1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Điện tăng 7,5%, có thật chỉ phải trả thêm "vài nghìn đồng"?

(Dân trí) - Theo tính toán của Dân trí, với mức tăng giá 7,5% từ 16/3 tới, các hộ gia đình sẽ chỉ phải trả thêm trên 100 đồng/kWh, nhưng trong mùa nóng, nếu dùng tới 700-800 kWh điện mỗi tháng, khoản tiền tăng thêm có thể tới gần 130.000 đồng/tháng.

Điện tăng 7,5%, có thật chỉ phải trả thêm vài nghìn đồng?
Chỉ phải trả thêm trên 100 đồng/kWh nhưng nếu sử dụng nhiều, không ít gia đình sẽ "méo mặt" vì giá điện

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Như tin đã đưa, ngày 16/3 tới, giá điện bán lẻ bình quân sẽ tăng thêm 7,5% tương ứng lên 1.622,05 đồng/kWh từ mức 1.508,85 đồng/kWh như hiện tại. Tuy nhiên, không phải mọi đối tượng người tiêu dùng đều sẽ chịu tác động giống nhau.

Trao đổi tại cuộc họp báo ngày 6/3, ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, theo tính toán của “nhà đèn”, mỗi tháng, mỗi gia đình dùng điện chỉ phải trả thêm 4.800 đồng với 50 kWh đầu tiên. Còn đối với hộ sản xuất, tùy theo giá thành của từng hộ tiêu thụ, nếu dùng nhiều sẽ phải trả mức chênh lệch nhiều hơn, mức tăng nhìn chung dao động từ 0,06 đến 0,6% tùy từng hộ.

Để làm rõ hơn về vấn đề này, cần lật giở lại Quyết định số 28/2014/QĐ-Ttg của Thủ tướng ngày 7/4/2014 quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.

Theo quy định tại Quyết định này, giá bán lẻ điện sinh hoạt được chia làm 6 bậc và sau khi điều chỉnh giá, những hộ tiêu thụ trong 50 kWh đầu tiên chỉ phải trả bằng 92% mức giá bình quân mới; từ 51kWh tiếp theo đến 100 kWh phải trả bằng 95%.

Trong khi đó, với những hộ tiêu thụ từ 101-200 kWh thì mức giá áp dụng sẽ tương ứng với 110% giá bình quân mới; từ 201-300 kWh là 138%; từ 301-400 kWh là 154% và từ 401 kWh trở lên là 159%. Với giá bán lẻ điện sinh hoạt dùng công tơ thẻ trả trước thì mức giá điều chỉnh là 132%.

Độc giả có thể quan sát chi tiết ở bảng sau:

Điện tăng 7,5%, có thật chỉ phải trả thêm vài nghìn đồng?

Như vậy, với những hộ dùng điện nhiều tức từ 401 kWh mỗi tháng trở lên thì sẽ phải trả thêm 180 đồng/kWh so với mức giá hiện tại. Trong trường hợp mỗi tháng những hộ gia đình này dùng khoảng 500 kWh điện thì mức chi trả thêm sẽ là 74.100 đồng (tính lũy tiến). Tuy nhiên, vào mùa nóng, nhu cầu sử dụng điện nhiều hơn, có những gia đình sẽ sử dụng tới 700-800 kWh/tháng và sẽ phải trả thêm so với hiện tại 110.000 đồng đến 128.100 đồng mỗi tháng.

Phó Tổng giám đốc EVN trong cuộc họp báo vừa rồi cũng cho biết, EVN là doanh nghiệp duy nhất không khuyến khích người tiêu dùng gia tăng sử dụng điện mà kêu gọi tiết kiệm.

Trước đó, trao đổi với báo giới, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải từng lập luận, với việc tăng giá điện thì không những Chính phủ, EVN mà cả người dân (bao gồm các hộ tiêu thụ điện và các doanh nghiệp) đều có lợi.

Cụ thể, theo ông, cần phải để giá điện tiệm cận thị trường, tạo sự cạnh tranh, không để độc quyền. “Khi tăng giá điện, đầu tiên là Chính phủ được lợi, nhưng sau đó là doanh nghiệp, người dân cũng sẽ được lợi vì sẽ không còn độc quyền. Doanh nghiệp muốn cạnh tranh cũng phải đầu tư trang thiết bị, công nghệ tiên tiến hiện đại để tạo giá thành thấp”

Thứ trưởng Công thương cũng cho rằng, với mức giá bán điện thấp hơn giá thành như hiện nay thì Chính phủ thành ra phải bù lỗ và hưởng lợi nhất chính là các doanh nghiệp sắt thép, xi măng, những nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài. Những ngành sử dụng nhiều năng lượng điện như vậy lại được hưởng giá điện thấp hơn giá thành và vô hình trung, Chính phủ đã bù lỗ cho họ.

1.500 tỷ tiền lãi – EVN làm được gì?

Trao đổi với PV Dân trí, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) cho rằng, sau đợt tăng giá này, EVN có lãi 1.500 tỷ đồng trong năm 2015. EVN nói phần lãi sẽ dùng để ưu tiên cho đầu tư phát triển hệ thống điện, song ông Ngãi khẳng định, khoản này không thể giúp cho EVN có đủ vốn đối ứng để đi vay đầu tư, bởi một năm tập đoàn này đầu tư tới hơn 100.000 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2015 đầu tư gần 130.000 tỷ thì mức lãi trên “không thấm vào đâu”.

Do đó, theo ông Ngãi, việc tăng giá điện là một nhẽ nhưng còn nhiều vấn đề nữa mà EVN phải giải quyết và phải làm rất tích cực thì mới giảm được giá thành điện, tăng được lợi nhuận. EVN phải chứng minh được cơ cấu giá thành sản xuất của mình như thế nào, từ đó mới so với giá bán và lúc đó người tiêu dùng mới biết được họ đang dùng điện đắt hay rẻ.

Chủ tịch VEA đánh giá, với mức tăng giá điện 7,5% (khoảng 8 cent) như hiện nay là “còn rất thấp”, chưa đủ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Theo đó, một dự án BOT đã có vốn bình quân trên 2 tỷ USD. Tuy nhiên, ở mặt khác, việc tăng giá điện lại ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, đến kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp khác và tới CPI… “Thôi thì, dân ta cũng phải thừa nhận là trả thêm hơn 100 đồng/kWh thì cũng chưa ăn thua gì, chưa thay đổi gì nhiều đến cuộc sống của họ. Cũng coi là được!” – ông Ngãi hóm hỉnh.

Còn về phía EVN, ông Ngãi cho rằng, nếu doanh nghiệp này muốn hoạt động có hiệu quả hơn thì phải thực hiện một loạt các giải pháp: giảm tổn thất điện năng (giảm 8% cũng tốt nhưng giảm thêm nữa càng tốt), muốn vậy phải cải tiến, nâng cấp, lưới điện, hệ thống công tơ đo đếm. Phải tiết kiệm điện, không phải ở mức 3-4 tỉ kWh, tức khoảng vài ba phần trăm như hiện nay mà phải phấn đấu khoảng 10%, tức 10 tỉ kwh, đây là nguồn để tăng lợi nhuận. 

Điều quan trọng theo ông Ngãi là EVN cần giảm thiểu các chi phí mà trong đó, chi phí đầu tư là quan trọng nhất. “Một năm EVN đầu tư trên 100.000 tỉ đồng thì chỉ cần tiết kiệm được ở khâu này 7-10% thôi thì đã dư ra chục nghìn tỉ rồi! Giảm ở đây là từ khâu quy hoạch, khảo sát, thiết kế, lập tổng dự toán, tổ chức đấu thầu, chọn lựa nhà thầu, quản lý dự án… EVN phải làm tích cực thì mới tiết kiệm được” – ông Ngãi nhận định.

Thêm vào đó, EVN phải tinh giản bộ máy, tổ chức lại sản xuất; phải cổ phần hóa, tái cơ cấu các GENCO, các công ty con để lấy vốn về tiếp tục đầu tư; khi đó các đơn vị này cũng có trách nhiệm tự quản lý, tăng hiệu quả, năng suất.

Cổ phiếu ngành điện “bùng nổ”

Ngay sau khi thông tin tăng giá điện được đưa ra, trên thị trường chứng khoán, trái ngược với diễn biến chung, cổ phiếu ngành điện giao dịch khá sôi động và có sự tăng trưởng khá.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần vừa rồi, giá cổ phiếu NT2 của CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 tăng giá 1.100 đồng (4,7%); TMP của CTCP Thủy điện Thác Mở tăng 1.100 đồng (4,1%), VSH của CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh tăng 300 đồng (2,2%), TBC của CTCP Thủy điện Thác Bà tăng 500 đồng (2%).

Theo nhận định của CTCK Bản Việt (VCSC), giá điện bán lẻ gia tăng sẽ dần dần dẫn đến sự gia tăng giá điện của các doanh nghiệp phát điện (PPC – Nhiện điện Phả Lại, VSH – Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, SHP – Thủy điện Miền Nam, CHP – Thủy điện Miền Trung…) trong dài hạn và thu hút thêm nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực phát điện.

Trong khi đó, theo đánh giá của chuyên viên ngành CTCK Rồng Việt, việc tăng giá điện lần này sẽ có những tác động khác nhau tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Với các công ty ngành điện, giá điện tăng sẽ không giúp cải thiện biên lợi nhuận do giá bán đã được quy định trong hợp đồng với EVN. Tuy nhiên, chi phí của nhiều đơn vị sản xuất như xi măng, sắt thép, phân bón, hóa chất… sẽ bị tăng lên đáng kể do điện thường chiếm tỷ trọng khá lớn trong giá vốn (từ 10-20 %). 

Nhìn theo góc độ vĩ mô, giá điện tăng sẽ có những tác động lên chỉ số giá tiêu dùng của tháng 4. Tuy nhiên, việc lạm phát tăng được cho là sẽ không đáng quan ngại do mặt bằng giá hiện tại đang ở mức khá thấp, CPI tháng 2 đã giảm 0,11% so với tháng trước đó.

Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Dòng sự kiện: Tăng giá điện từ 16/3

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm