tháo khô mỏ bằng phương pháp mô hình hóa và lỗ khoan hạ thấp nước ngầm.

Từ năm 1994 – 1997, dựa vào kết quả nghiên cứu của hai công ty Đức nói trên, tổ hợp các nhà đầu tư Krupp (Đức), Tập đoàn Genco (Nam Phi), Mitsubishi (Nhật Bản) đã rất quyết tâm thực hiện dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê khi lập dự án khai thác mỏ với công suất 10 triệu tấn/năm. Các tập đoàn này đã khoan 21 lỗ, lấy 65 tấn mẫu quặng sắt gửi sang Đức nghiên cứu luyện kim.

Từ 2004 -2007, các công ty của Nga lập dự án khai thác 5 triệu tấn quặng/năm để sản xuất quặng thiêu kết (PA1) và phương án (PA2) để sản xuất quặng vê viên cho luyện gang lò cao.

Mặc dù đã đổ công sức, tiền của cho việc lập các dự án, nhưng cuối cùng không một liên danh, hay công ty nước ngoài nào bỏ vốn đầu tư khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Theo tài liệu mà ông Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam và GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Chủ tịch Hội địa hóa Việt Nam Hội thông tin tại Hội thảo góp ý Dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) cùng UBND tỉnh Hà Tĩnh đồng tổ chức vào ngày 25/7 vừa qua tại Hà Nội, thì lí do mà các đại gia khai thác mỏ của thế giới từ bỏ đầu tư dự án sắt Thạch Khê là do dự này… chưa có lãi!

Các đại gia khai thác mỏ của thế giới từ bỏ đầu tư dự án sắt Thạch Khê là do dự này… chưa có lãi
Các đại gia khai thác mỏ của thế giới từ bỏ đầu tư dự án sắt Thạch Khê là do dự này… chưa có lãi

Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá, số liệu địa chất thăm dò quặng Thạch Khê mà Việt Nam công bố trước đây là có độ tin cậy, tuy vậy do hàm lượng kẽm trong quặng cao, hơn 0,07% so với quặng thế giới, nên chi phí tuyển luyện tốn kém hơn.

Tiếp đó, là điều kiện địa chất thủy văn, địa chất công trình phức tạp cũng khiến chi phí sản xuất cao.

Ngoài ra, các đại gia khai mỏ của nước ngoài đánh giá, trữ lượng quặng sắt Thạch Khê 544 triệu tấn mà Việt Nam đã công bố khác với tiêu chuẩn về trữ lượng và tài nguyên của quốc tế. Trữ lượng 544 triệu tấn mà Việt Nam công bố thực chất là gồm trữ lượng có giá trị công nghiệp và tài nguyên dự tính.

“Với công nghệ khai thác, giá thành quặng khai thác, tuyển, chế biến, giá sản phẩm gang thép lúc đó, thì khai thác sắt Thạch Khê chưa có lãi. Thế nên họ đã rút quân đi, không đầu tư tiếp”- GS.TS Đặng Trung Thuận thông tin.

Lo ngại dư thừa quặng sắt

Một trong những lo ngại được đặt ra là: Nếu được Chính phủ chấp thuận cho tái khởi động thì TIC sẽ bán quặng đi đâu, bởi một thực tế nhu cầu tiêu thụ quặng sắt trong nước không lớn, trong khi nguồn cung trên thế giới gia tăng mạnh mẽ.

Hiện tổng khối lượng mà Bộ Tài nguyên – Môi trường (TNMT) và các địa phương cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác đến 12,9 triệu tấn/năm, tương đương 8 triệu tấn quặng tinh. Nhưng thực tế, theo các chuyên gia, sản lượng tiêu thụ hiện khá hạn chế, khoảng hơn 1 triệu tấn, chỉ phục vụ cho các nhà máy thép của Tập đoàn Hòa Phát, thép Thái Nguyên, thép Việt Trung)…

Sản lượng tiêu thụ hiện khá hạn chế cộng với một số dự án thép lò cao như Vạn Lợi (Vũng Áng, Hà Tĩnh), thép Mega Vinastar (Quảng Ninh) không kịp đầu tư hoặc đổ vỡ, nên gần đây đã đã xẩy ra tình trạng tồn kho quặng sắt. Để giảm thiểu khó khăn, cuối năm 2016, đầu 2017, một số doanh nghiệp đã có văn bản xin được xuất khẩu lượng hàng tồn kho này.

Theo các chuyên gia, hiện nhu cầu tiêu thụ quặng sắt trong nước không lớn, trong khi nguồn cung trên thế giới gia tăng mạnh mẽ.
Theo các chuyên gia, hiện nhu cầu tiêu thụ quặng sắt trong nước không lớn, trong khi nguồn cung trên thế giới gia tăng mạnh mẽ.

Trong khi đó, xu thế nguồn cung của thế giới vẫn liên tục tăng, khiến giá quặng sắt có chiều hướng giảm.

Theo dự báo của CitiGroup (ngân hàng lớn thứ tư thế giới), dù đã chi phối thị trường quặng sắt thế giới nhưng 2 quốc gia Australia và Brazil vẫn không ngừng tăng sản lượng. Dự báo, từ năm 2016 đến 2020, Brazil sẽ tăng sản lượng quặng sắt từ 371 triệu tấn lên 480 triệu tấn, còn Australia cũng sẽ tăng từ 835 triệu tấn lên 934 triệu tấn. Chỉ tính riêng hai Tập đoàn Vale (Brazil) và BHP Billinton (Australia) cũng tăng sản lượng lên thêm 100 triệu tấn/năm.

Đáng lo ngại hơn, nhu cầu của Trung Quốc, thị trường ngốn đến 80% sản lượng quặng sắt thế giới dẫu tăng trong những năm gần đây, tuy nhiên đây chỉ là nguồn nhu cầu ngắn hạn. Chủ trương loại bỏ các lò luyện thép chất lượng thấp và tăng sử dụng thép phế thải càng khiến nhu cầu quặng sắt của nước này giảm mạnh trong tương lai.

Việc sản lượng tăng, nhu cầu giảm đã khiến giá quặng sắt giảm rõ rệt trong thời gian qua. Tính từ đầu tháng 9/2016, giá quặng sắt đã giảm 3,7%. Xu thế giá quặng sắt sẽ giảm dưới mức 50USD/tấn.

Theo nhận định của ông Phạm Thế Minh, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, với diễn biến sản xuất quặng của thế giới thời gia qua thì giá quặng sắt giảm xuống dưới mức 50USD/tấn là có thể xẩy ra. Nếu mức giá này thì sắt Thạch Khê sẽ sản xuất lỗ.

“Nếu về mức giá 50 USD trở xuống là ta sản xuất lỗ. Nếu tính đến việc tuổi thọ của lò cao giảm đi ½ do hàm lượng kẽm cao, chi phí bão dưỡng tốn hơn vật liệu và những yếu tố rủi ro khác trong quá trình khai thác quặng mà ta chưa lường hết được thì quặng sắt Thạch Khê sẽ rất khó bán”- ông Minh đưa ra nhận định.

Văn Dũng