1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Đừng ngộ nhận độc quyền vàng như một cỗ máy in tiền!”

(Dân trí) - Cùng một miếng vàng có trọng lượng và hàm lượng giống hệt nhau, nhưng nếu được dập thành thương hiệu quốc gia thì giá sẽ cao hơn hẳn loại dập dưới thương hiệu khác chính là điển hình của việc ngộ nhận vàng thương hiệu quốc gia là tiền quốc gia.

Sáng nay (26/9/2013), Hội thảo Kinh tế mùa thu do Ủy ban Kinh tế tổ chức đã bắt đầu khai mạc, ghi nhận hàng loạt những nhận định, đánh giá của các chuyên gia đầu ngành về thực trạng hiện nay của nền kinh tế đất nước.

Góp tham luận liên quan đến điều hành thị trường vàng, TS Nguyễn Minh Phong đã đưa ra những góp ý đầy tâm huyết gần 30 trang cho Kỷ yếu diễn đàn.

TS Nguyễn Minh Phong (Ảnh: BD).
TS Nguyễn Minh Phong (Ảnh: BD).

Túi vàng trong dân càng phình lên!

Theo quan sát của TS Phong, gần đây, việc tất toán trạng thái vàng của các Ngân hàng thương mại (NHTM) cơ bản đã xong. Theo đánh giá sơ bộ của NHNN, đến 28/6 đã có trên 98% hợp đồng huy động vàng đã được tất toán, hay nói cách khác số dư huy động vàng chỉ còn 2%, các đơn vị này chủ yếu đều ở TP.HCM.
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng đã giảm số vàng được phép mua tối đa để đảm bảo khả năng tham gia của các ngân hàng và doanh nghiệp, hạn chế vàng đấu thầu chảy vào túi các NH lớn gây đầu cơ, lũng đoạn giá bán lẻ. Theo đó, số lượng vàng tối đa mà mỗi đơn vị được phép mua qua mỗi phiên đấu thầu, từ mức 15.000 lượng/phiên, giảm xuống mức 5.000 lượng và hiện nay còn 3.000 lượng. 
 
"Hiện các NH được duy trì số vàng dương 2%. Tính tổng vốn của 22 NH được phép kinh doanh vàng, các NH có thể duy trì số dư vàng tương đương 70.000 lượng. Con số này không cao nhưng trong một thời gian, nếu các NH dồn dập tung hàng ra thì có khả năng chỉnh giá thị trường theo ý đồ của mình" – TS Phong nhận định. 
Theo ông, với tình trạng độc quyền cung và độc quyền phân phối như hiện nay, người dân thường có tâm lý “thủ”, người có vàng cũng không dám bán vì sợ không mua lại được. Trong khi đó, tất cả các phiên đấu thầu, NHNN chỉ bán ra chứ không mua vào được, từ đó làm cho túi vàng trong dân ngày càng phình lên.
 
Như vậy, vấn đề gốc rễ không giải quyết được mà làm cho tình trạng vàng hóa ngày càng trầm trọng thêm. Tình trạng giá vàng bị đẩy lên vào những ngày NHNN không thực hiện đấu thầu là do đầu cơ và thiếu nguồn cung…

Ông góp ý, trong điều hành, NHNN cần tránh ngộ nhận và suy luận logic hình thức rằng, việc độc quyền vàng và giãn cách giá vàng trong nước với nước ngoài cao là công cụ hữu hiệu để chống buôn lậu. Bởi, buôn lậu vàng dễ hơn nhiều các loại hàng hóa cồng kềnh và dễ bị phát hiện khác. Và đây cũng không thể coi đó là công cụ để chống dòng chẩy ngoại tệ nhập vàng và do đó, giúp bảo đảm tỷ giá ổn định...

Theo một đánh giá của hãng vàng tư nhân trong nước thì thị trường mua vào khoảng 2.600 lượng/tuần; còn báo cáo vừa công bố của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy, trong một năm qua ước tính nhu cầu vàng tại Việt Nam đạt 77,4 tấn.

Không thể biến việc chống “vàng hóa” thành việc “tiền tệ hóa” vàng

Tinh thần Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ là bảo đảm Nhà nước độc quyền kinh doanh vàng miếng và quản lý tập trung thị trường vàng, chống lại các hoạt động đầu cơ và gây rối loạn thị trường vàng nói riêng, cũng như thị trường tài chính-tiền tệ và sự ổn định kinh tế vĩ mô quốc gia nói chung.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Minh Phong, điều này không có nghĩa là Nhà nước cho phép duy ý chí trong đưa ra các công cụ pháp lý và hành chính quản lý vàng, chống lại các quy luật kinh tế thị trường và yêu cầu kinh doanh vàng theo sát với động thái thị trường quốc tế; không cho phép sự vô tình hay cố ý tạo ra các nhóm lợi ích cơ hội hay bắt ai đó phải trả giá cho những rủi ro chính sách mà họ phải gánh chịu. 

Bởi vậy, sẽ là ngộ nhận lớn về mục tiêu và tinh thần xuyên suốt của Nghị định này, cũng như sớm muộn sẽ gây hệ quả nhiều mặt cho đất nước nếu đóng cửa thị trường vàng trong nước với thị trường vàng quốc tế, kiểu “mũ ni che tai”, thiếu hài hòa các lợi ích, dù được biện minh bằng những lợi ích nào đó về cán cân thương mại và thanh toán.

Ông cũng lưu ý, cần tránh ngộ nhận và đồng nhất việc độc quyền nhập khẩu và dập vàng thương hiệu quốc gia giống như độc quyền sản xuất tiền của Chính phủ, càng không thể quản lý vàng theo thương hiệu quốc gia như một dạng tiền tệ chính thức quốc gia. 

Nói cách khác, không thể dùng quyền độc quyền vàng như một loại máy in tiền; không thể biến việc chống “vàng hóa” thành việc “tiền tệ hóa” vàng, nếu không muốn biến một quốc gia từ chỉ có một  đồng bản tệ duy nhất thành có 2 đồng tiền cùng lưu hành chính thức và độc quyền như nhau.

Đồng thời, theo ông, cần thực hiện quản lý vàng thương hiệu quốc gia trên cơ sở pháp lý đầy đủ, minh bạch, với giá được tính theo hàm lượng vàng, được chuẩn hóa và bảo đảm bởi yêu cầu mang tính pháp định cao.

Trong tham luận lần này, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, hiện tượng cùng một miếng vàng có trọng lượng và hàm lượng giống hệt nhau, nhưng nếu chúng được dập thành thương hiệu quốc gia thì giá sẽ cao hơn hẳn loại dập dưới thương hiệu khác chính là điển hình của việc ngộ nhận vàng thương hiệu quốc gia là tiền quốc gia. Điều này làm tăng giá trị ảo của vàng miếng mang thương hiệu quốc gia, với tất cả những hệ lụy nặng nề và gây thiệt hại cho người dân và những ai muốn sở hữu vàng.

"Về cả bản chất và tính chất, cũng như cơ sở pháp lý quốc gia và quốc tế hiện nay, thì vàng đủ hàm lượng 99,99% dù của bất kỳ ai và dưới dạng hình thức nào cũng cần được đối xử bình đẳng và cũng như nhau về giá trị; tức không thể dùng ý chí chủ quan tạo sự chênh biệt giá cả lớn giữa vàng có “thương hiệu quốc gia” với vàng khác cùng hàm lượng % vàng như nhau. Nếu coi vàng được gắn “thương hiệu quốc gia” là vàng có giá trị chênh biệt cao hơn hẳn các vàng khác, thì vô tình hay cố ý đã biến vàng thành tiền quốc gia, tương tư như việc Chính phủ thông qua máy in tiền đã biến tờ giấy in bình thường thành đồng tiền giấy quốc gia, dù với những công nghệ chống làm giả ngày càng tinh vi hơn mà thôi." – ông Phong nếu quan điểm.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm