Đấu thầu vàng “góp” hơn 6.800 tỷ đồng vào ngân sách

(Dân trí) - Ngân hàng Nhà nước khẳng định, thu, chi từ hoạt động mua, bán vàng thông qua đấu thầu đã được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Thông qua 61 phiên đấu thầu, cơ quan này đã nộp về ngân sách 6.834 tỷ đồng.

6.834 tỷ đồng thu về từ hoạt động đấu thầu vàng.
6.834 tỷ đồng thu về từ hoạt động đấu thầu vàng.

Thông tin từ Vụ Kế toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến ngày 25/9/2013, Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 61 phiên đấu thầu vàng và bán ra 1.596.500 lượng vàng. Thu nhập từ bán vàng của NHNN sau 61 phiên đấu thầu (sau khi trừ chi phí liên quan) là 6.834 tỷ đồng.

Qua đó, NHNN đã thực hiện quản lý, hạch toán, nộp NSNN theo đúng quy định của pháp luật và quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Vụ Kế toán NHNN khẳng định, thu, chi tài chính của NHNN về nguyên tắc thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngày 24/1/2013, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định về Chế độ tài chính của NHNN Việt Nam.

Theo đó, các khoản thu, chi (trong đó có thu, chi về nghiệp vụ mua bán vàng của NHNN) được kiểm soát thông qua: Cơ chế kiểm soát nghiệp vụ; cơ chế kiểm soát được áp dụng trong mỗi nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước để đảm bảo việc thực hiện nghiệp vụ được chặt chẽ, minh bạch. Riêng đối với nghiệp vụ đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước đã thành lập tổ triển khai đấu thầu vàng miếng gồm thành viên các vụ, cục, sở của Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo thực hiện đúng quy trình, khách quan.

Cũng theo vụ chức năng trên, về kế toán, mỗi nghiệp vụ phát sinh và ghi vào sổ kế toán phải được kiểm soát từ người nhập dữ liệu từ chứng từ, người kiểm soát và người phê duyệt.

Vụ Kiểm toán nội bộ (Ngân hàng Nhà nước) có trách nhiệm giám sát, kiểm toán các nghiệp vụ phát sinh trong Ngân hàng Nhà nước, bao gồm các khoản thu nhập, chi phí.

“Hàng năm, theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước, Kiểm toán Nhà nước đều thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và các hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Nhà nước. Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã theo dõi sát hoạt động mua, bán vàng của Ngân hàng Nhà nước”, Vụ Kế toán cho biết.

Thông tin về con số lời, lãi thông qua đấu thầu vàng được Ngân hàng Nhà nước công bố trong bối cảnh các chuyên gia đang tranh luận sôi nổi về chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước. Có chuyên gia còn cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã thâu tóm quyền quản lý, kiểm soát thị trường vàng về mình và theo nhiều ý kiến, Ngân hàng Nhà nước cần công bố rõ số tiền thu về từ hoạt động đấu thầu.

Nói về đấu thầu vàng, ông Nguyễn Quang Huy - Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước cho hay: Giải pháp này đảm bảo tính công khai, minh bạch, bình đẳng về quyền lợi của các thành viên tham gia, không bao cấp, không bù lỗ, tuân thủ đúng quy định của pháp luật và bảo đảm lợi ích của Nhà nước.

Để ngăn chặn hiện tượng đầu cơ, làm giá trên thị trường, hàng ngày Ngân hàng Nhà nước đã theo dõi, giám sát chặt chẽ báo cáo của các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp về tình hình sử dụng vàng miếng mua từ Ngân hàng Nhà nước; trong đó các đơn vị báo cáo chi tiết về mục đích sử dụng, các khoản đã bán cho từng đối tượng tại mức giá và khối lượng cụ thể.

Trong tổng số khối lượng vàng miếng trúng thầu, có gần 30 tấn được các tổ chức tín dụng sử dụng để tất toán số dư huy động vốn bằng vàng; phần còn lại các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trúng thầu đã sử dụng để bán lại trên thị trường.

“Kết quả cho thấy, vàng miếng mua qua đấu thầu được các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp sử dụng để bán ra thị trường đáp ứng nhu cầu của người dân và một phần để chi trả vàng đến hạn cho người dân gửi vàng tại tổ chức tín dụng”, ông Huy nói.

Ngoài ra, trên cơ sở báo cáo của các đơn vị, kết quả cho thấy số lượng vàng các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp trúng thầu bán lại ra thị trường chủ yếu cho đối tượng là khách hàng cá nhân, số lượng bán lại cho các doanh nghiệp kinh doanh mua, bán vàng miếng là không đáng kể. Thực tế trong giai đoạn vừa qua, các tổ chức tín dụng đều nghiêm túc tuân thủ quy định không được giữ trạng thái vàng vượt quá 2% so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái âm vàng, toàn hệ thống duy trì trạng thái vàng ở mức trung bình khoảng 0,14% trên vốn tự có.

“Đến nay, thị trường vàng đã ổn định hơn, sự mất cân đối về cung cầu vàng trong nước đã được thu hẹp, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới đã được thu hẹp, từ mức cao nhất 6 - 7 triệu đồng/lượng, đến nay chỉ dao động quanh mức 2 triệu đồng - 3,5 triệu đồng/lượng”, ông Huy nhấn mạnh.

Nguyễn Hiền